Mới đây nhất, ông Võ Duy Khương, PCT thường trực UBND thành phố Đà Nẵng phải nhận xét, đã đến lúc thành phố nên xem xét thu hồi lại các dự án của công ty Tân Cường Thành để chuyển giao cho đơn vị khác. Mọi liên lạc giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư này nhằm nối kết cơ hội “tái phục dự án” trong nhiều tháng qua gần như không có phản ứng nào.
Hàng trăm hộ dân Đà Nẵng bao vây công ty Tân Cường Thành "đòi đất" - Ảnh: N.Đức
“Nhiều giấy vẽ voi”
Theo chính quyền địa phương, ngay sau khi đầu tư xây dựng nhà máy dây cáp điện số 2 tại quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) vào năm 2004, công ty cổ phần Dây cáp điện Tân Cường Thành (quận 5, TP.HCM) đã trở thành 1 điểm sáng công nghiệp của Đà Nẵng, được địa phương quan tâm và tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh.
Dựa vào những ưu đãi ấy, những năm kế tiếp, doanh nghiệp đã đề xuất đầu tư thêm các khu dân cư và đô thị trên địa bàn Đà Nẵng, định hướng thành doanh nghiệp khai thác bất động sản từ năm 2011. Đến năm 2012, Tân Cường Thành gọi vốn đầu tư, thành lập thêm công ty con tên Tân Hải Doanh để chuyên sâu hơn vào lĩnh vực bất động sản.
Đúng giai đoạn này, cơn sốt khai thác quỹ đất tại địa bàn Đà Nẵng và cả nước cũng bùng phát mạnh mẽ. Chính quyền địa phương đã chấp nhận cho công ty này triển khai lần lượt 2 dự án, là khu dân cư Liên Chiểu, rộng gần 15,2 ha và khu đô thị Thiên Park (Cánh đồng Thiêng) tại phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) có tổng diện tích trên 129,9 ha.
Với mô hình khu phức hợp dịch vụ thương mại, chung cư cao cấp và đất ở, báo vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng, khu dân cư Liên Chiểu vào thời điểm mở bán đã khai thác được hơn 500 lô đất nền, thu hút hàng ngàn người quan tâm chia sẻ cơ hội sở hữu. Khu đô thị Thiên Park cũng tương tự, với hoạch định đầu tư 283 căn biệt thự, 1.311 lô đất nền, 4 khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp và các hạng mục cộng đồng khác, tổng vốn đầu tư công bố hơn 1.600 tỷ đồng, lập tức thu hút giới kinh doanh địa ốc Đà Nẵng và miền Trung.
Đi cùng các ý tưởng này, công ty Tân Cường Thành còn có những kiến nghị đề xuất “đột phá” về nâng cao năng lực sản xuất cho nhà máy dây cáp điện trực thuộc, vận động địa phương hỗ trợ thêm dự án chấp thuận cho nhà máy mở rộng công suất và quy mô; đồng thời còn kêu gọi cả 1 đối tác Nhật Bản để vốn đầu tư vào khu đô thị Thiên Park, với phạm vi phủ kín 1 vùng dân cư phía bắc sông Cu Đê (Đà Nẵng).
Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau, những hoạt động khai thác đất đai ở các dự án này đã lần lượt bộc lộ sự yếu kém, lúng túng về nguồn tài chính đầu tư và khả năng quản lý dự án. Nhiều người trong giới đầu tư nhìn nhận, thực chất doanh nghiệp này đã “thừa giấy vẽ voi”, ôm mộng lớn nhưng khả năng hạn chế.
Khu dân cư Liên Chiểu do Tân Cường Thành đầu tư dở dang vẫn đang chờ triển khai - Ảnh: N.Đức
Cần sớm dứt điểm!
Mọi sự việc bắt đầu vỡ lở từ giữa năm 2012, khi tổng giám đốc Tân Cường Thành, ông Trương Vỹ Kiến bị bắt giam về hành vi lạm dụng tín nhiệm để lừa đảo. Ngay sau đó, hàng loạt thông tin về các dự án “mượn hoa kính Phật” lần lượt bị phanh phui. Mặc dù sau đó, đội ngũ những người quản lý tại đây đã có những dàn xếp nhất định, đàm phán lại với người dân khu vực để hứa hẹn tiếp tục triển khai các dự án, nhưng thực chất thời gian càng trôi đi hoạt động đầu tư càng sa lầy.
Hàng trăm hộ dân Đà Nẵng đã bao vây nhà máy Tân Cường Thành để đòi lại tiền đặt cọc đất nền dự án khu dân cư Liên Chiểu, còn dự án đô thị Thiên Park trở nên đìu hiu không còn xúc tiến triển khai, làm hại hàng trăm nhà đầu tư nhỏ lẻ từ Hà Nội, TP.HCM tham gia không có cách gỡ.
Trước tình hình đó, chính quyền Đà Nẵng đã nhiều lần đề nghị doanh nghiệp làm rõ trách nhiệm đầu tư, tiến hành trả các khoản nợ tiền đất cho địa phương. Tháng 10/2013, UBND Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu doanh nghiệp cam kết triển khai tiếp các dự án, nếu không sẽ buộc thu hồi. Công ty Tân Cường Thành có văn bản chấp hành, cam kết tiến hành đầu tư hạ tầng kỹ thuật các dự án từ đầu tháng 3/2014. Song cho đến nay, các dự án vẫn “án binh bất động”.
“Có lẽ, đây sẽ là dự án đầu tiên địa phương cần kiên định thái độ xử lý, tiến hành thu hồi lại đất đai đã giao. Hệ lụy kéo theo của việc này sẽ có, nhưng rõ ràng cần sớm dứt điểm tình trạng dự án đầu tư dở dang này, làm ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân đang sinh sống nơi đây”. Một lãnh đạo quản lý quy hoạch đô thị Đà Nẵng bày tỏ như vậy.
-
Giám đốc phân lô bán hàng nghìn nền đất “ma" ở Phú Quốc
Công an Phú Quốc đã bắt giữ nhóm người phân lô, bán nền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
-
Bỏ 17 tỉ đồng mua nhà, nhưng khi nhận bàn giao chỉ biết “chết lặng”
Cách đây 2 năm, một người phụ nữ tên Zhang tại Trung Quốc đã chi 5 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỉ đồng) để mua một căn nhà ở Định Kiều, Hàng Châu. Tuy nhiên, cô đã “chết lặng” khi căn nhà quá khác xa quảng cáo....
-
Bất động sản và những cú lừa ngoạn mục
Thị trường bất động sản (BĐS) được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Nhưng mặt trái của thị trường này là sự phức tạp, tính rủi ro cao và là miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ, trục lợi. Nhiều người chạy theo cơn sốt của thị trường BĐS, nhưng do...