Bất động sản chưa hết khó khăn
Bất động sản là ngành nghề có liên quan mật thiết đến khoảng hơn 40 ngành kinh tế quan trọng khác. Quy mô thị trường này sụt giảm cũng khiến cả hệ sinh thái bị ảnh hưởng từ nhà thầu xây dựng đến nhà sản xuất, cung cấp vật liệu, đơn vị thi công nội thất...
Thị trường bất động sản trong nước trầm lắng đã kéo theo tiêu thụ thép xây dựng giảm mạnh
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có, biểu hiện qua việc dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới... Điều này tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, gián tiếp ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực liên quan.
Với hơn 60% sản lượng thép tiêu thụ nội địa được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, các doanh nghiệp sản xuất thép cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của thị trường bất động sản.
Nhiều chuyên gia nhận định, thép là ngành bị ảnh hưởng rất lớn khi bất động sản khó khăn. Cụ thể, thị trường bất động sản suy yếu đã khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh, cộng với giá vốn tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp thép thua lỗ kỷ lục trong năm 2022.
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy sản lượng tiêu thụ thép vẫn còn khó khăn nhưng đang có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, sản lượng thép thành phẩm trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép thành phẩm đạt 3,8 triệu tấn, giảm 23%, trong đó xuất khẩu giảm 10,4% xuống 1 triệu tấn.
Thị trường bất động sản trong nước khó khăn nhưng nhờ nhu cầu tiêu thụ thép dân dụng của các hộ gia đình và nhu cầu thép đầu tư công tăng trưởng trong 2023 giúp mức giảm không quá lớn. Bên cạnh đó, với việc Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản như Nghị quyết số 33 Nghị định 08, nhu cầu thép ở lĩnh vực xây dựng được kỳ vọng sẽ phục hồi.
Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định tiêu thụ thép sẽ tăng trở lại trong quý 3 và quý 4 năm nay
VSA nhận định tiêu thụ thép trong quý 3 và quý 4 năm nay có thể tăng trưởng mạnh khi nhu cầu tiêu thụ sắt thép được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ các dự án đầu tư công được triển khai nhiều hơn.
Ngoài ra, tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, đặc biệt nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc - nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất, chiếm hơn 50% tổng nguồn cung và nhu cầu trên thế giới sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Giai đoạn khó khăn đã qua?
“Giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua” là phát biểu đáng chú ý nhất của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa được tổ chức mới đây. Rất nhiều cổ đông, nhà đầu tư đều chờ đợi nhận định của ông Long về ngành thép sau những dự báo “không lệch vào đâu” trong năm ngoái.
Đánh giá về thị trường thép năm 2022 vừa qua, ông Long cho biết ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã trải qua giai đoạn đầy khó khăn, cũng là chu kỳ suy thoái chung của ngành thép.
“Tại đại hội năm ngoái tôi đã dự báo những khó khăn này rồi nhưng cũng không ngờ tình hình còn xấu hơn cả mình dự báo”, ông Long chia sẻ.
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thép, cầu suy giảm khiến tồn kho tăng cao, “ông lớn” ngành thép là Hòa Phát đã quyết định cắt giảm sản lượng, ngừng hoạt động 4/7 lò cao, gồm 2 lò cao ở Khu liên hợp Dung Quất và 2 lò cao ở Khu liên hợp Hải Dương.
Đến năm nay, khi thị trường có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt là việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Hòa Phát đã chạy lại 1 lò cao vào đầu tháng 1. Ông Long cho biết theo kế hoạch, đầu tháng 4 sẽ tiếp tục khởi động lại lò cao thứ 2 và 2 lò cao còn lại sẽ vận hành lại trong quý 2.2023. Ước tính, chi phí để vận hành lại 4 lò cao này cũng sẽ tiêu tốn của tập đoàn vài trăm tỷ đồng.
Liên quan kết quả kinh doanh quý 1.2023, Đình Long cho biết hiện chưa có số liệu cụ thể. Trong tháng 1 và 2, Hòa Phát vẫn thua lỗ nhưng thấp hơn dự kiến, trong khi kết quả kinh doanh tháng 3 đã tích cực hơn.
Chủ tịch Hòa Phát khẳng định giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua, triển vọng về dài hạn của ngành là tích cực. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục của ngành sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cầu thị trường. Hiện tại, cầu thị trường vẫn quá thấp, không chỉ ngành thép mà còn nhiều ngành khác.
-
Lãi suất “hạ nhiệt” và loạt chính sách “nóng” hỗ trợ bất động sản tác động thế nào đến ngành thép?
Nghị quyết số 33 và Nghị định 08 của Chính phủ sẽ khơi thông vướng mắc của thị trường bất động sản. Điều này tác động trực tiếp đến hoạt động tiêu thụ thép thời gian tới khi 60% lượng tiêu thụ mặt hàng này đến từ ngành xây dựng.
-
“Giải vây” cho thị trường bất động sản
Nhiều kiến nghị đã được các chuyên gia đưa ra, hướng đến việc tháo gỡ những điểm nghẽn, giải vây cho thị trường bất động sản thời gian tới.
-
Thủ tục hành chính đất đai sẽ được thực hiện như thế nào khi thu hồi sổ hộ khẩu?
Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 1.1.2023 sẽ không còn sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Việc thực hiện các thủ tục hành chính đất đai sau khi thu hồi sổ hộ khẩu là vấn đề được nhiều người quan tâm....
-
Bất động sản châu Á có thể là điểm sáng trên toàn cầu trong năm 2023
Theo công ty dữ liệu bất động sản Knight Frank, dù vẫn đối mặt với một số thách thức, song khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể vẫn là một trong những “điểm sáng” của nền kinh tế thế giới trong năm 2023....