Tại họp báo, đại diện CBRE đã có những thông tin xoay quanh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến các lĩnh vực, trong đó bất động sản không nằm ngoài xu thế.
Cụ thể, trong quý 1/2020, lượng căn hộ mở bán mới tại Hà Nội giảm 86% theo năm. Tỷ lệ bán của các dự án trong quý này chỉ đạt 30-40%, thấp hơn mức trung bình năm ngoái vốn số lượng dự án mở bán mới cũng không nhiều do những vướng mắc về pháp lý.
Về tổng quan thị trường, nếu như trước đây CBRE từng dự báo về sự mở rộng của phân khúc trung cấp, thì nay do ảnh hưởng của dịch bệnh phân khúc này chỉ ghi nhận 5 dự án với 600 căn, phần lớn là dự án mở bán những giai đoạn tiếp theo.
Quý này cũng không ghi nhận dự án hạng sang nào đi vào hoạt động. Mặt bằng giá không thay đổi, trên dưới 1%; doanh số bán hàng có sự suy giảm so với cùng kỳ.
Trong quý này, lượng mở bán chỉ đến từ 8 dự án, thấp hơn nhiều so với mức 25-30 dự án lúc thị trường nhộn nhịp. Điều này cho thấy sự trầm lắng nhất định trong quý này.
Ảnh minh hoạ
Đại diện CBRE cho hay, nguồn cung mở bán mới theo quý chỉ có 1.600 căn, thấp nhất trong 9 năm trở lại đây. Xét về vị trí, phía tây và phía đông Hà Nội tiếp tục là thị trường trọng điểm, trong đó phía tây chiếm hơn 50% nguồn cung mới, khu vực khác 10-15% tổng nguồn cung.
Các dự án trung cấp tập trung tại khu đô thị lớn tại phía đông và phía tây Hà Nội. Dự kiến nếu dịch bệnh được kiểm soát, thì dự án cao cấp sẽ mở bán tại khu vực quận Thanh Xuân, Từ Liêm.
Theo ghi nhận, doanh số bán hàng trong quý này cũng thấp nhất kể từ năm 2013. Giá bán sơ cấp tương đối ổn định theo quý, chỉ tăng nhẹ 4% theo năm do hạn chế mở bán mới và nhiều người mua nước ngoài không thể đến Việt Nam hoàn thiện thủ tục mua bán nhà.
Dù vậy, CBRE cũng ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường. Mặc dù nguồn cung mở bán mới chậm lại, nhưng các dự án cũ phần nào được tiêu thụ, lượng tiêu thụ hàng tồn kho cao hơn mở bán mới.
Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, cho biết hầu hết khách sạn cao cấp ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang đều sụt giảm về doanh thu. Riêng thị trường Hà Nội và TP. HCM sụt giảm tới 70-80% doanh thu khách sạn. Về giá thuê phòng không giảm nhiều nhưng công suất phòng giảm rất mạnh.
Các hạng mục vui chơi giải trí, du lịch ở phân khúc này cũng bị ảnh hưởng nặng nề. “Cho dù dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 3 hay tháng 6 thì bất động sản nghỉ dưỡng cũng là phân khúc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Không có chuyện sụt giảm 5-10% mà gần như toàn thị trường khách sạn, nghỉ dưỡng bị đóng băng, một vài doanh nghiệp đã phải phá sản, chủ yếu khách sạn quy mô nhỏ”, bà Dung cho hay.
Dự báo về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản nói chung, bà Dung cho rằng khả năng phục hồi của thị trường phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh kéo dài bao lâu và thời điểm kết thúc.
Nhìn vào đại dịch SARS năm 2002 – 2003 có thể thấy, thì tùy vào từng thị trường, việc phục hồi kéo dài từ 6-18 tháng, riêng khả năng phục hồi của thị trường khách sạn Việt Nam thời điểm đó là 6-9 tháng.
“Còn đối với dịch bệnh Covid-19, do mức độ và phạm vi ảnh hưởng lớn hơn nhiều nên phân khúc thị trường khách sạn ít nhất sẽ phải mất 9 tháng trở lên mới có thể phục hồi lại được”, bà Dung dự báo.
Đối với các thị trường khác, bà Dung cho rằng, phân khúc căn hộ để bán ít bị ảnh hưởng hơn do đây là phân khúc đáp ứng nhu cầu của đại đa số khách hàng. Số lượng chào bán sụt giảm ghi nhận thời gian qua là do các chủ đầu tư không thể tổ chức được buổi chào bán để người mua đặt cọc, chọn sản phẩm chứ không phải do nguồn cung không có.
“Chúng tôi tin rằng khi dịch kết thúc, lệnh hạn chế tụ tập được gỡ bỏ thì ngay lập tức thị trường này có khả năng phục hồi 70-80%”, bà Dung nhận định.
Cũng theo ghi nhận của CBRE, mặc dù giai đoạn này các chủ đầu tư không thể mở bán trực tiếp nhưng vẫn thực hiện quảng bá sản phẩm thông qua hình thức online. Đồng thời đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp lớn đang tận dụng thời gian hoàn thiện sản phẩm của mình, khi dịch bệnh kiểm soát sẽ ra mắt thị trường.
-
Bất động sản Hà Nội đang dịch chuyển về phía Đông Nam
Thị trường bất động sản Hà Nội đang có xu hướng chuyển dịch về phía Đông, sau hơn 10 năm bị bỏ quên.
-
Bộ Xây dựng chỉ đạo “nóng” sau vụ cháy quán hát ở Hà Nội
Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm soát chặt việc chuyển đổi công năng và an toàn cháy cho nhà riêng lẻ sau vụ cháy làm 11 người tử vong ở Phạm Văn Đồng (Hà Nội).
-
Masan bán công ty sản xuất bột vonfram hàng đầu thế giới, thu nghìn tỷ đồng
Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials (mã cổ phiếu MSR - sàn UPCoM) vừa cho biết, đã hoàn tất việc chuyển nhượng 100% cổ phần tại H.C. Starck Holding (Đức) cho Mitsubishi Materials Corporation Group (Nhật Bản)....
-
04 điểm nổi bật về bảng giá đất tại Hà Nội áp dụng từ ngày 20/12/2024
Ngày 20/12/2024, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định 71/2024/QĐ-UBND điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quyết định 30/2019/QĐ-UBND về việc ban hành quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn TP. Hà Nội (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 20/2023/QĐ-U...