17/05/2021 10:25 PM
Chưa đến cao điểm mùa mưa nhưng gần đây Hà Nội đã đối diện với tình cảnh “hễ mưa là ngập”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân.

Công nhân thảm một lớp bê tông dày, sau đó mới lát đá tự nhiên trên vỉa hè đường Lê Văn Lương đoạn giao với đường Lê Văn Thêm

Một trong những nguyên nhân chính được nhiều chuyên gia chỉ ra là Hà Nội chỉnh trang đô thị không khoa học, dùng đá tự nhiên lát vỉa hè tại hơn 900 tuyến phố, từ đó làm triệt tiêu khả năng thấm nước…

Lát đá tự nhiên khiến vỉa hè mất chức năng thấm nước

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, từ đầu tháng 3/2021 đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 4 trận mưa với cường độ từ 10 đến trên 100mm nhưng có tới 2 trận mưa khiến hàng loạt các tuyến đường bị ngập nặng.

Mới đây, khoảng 17h ngày 11/5, Hà Nội xảy ra trận mưa lớn đúng giờ tan tầm và chỉ kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ nhưng đã khiến hàng loạt tuyến phố biến thành “sông”. Hàng loạt phương tiện bị chết máy hoặc phải “bơi” trên đường rất nguy hiểm.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến Hà Nội hễ mưa là ngập nặng là do thành phố thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, với việc dùng đá tự nhiên lát vỉa hè. Loại đá này không có khả năng thấm nước như nhiều loại gạch trước đó Hà Nội đã sử dụng.

“Trước khi lát đá, lớp gạch cũ được dỡ bỏ, đổ một lớp bê tông dày rồi lát đá lên trên, vô tình bịt kín, không cho nước mưa thấm xuống đất”, KTS Ánh nói.

Cũng theo ông Ánh, mặt đất đã xây gần kín nhà cửa, lòng đường đều được thảm nhựa, nay đến lượt toàn bộ bề mặt vỉa hè được lấp kín bằng xi măng, đá tự nhiên nên khi mưa xuống làm gia tăng áp lực lên hệ thống thoát nước vốn đã quá tải. Ngập lụt là khó tránh khỏi.

GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, các hồ chứa của Hà Nội giờ bị lấp rất nhiều, cộng thêm vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên khiến cho nước mưa không còn đường thoát.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện Hà Nội vẫn đang tiếp tục thi công lát đá vỉa hè trên nhiều tuyến phố, nhiều nhất là các quận Ba Đình, Thanh Xuân. Trước khi lát đá, đơn vị thi công đều trải một lớp bê tông dày như lời các chuyên gia phân tích.

Sáng 13/5, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh đoạn đối diện với Đài Truyền hình VN, sau khi dỡ lớp gạch con sâu lên, hàng chục công nhân đổ bê tông dày lên bề mặt vỉa hè, sau đó dùng thêm lớp xi măng rồi đặt những viên đá dày khoảng 5 - 6cm lên trên.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, một công nhân đang thi công ở đoạn đường trên chia sẻ: “Để cốt vỉa hè không bị cập kênh, hạn chế tối đa tình trạng đá bị vỡ, chúng tôi được giao thực hiện phủ thêm lớp bê tông dày khoảng 8cm”.

Quy trình thi công lát đá vỉa hè tương tự cũng được thực hiện tại ngã ba Lê Văn Lương - Lê Văn Thêm. Công nhân sau khi đổ lớp bê tông, chờ cho khô mới lát những viên đá có diện tích mỏng hơn khoảng 4cm.

Cần quy rõ trách nhiệm

Đường Cầu Giấy ngập nặng sau trận mưa chiều 11/5

Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành, vỉa hè đã và đang được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên. Số kinh phí dự kiến lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng, từ khi Hà Nội bắt đầu nhen nhóm ý tưởng lát đá đồng bộ trên vỉa hè, ông cũng như nhiều chuyên gia đô thị đã cảnh báo việc này vừa lãng phí lại lộ nhiều bất cập.

Tôi vào khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng do người Anh thiết kế, trên đường đi, cứ một đoạn họ lại không lát gì cả và để hở. Tôi có hỏi thì được người có trách nhiệm trả lời đây là thiết kế để cho nước thấm xuống chống ngập. Trong khi đó, thực tế hiện nay, tại các khu nghỉ dưỡng, thậm chí các chung cư của Hà Nội, trên vỉa hè diện tích dành cho thấm nước hầu như không có, thay vào đó là bê tông hóa.

GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Theo ông Ánh, tăng diện tích thấm nước rất quan trọng trong một đô thị khi biến đổi khí hậu. Trong khi đó, vỉa hè lát bằng đá tự nhiên không có khả năng thấm nước như nhiều loại gạch trước đó Hà Nội đã sử dụng.

“Vỉa hè có khả năng thoát nước tốt là tối quan trọng, bởi không chỉ giúp nuôi cây xanh trên mặt đất, bổ sung nguồn nước ngầm khi thẩm thấu lâu dài, đồng thời khi bốc hơi tạo nên vùng khí hậu dễ chịu hơn. Lát đá tự nhiên không những triệt tiêu những điều đó mà còn gây hiệu ứng gia tăng nhiệt khi nung nấu bê tông”, ông Ánh nói và cho biết rất bức xúc khi rất nhiều chuyên gia, người dân đã lên tiếng về những bất cập, thậm chí cả sai phạm liên quan đến các dự án lát đá tự nhiên, nhưng đến nay các dự án đã thực hiện khoảng hơn 90%. Giờ không thể đào lên để thay thế bằng các loại vật liệu khác vì sẽ gây lãng phí cả nghìn tỷ.

“Phải quy rõ trách nhiệm cả người đề xuất và quyết định thực hiện cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên gây lãng phí”, KTS Ánh bày tỏ.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN cho rằng, việc Hà Nội lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đồng loạt trên các tuyến phố, bịt hết mọi khoảng không của đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiêu thoát nước của TP Hà Nội.

“Tôi được biết, lãnh đạo TP Hà Nội có giao trách nhiệm cho các quận trong việc lát vỉa hè, nhưng để các quận làm tùy tiện mỗi nơi một kiểu là do công tác giám sát của thành phố chưa hiệu quả. Chủ trương chỉnh trang đô thị do TP Hà Nội phê duyệt nên rõ ràng lãnh đạo thành phố phê duyệt chủ trương này phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Thủ tướng Chính phủ”, TS. Long nói và cho rằng, Hà Nội làm sai phải sửa. Những tuyến phố nào chưa triển khai lát đá vỉa hè phải dừng thi công.

Lê Tươi (Giao thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.