Giữa cơn sốt bất động sản 2010, vợ chồng chị Thùy (Hoàng Mai, Hà Nội) xuống tiền mua lô đất nền biệt thự tại dự án Khu đô thị Cienco - Mê Linh với giá 23 triệu đồng một m2. Khi ấy, gia đình chị cùng nhiều bạn bè tìm cơ hội với bất động sản khu vực này sau khi huyện Mê Linh (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) được sáp nhập vào Hà Nội, cùng với đó là quy hoạch tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài được triển khai.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, giá đất khu vực này bắt đầu rơi. 5 năm sau, hiện gia đình chị Thùy vẫn mắc kẹt với lô đất rộng 400 m2, rao bán 7 triệu đồng một m2 cũng không ai hỏi. "Người ta không thèm quan tâm, chứ chưa nói gì đến việc thỏa thuận, thương lượng về giá bán", nhà đầu tư này chia sẻ. Tương tự gia đình chị Thùy, những lô đất liền kề khác đều đã có sổ đỏ, song đều rơi vào cảnh hoặc bị bỏ không, hoặc xây rồi nhưng không ai ở.
Giá đất nền tại Mê Linh hiện dao động từ 3,5 đến 9 triệu đồng một m2, bằng một phần ba so với 5 năm trước. Ảnh: P.V
Cũng đầu tư vào lô đất nền 400m2, song cơ hội cắt lỗ của vợ chồng chị Dịu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thậm cho còn mong manh hơn khi lỡ đổ tiền vào một dự án tại xã Tiền Phong (Mê Linh) dưới dạng hợp đồng góp vốn. Giá mua lại cộng với chênh lệch vào khoảng 20 triệu đồng một m2.
"Hiện dự án dừng ở hạng mục giải phóng mặt bằng và xây tường rào bao quanh. Chúng tôi chưa được cấp sổ nên dù muốn bán cũng không được. Tôi từng gửi các sàn nhưng họ đều từ chối. Họ nói các dự án có sổ rồi giá cũng chỉ tầm 6-8 triệu đồng một m2 nên không biết phải rao lô đất của tôi bao nhiêu tiền", chị Dịu nói.
Những trường hợp mắc kẹt với bất động sản Mê Linh như chị Thùy, chị Dịu không hiếm gặp khi vào giai đoạn cao điểm 2009-2010, địa bàn này có trên 50 dự án lớn nhỏ được triển khai. Với lợi thế quỹ đất rộng, các chủ đầu tư tập trung vào phân khúc chủ yếu là đất nền, biệt thự, nhà liền kề. Chỉ một thời gian ngắn, những lô đất có giá gốc ghi trong hợp đồng chỉ 5-7 triệu một m2 đã lên tới trên dưới 20 triệu đồng sau vài lần mua đi bán lại. Đất thổ cư cũng nhanh chóng tăng 2-3 lần.
Tuy nhiên, sau khi cùng thị trường lao đao những năm sau đó, đến nay, khi bất động sản nhìn chung có dấu hiệu phục hồi, địa bàn này dường như lại đứng ngoài cuộc chơi chung. Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng bộ phân nghiên cứu và tư vấn thuộc Savills Hà Nội nhận định, Mê Linh là một trong những khu vực có tỷ lệ giảm giá sâu nhất kể từ khi thị trường bất động sản gặp khủng hoảng đến nay.
"Tuy nhiên, có giảm bao nhiêu thì cái chính vẫn là không có người hỏi mua", ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn bất động sản 24h, đơn vị chuyên phân phối phân khúc đất nền cho biết. Theo ông, mức giá rao bán ở khu vực này hiện chỉ bằng một phần ba, thậm chí một phần tư so với thời điểm sốt nhất là năm 2010.
