Một trong những sự án lớn của doanh nghiệp Việt tại Myanmar
Với dân số khoảng 60 triệu người cùng vị trí địa lý thuận lợi, thời gian gần đây Myanmar đang thực hiện chính sách mở cửa để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, Chính phủ nước này đã ban hành Luật đầu tư mới, tăng thời hạn thuê đất từ 30 năm lên 50 năm, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 25% đối với các doanh nghiệp FDI, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm đối với các doanh nghiệp mới đầu tư vào Myanmar,…
Những chính sách này đã giúp cho nguồn vốn FDI vào Myanmar tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây, đặc biệt ở thủ đô Yangon, nơi mà trong năm 2012 số lượng dự án FDI tăng mạnh 1.200% theo năm.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, Myanmar là một trong những thị trường rất tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á. Giá bất động sản tương đồng với các nước đang phát triển, dân số đông và quá trình đô thị hóa đang diễn ra kéo theo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư bao gồm các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Những lợi thế này đã thu hút được không chỉ các nhà đầu tư Việt mà còn hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tại các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore,…
Khảo sát mới đây của Công ty Savills cho thấy, tình hình hoạt động của thị trường bất động sản tại Yangon khá khả quan trong 12 tháng qua khi nhu cầu về khách sạn và nhà ở đang cao hơn so với nguồn cung hiện tại, đặc biệt tại thủ đô Yangon.
Theo thống kê, tổng nguồn cung khách sạn từ 3 – 5 sao ở Yangon đạt xấp xỉ 3.000 phòng, tương đương 5% nguồn cung tại Hồng Kông, 26% của Tp.HCM và 40% của Hà Nội.
Thị trường căn hộ dịch vụ của Yangon chỉ có khoảng 840 căn. Số lượng này chỉ bằng 25% của Tp.HCM và 28% của Hà Nội. Trên thị trường văn phòng, tình hình hoạt động khá sôi nổi khi công suất trung bình đạt khoảng 98% dù một số các dự án văn phòng đã tăng giá thuê từ 78% - 100% trong nửa đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012.
Phân khúc khách sạn 4 và 5 sao ở Yangon hoạt động khá tốt khi công suất thuê phòng đạt từ 90% đến 100% vào cả những ngày thường và cuối tuần do tình trạng thiếu phòng. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Yangon đạt khoảng 560.000 trong năm 2012, tăng mạnh 53% theo năm.
Theo ông Troydon John Griffiths - Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam “các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều điều kiện để thành công tại Myanmar vì thị trường này tương đồng với mô hình tăng trưởng và những thách thức của một thị trường mới nổi”.
Dù vậy, ông Chris Marriott - CEO của Savills Đông Nam Á cho rằng, với một thị trường còn nguyên sơ và đang phát triển như Myanmar tất nhiên không chỉ có cơ hội mà còn tiềm tàng những thách thức đối với các nhà đầu tư Việt như rủi ro thanh toán hoặc mức vốn với nhà đầu tư nước ngoài; giá đất trên thị trường Myanmar còn khá cao.
Thêm vào đó, giá bán căn hộ và sức cạnh tranh tại thị trường này sẽ tăng lên mạnh mẽ trong thời gian tới khi nhiều dự án được đầu tư xây dựng cách đây vài năm sẽ đi vào hoạt động làm nguồn cung tại tất cả các phân khúc tăng đáng kể. Sự cạnh tranh của các nhà đầu tư đến từ các nước khác cũng là một yếu tố gây trở ngại cho các nhà đầu tư Việt khi mà họ có kinh nghiệm và đến đây từ rất sớm. Vì vậy, khi các nhà đầu tư khi tiến vào Myanmar cần có sự am hiểu về thị trường và xác định một chiến lược đầu tư dài hạn, ông Marriott đưa ra lời khuyên.