Theo cổng thông tin điện tử chính phủ, tại Hội thảo trực tuyến “Rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ quy hoạch Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội” do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức ngày 11.10, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - Nguyễn Trúc Anh cho biết, đến nay, các đồ án quy hoạch được duyệt đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ đầu tư xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn Thành phố, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường.
Hà Nội sẽ nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “Thành phố trong Thành phố”.
Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, là quy mô việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn, việc tạo lập khu vực “Hành lang xanh" với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn Thành phố đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị, ảnh hưởng đến chức năng và trò của Thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt là khu vực hành lang hai bên sông Hồng chưa phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch để điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao; tiến độ đầu tư kết cấu giao thông còn chậm; công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững…
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đề xuất giải pháp đối với Hà Nội là ngoài định hướng, chương trình mục tiêu, Thành phố phải có lựa chọn tư vấn nước ngoài hoặc có một cuộc thi về xây dựng ý tưởng để làm quy hoạch Hà Nội. Trong lần điều chỉnh quy hoạch lần này cần làm rõ mục tiêu xây dựng Thủ đô văn hiến, hòa bình, sáng tạo, anh hùng.
Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Lưu Quang Huy cho biết, định hướng triển khai trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Từng bước nâng cao chất lượng, môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai.
Một số định hướng chính được đưa ra như xác định cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội, nguồn lực đầu tư phát triển và đặc biệt là tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó là nghiên cứu mô hình cấu trúc đô thị để đáp ứng khả năng phát triển mô hình “Thành phố trong Thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số “Thị xã mới trong Thành phố".
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội triển khai thực hiện việc tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án Đồ chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo quy định. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành; các chuyên gia, nhà khoa học, hội nghề nghiệp tiếp tục tham góp, phản biện, tạo điều kiện để việc Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đạt được chất lượng, hiệu quả, sớm hoàn thành đưa vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển Thủ đô.