Theo khảo sát của VnExpress, hiện đất nền khu vực Mê Linh giá rao bán từ 3,5-9 triệu đồng một m2, tùy vị trí và mức độ hoàn thiện của hạ tầng từng dự án. Số dự án được rao bán khá nhiều như khu đô thị Minh Giang - Đầm Và, Hà Phong, Cienco 5, AIC, Quang Minh, Hoàng Vân... Hiện hầu hết các dự án và khu đô thị này đều trong tình trạng bỏ không hoặc được người dân tận dụng làm nơi tăng gia sản xuất, trồng hoa màu.
Số liệu nghiên cứu thị trường quý II của CBRE cũng cho thấy, xu hướng tăng giá thứ cấp ở phân khúc biệt thự, nhà liền kề vẫn tiếp tục được duy trì trong quý vừa qua, kể từ nửa cuối năm ngoái. Phân khúc này ở hầu hết các quận đều ghi nhận mức tăng giá, đặc biệt là tại các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Hoài Đức và Từ Liêm. Tuy nhiên, riêng khu vực huyện Mê Linh tiếp tục ghi nhận mức giảm giá mạnh nhất, đến 7,5% so với năm ngoái.
Nhóm nghiên cứu thuộc đơn vị tư vấn này nhận định một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do các dự án tại huyện Mê Linh vẫn đang có tiến độ xây dựng rất chậm và cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện.
"Các căn nhà đã được hoàn thiện bên trong một khu đô thị xanh với đầy đủ cơ sở hạ tầng và tiện ích đang được ưa thích hơn so với các lô đất nền mặc dù các căn nhà này giá trị cao hơn. Trái lại, các giao dịch đất nền lại khá ảm đạm. Phân khúc này phải cạnh tranh với phân khúc căn hộ để bán và đất thổ cư do cả ba loại hình này đều có mức đầu tư ban đầu tương đối giống nhau", đại diện CBRE nhận định.
Bà Hằng cũng cho rằng, ở một số khu vực khác, phân khúc đất nền đã có sự phục hồi hoặc đứng giá, riêng Mê Linh chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo bà, nguyên nhân liên quan đến hạ tầng chung cũng như sự thuận tiện trong đời sống của người dân.
"Một số dự án khu vực có hạ tầng đời sống tốt hơn, hướng tiếp cận trung tâm thuận lợi hơn thì bắt đầu được người mua nhà quan tâm trở lại. Trong khi đó, hạ tầng ở Mê Linh hiện vẫn khá sơ sài, tốc độ phát triển của cư dân ở khu vực này cũng chưa mạnh. Do đó mặc dù gần nhiều khu công nghiệp, nhiều tuyến đường chiến lược nhưng giá chưa thể phục hồi", bà Hằng nói.
-
Hà Nội: Bức xúc 11 năm chưa được giao đất dịch vụ
CafeLand - Hàng trăm hộ dân thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội đang bức xúc khi 11 năm qua đất đai canh tác của gia đình bị thu hồi để thực hiện dự án Khu công nghiệp Quang Minh nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao đất dịch vụ.
-
Thị trường bất động sản tại Mê Linh: Rục rịch chuyển mình
Mê Linh từng là vùng đất "vàng" hút tiền của rất nhiều nhà đầu tư. Sau khi cơn "sốt" đất hồi 2010 đi qua, thị trường nơi đây cũng đóng băng theo. Thậm chí nhiều dự án dường như đã bị lãng quên, không thể nhận ra do hoang hóa, cỏ mọc lút kín.
-
Công bố loạt Đồ án quy hoạch phân khu đô thị tại Sóc Sơn
UBND huyện Sóc Sơn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội vừa phối hợp tổ chức Hội nghị công bố các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn, tỷ lệ 1/2000.
-
Hà Nội chỉ đạo khẩn về tiến độ 2 dự án BT
Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ban hành Thông báo số 588 về Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tại cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ thực hiện và những nội dung vướng mắc tại 2 dự án đầu tư công trình giao thông theo hình thức BT....
-
Tài sản gần 4 tỷ USD, một công ty bất động sản gây bất ngờ với doanh thu
Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC, mã chứng khoán VEF) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 với doanh thu thuần chỉ đạt 126 triệu đồng.