27/11/2022 6:53 AM
Hầu hết các thị trường bất động sản lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) vẫn duy trì hoạt động tốt, mặc dù đã mất đi một số động lực tăng trưởng do các điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn gồm lạm phát cao và lãi suất tăng.

Báo cáo của công ty bất động sản Colliers ghi nhận những tín hiệu tốt từ thị trường bất động sản APAC trong quý vừa qua. Các thị trường lớn đều cho thấy sự hồi phục đáng kể, vượt qua những thách thức vĩ mô hiện tại.

Ấn Độ tiếp tục thu hút vốn, duy trì tỷ lệ lấp đầy

Tính trong ba quý đầu năm nay, Ấn Độ thu hút 3,6 tỷ USD vốn đầu tư vào thị trường bất động sản, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực văn phòng đang hồi sinh mạnh mẽ với mức vốn tăng 53%.

Dòng vốn ổn định xuất phát từ triển vọng tăng trưởng bền vững trong dài hạn của quốc gia này. Vai trò của các nhà đầu tư trong nước ngày càng lớn hơn, trong khi các nhà đầu tư toàn cầu dù vẫn thống trị thị trường nhưng đang trong tâm thế chờ đợi các diễn biến tiếp theo.

Các xu hướng mới gồm sở hữu chia phần, các nhà đầu tư được công nhận (AIF - một cá nhân hoặc một thực thể kinh doanh được phép giao dịch chứng khoán không được đăng kí với các cơ quan tài chính), hay các quỹ tương hỗ dưới dạng kết hợp vốn từ nhiều nhà đầu tư để triển khai theo một chiến lược cụ thể, đang mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và nhà phát triển.

Tỷ lệ hấp thụ ngày càng tăng trong các lĩnh vực nhà ở, văn phòng và hậu cần cũng cho thấy sự hồi phục của thị trường bất động sản Ấn Độ.

Đầu tư vào lĩnh vực văn phòng chiếm gần một nửa tổng số vốn đầu tư nhờ niềm tin của khách thuê tăng lên. Trong năm 2022, diện tích cho thuê văn phòng có thể vượt qua 50 triệu feet vuông tại 6 thành phố hàng đầu của Ấn độ, cao hơn mức đỉnh vào năm 2019.

Trong khi đó, lĩnh vực nhà ở hoạt động tốt, được thúc đẩy bởi nhu cầu sở hữu nhà cao, lãi suất tương đối thấp và các chính sách ưu đãi. Các thị trường công nghiệp và hậu cần sẽ được hỗ trợ bởi kế hoạch rót gần 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất.

Bất động sản văn phòng thúc đẩy thị trường Trung Quốc

Các giao dịch M&A tại Trung Quốc chủ yếu từ lĩnh vực văn phòng. Tại Bắc Kinh, bất động sản văn phòng chiếm 84% giá trị giao dịch trong tổng số gần 4,1 tỷ Nhân dân tệ (577 triệu USD). Theo dự báo của Colliers, các văn phòng ở trung tâm Bắc Kinh sẽ tiếp tục là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Giao dịch bất động sản công nghiệp bùng nổ ở Hồng Kông

Thành phố này chứng kiến 25 giao dịch bất động sản lớn trị giá khoảng 4,38 tỷ USD, tăng 93% so với quý 2/2022. Hầu hết các thương vụ liên quan đến bất động sản công nghiệp.

Do tâm lý thị trường sẽ tốt hơn trong quý 4/2022 nên Hồng Kông sẽ tiếp tục mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là khi các biện pháp kiểm soát để ngăn ngừa Covid-19 được nới lỏng.

Thị trường Singapore thử lửa trước các thách thức của kinh tế vĩ mô

Đà tăng mạnh đạt được trong nửa đầu năm nay của thị trường Singapore đã bị kìm hãm bởi lạm phát cao và lãi suất tăng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, khối lượng đầu tư đã đạt 23,93 tỷ đô la Singapore (16,7 tỷ USD) từ đầu năm đến nay, tương đương 85% tổng giá trị của năm 2021.

Các nhà đầu tư sẽ đánh giá lại danh mục trong bối cảnh không chắc chắn hiện nay, khiến nhu cầu có thể chững lại trong giai đoạn nhất định. Sau giai đoạn này, các bất động sản chất lượng cao sẽ trở nên có giá hơn và thu hút dòng vốn tốt hơn.

  • Người mua nhà châu Á đang thắng thế

    Người mua nhà châu Á đang thắng thế

    Giá nhà tại các thị trường chính trên toàn cầu tiếp tục giảm trong quý thứ hai liên tiếp do các chính sách tiền tệ hiện hành để chống lạm phát. Tại châu Á – Thái Bình Dương (APAC), xu hướng này mang lại lợi thế trong ngắn hạn cho người mua, nhất là ở phân khúc cao cấp.

Lam Vy (CL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.