Đã thành lệ, hằng
năm, tháng 7 âm lịch được coi là tháng "cô hồn" của giới kinh doanh bất
động sản, ngay cả khi thị trường nóng hừng hực như những năm 2006 –
2007, giao dịch ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng. Hiện nhiều doanh nghiệp đã
phải ngừng tung dự án hoặc tung trước để “né” tháng 7 âm lịch, tranh thủ
làm marketing, chăm sóc khách hàng, đi ngoại giao… để mong bước qua
tháng 8.
Tháng “cô hồn” gián tiếp làm thị trường bất động sản thêm “buồn”.
Ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành, Tổng giám đốc Công ty CP An cư lạc nghiệp, cho biết, lúc này, công ty chủ yếu đưa khách hàng đi tham quan dự án, sau tháng 7 âm lịch mới chính thức mở bán. “Đây là thời điểm để làm thị trường, tìm và chăm sóc khách hàng. Trong thời gian này, nhân viên bán hàng sẽ tư vấn cho khách hàng thông tin về dự án, để khách hàng tính toán, bước qua tháng 8 sẽ là thời điểm để gút lại lượng khách hàng đăng ký mua hàng”, ông Thành cho hay. Hay công ty Bến Đất (Bình Dương) thì tổ chức hàng loạt các hội thảo kêu gọi đầu tư, giới thiệu dự án. Theo lãnh đạo đơn vị này, giai đoạn này sẽ trú trọng việc phát triển nguồn khách hàng, mang sản phẩm đi khoe hơn là kinh doanh.
Né “tháng cô hồn”, nhiều công ty cũng tập trung phát triển “nội lực”,
như công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn đang có kế hoạch cho nhân viên
khảo sát thị trường và nhu cầu của khách hàng. “Dự kiến công ty sẽ làm
cuộc nghiên cứu xã hội học trong lĩnh vực bất động sản, để biết được
khách hàng muốn mua nhà đất ở đâu, giá bao nhiêu… và cũng giúp nhân viên
tìm kiếm nguồn khách hàng mới”, ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc doanh
nghiệp này cho hay. Ngoài ra, cũng theo ông Thanh, đây là lúc tập trung
đào tạo thêm kỹ năng cho nhân viên, để khi thị trường “ấm” trở lại họ
sẽ nhanh chóng thích nghi và có đủ kiến thức, kinh nghiệp “tác nghiệp”.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Hưng Gia Việt, cái khó lớn nhất hiện nay của thị trường bất động sản là tâm lý khách hàng và nguồn vốn. Nếu hai điều này được cởi trói, chắc chắn thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn, nhưng không phải ai cũng có đủ tiền để mua nhà mà cần phải có sự hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng, chủ đầu tư. Nếu nút thắt này được gỡ, không những người có nhu cầu nhà ở được an cư, mà các doanh nghiệp cũng sẽ vượt qua được khó khăn.