14/04/2018 10:14 AM
CafeLand – Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Long An có hàng loạt dự án bất động sản được đầu tư bởi các doanh nghiệp địa phương và các chủ đầu tư đến từ TP.HCM.

Các dự án ở long an chủ yếu là đất nền, biệt thự, nhà phố. Đức Hòa, Bến Lức và Cần Giuộc là ba huyện có nhiều dự án hơn cả bởi đây là những nơi có vị trí giáp ranh với TP.HCM.

Điểm nóng Đức Hòa, Bến Lức và Cần Giuộc

Tại huyện Đức Hòa, Trần Anh Group và Cát Tường Đức Hòa (Cát Tường Group) là hai doanh nghiệp nổi bật với hàng loạt dự án khu đô thị đang được đầu tư xây dựng.

Trần Anh Group đang sở hữu quỹ đất hàng trăm ha để đầu tư loạt dự án án như khu đô thị Phúc An City; Trần Anh Riverside; khu biệt thự cao cấp Bella; khu đô thị Bella vista; khu dân cư Mỹ Hạnh Hoàng Gia…

Cũng sở hữu quỹ đất hàng trăm ha còn có Cát Tường Đức Hòa. Doanh nghiệp này tạo dấu ấn với các dự án như khu đô thị Cát Tường Phú Sinh; Cát Tường Phú Nguyên, Cát Tường Phú Thạnh, Cát Tường Golden River Residence…

Với vị trí giáp ranh TP.HCM, từ nhiều năm trước Long An đã thu hút sự quan tâm của nhiều chủ đầu tư. Hàng loạt dự án lớn được hình thành ở đây như Khu dân cư Long Hội (Bến Lức) của Thủ Đức House; Khu dân dư Thanh Yến; Khu đô thị Waterpoint (Bến Lức) của Nam Long…

Tại huyện Cần Giuộc là sự hiện diện của các dự án do Tập đoàn quốc tế Năm Sao đầu tư gồm dự án Five Star Eco City, hay Five Star New Ciy.

Gần đây, Long An đang nhận sự đón nhận của một làn sóng mạnh mẽ các nhà đầu tư mới. Trong đó, có những cái tên đình đám cư Vingroup, Him Lam, FCL, TTC Land…

Cụ thể, Tập đoàn Vingroup đề xuất xin chủ trương cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng Dự án khu phức hợp đô thị, kết hợp vui chơi giải trí tại khu đất có diện tích khoảng 900ha thuộc xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Các hạng mục sẽ gồm khu nhà ở Vinhomes, trường học Vinschool, bệnh viện Vinmec.

Công ty Cổ phần Him Lam đã báo cáo đề xuất thành lập khu kinh tế mở trên địa bàn 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước. Khu kinh tế mở rộng 32.300 ha sẽ gồm khu nông nghiệp công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp và cảng biển quốc tế, ở giữa lõi là khu đô thị.

Ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Cát Tường Group cho biết, Long An hấp dẫn với các chủ đầu tư bất động sản vì có vị trí liền kề với TP.HCM. Hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối với trung tâm TP.HCM cũng đang được đầu tư mạnh. Đặc biệt, Long An còn có quỹ đất rộng và giá đất thấp hơn so với các khu vực khác lân cận TP.HCM.

Phía sau bức màn nhung

Mặc dù có nhiều tiềm năng, song ghi nhận thực tế đã có không ít dự án gặp khó sau khi đầu tư tại Long An. Có dự án đình trệ nhiều năm, có dự án hoàn thiện hạ tầng cơ sở nhưng lại không có bóng dáng người dân về sinh sống.

Rất nhiều dự án tại Long An không có người ở dù được xây dựng nhiều năm

Điển hình nhất phải kể đến siêu dự án Happy Land của tập đoàn Khang Thông đầu tư tại huyện Bến Lức. Ngay khi xuất hiện dự án có vốn đầu tư ước tính ban đầu lên đến 2 tỷ đô là điểm sáng kỳ vọng cho sự thay đổi ngoạn mục của thị trường Long An.

Theo quy hoạch, toàn khu Happyland có quy mô phát triển giai đoạn 1 là 338 ha, giai đoạn 2 là 350 ha. Trong đó, công trình trung tâm là công viên với chủ đề Happyland, có kinh phí đầu tư 600 triệu USD, với các công trình gồm: khách sạn, khu mua sắm, trung tâm triển lãm, phim trường, trung tâm tiệc cưới, không gian văn hóa Việt Nam, khu đô thị thành phố tự do…

Thế nhưng sau gần 10 năm triển khai, kỳ vọng ban đầu biến thành nỗi ám ảnh với chủ đầu tư khi dự án liên tục đình trệ. Hiện chỉ có một số hạng mục bên trong được xây dựng. Thậm chí, cuối năm 2017, dự án này còn bị Cục Thi hành án Dân sự Long An tiến hành kê biên như tài sản đảm bảo cho các khoản nợ của chủ đầu tư.

Tại một số dự án khác như Nam Long Waterpoint, khu dân cư Long Hội, khu dân cư Thanh Yến, dự án Five star… mặc dù đã được hình thành từ nhiều năm trước song đến nay phần lớn diện tích dự án đều bỏ trống. Toàn dự án chỉ lác đác vài nhà dân về ở, trong khi hạ tầng xuống cấp, dự án thành nơi chăn thả trâu bò. Những nền đất tại các dự án trên đều đã có chủ song họ đều là những người mua đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều dự án đất nền dù được mở bán, giới thiệu rầm rộ nhưng trên thực tế chưa như mong đợi.

Dự án Hiển Vinh Đại Phúc do Hiển Vinh Group làm chủ đầu tư thuộc huyện Đức Hòa mặc dù được rao bán khá rầm rộ với nhiều tiện ích hiện đại song thực tế dự án này mới chỉ bắt đầu triển khai hạ tầng cơ bản. Vị trí dự án cũng cách mặt tiền đường lớn khá xa, con đường dẫn vào dự án là đường đất gồ ghề, mỗi ngày hàng chục lượt xe tải chạy qua bụi bặm. Xung quanh dự án vẫn là những cánh đồng lúa, nhà dân lụp xụp.

Mới đây, dự án Thắng Lợi Riverside Market do Thắng Lợi Group đầu tư tại huyện Cần Đước dính nghi vấn mở bán khi chưa đảm bảo đầy đủ các hồ sơ pháp lý.

Theo một chuyên gia bất động sản, sự xuất hiện của các chủ đầu tư cùng nhiều dự án bất động sản mọc lên đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản Long An. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ với các cấp quản lý Long An. Nếu không có sự quản lý chặt thì nguy cơ vỡ quy hoạch, hình thành những khu đô thị hoang vắng người ở suốt nhiều năm như tại thành phố mới Bình Dương hay Nhơn Trạch.

Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết lãnh đạo tỉnh đang có chủ trương siết chặt đối với các dự án giáp ranh TP.HCM, để đảm bảo không phá vỡ quy hoạch chung của toàn tỉnh. Ông Hùng cho biết sắp tới Sở Xây dựng sẽ có những đợt kiểm tra hàng loạt dự án trên địa bàn.

  • Sốt đất nền: Chuyện của những người trong cuộc

    Sốt đất nền: Chuyện của những người trong cuộc

    Nhiều chuyên gia cho rằng, giá đất nền ở TPHCM có thể "sốt" trở lại như đã từng xảy ra vào giữa năm 2017 do "cò" đất thổi giá, do người dân thấy đầu tư cho đất vẫn sinh lời cao, do vụ cháy chung cư Carina khiến nhiều người sợ ở chung cư nên quay lại với đất nền... Quan điểm nào cũng có lý nhưng về phía người mua, những người đang góp phần tạo nên cơn sốt đó thì sao, có ý kiến nào khác không? TBKTSG Online đã gặp một số người để tìm hiểu câu chuyện của họ.

  • Long An: Cưỡng chế gần 200 căn chòi cất trái phép để chiếm đất công

    Long An: Cưỡng chế gần 200 căn chòi cất trái phép để chiếm đất công

    Đất do nhà nước đang quản lý bỗng có hàng trăm hộ dân đến chiếm giữ. Họ tự ý cất chòi lá, cắm cờ để chiếm đất công

Gia Kỳ - Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.