Kịch bản nào cho thị trường bất động sản năm 2024; Hơn 11.000 tỉ đầu tư cầu dây văng lớn nhất TP.HCM nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ; Doanh nghiệp ký biên bản thỏa thuận tài trợ cầu đi bộ 1.000 tỉ vượt sông Sài Gòn... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Doanh nghiệp ký biên bản thỏa thuận tài trợ cầu đi bộ 1.000 tỉ vượt sông Sài Gòn

Sáng 4/12, Sở Giao thông Vận tải TP HCM và Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã tổ chức lễ ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng này dự kiến sẽ khởi công vào đầu năm 2025.

Vị trí xây dựng cầu đi bộ sẽ nằm giữa cầu Ba Son và hầm sông Sài gòn kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức với Quận 1. Phía Quận 1, chân cầu dự kiến tại khu vực công viên bến Bạch Đằng, gần phố Nguyễn Huệ. Bên Thủ Thiêm, chân cầu nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A - phía nam Quảng trường trung tâm Thủ Thiêm.

Kịch bản nào cho thị trường bất động sản năm 2024?

Trong báo cáo mới đây, VNDirect đưa ra dự báo thị trường bất động sản sẽ vẫn trầm lắng trong năm 2024, sự hồi phục sẽ rõ ràng hơn từ nửa cuối 2024 khi chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn. Dựa trên dòng nghiên cứu kéo dài chu kỳ lặp lại, đơn vị trên dự báo, cơn "sốt đất" có thể quay lại vào giai đoạn 2025-2026.

Ông Võ Hồng Thắng, chuyên gia của DKRA Group - cho rằng, thời điểm hiện tại cho đến nửa đầu năm 2024 có thể xem như bước khởi đầu của một chu kỳ phục hồi và tăng trưởng tiếp theo của thị trường bất động sản. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản dự kiến sẽ mất ít nhất một năm để hồi phục, dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2024. Trong đó, những phân khúc có mức giá phù hợp với khả năng chi trả của người mua sẽ là nhóm có khả năng phục hồi sớm nhất.

Hơn 11.000 tỉ đầu tư cầu dây văng lớn nhất TP.HCM nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ

Dự án cầu Cần Giờ sẽ được UBND TP. HCM trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 13, HĐND Thành phố khoá X (từ ngày 6 – 9/12). Nếu được thông qua, dự án quan trọng này dự kiến khởi công vào năm 2025 và hoàn thành năm 2028. Giúp kết nối khu vực trung tâm TP.HCM với huyện đảo duy nhất của thành phố, người dân sẽ không còn cảnh lụy phà như hiện nay.

Theo nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, cầu Cần Giờ được đề xuất có tổng chiều dài dự kiến toàn tuyến khoảng 7km, trong đó cầu Cần Giờ dài khoảng 3km, còn lại là phần đường dẫn. Điểm đầu dự án nằm trên đường 15B theo quy hoạch, cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía bắc; điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại lý trình Km2+100 trên đường Rừng Sác (cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,1 km về phía nam). Dự án có quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp), vận tốc thiết kế 60 km/giờ. Sở GTVT dự kiến bố trí 1 trạm thu phí tự động tại khoảng Km4+400 trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Sắp xây dựng Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP.HCM

Chiều 2/12 (giờ địa phương), tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borge Brende. Chủ tịch điều hành WEF chúc mừng Việt Nam về những thành tựu kinh tế tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, một số cường quốc lớn sẽ có suy thoái kinh tế nhẹ. Khảo sát mạng lưới doanh nghiệp của WEF cho thấy Việt Nam là một trong 3 nước được quan tâm nhất (cùng với Ấn Độ và Mexico).

Chủ tịch điều hành WEF cũng cho biết WEF đang phối hợp với UBND TPHCM chuẩn bị triển khai xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại đây. Trung tâm này sẽ là một phần trong mạng lưới toàn cầu của WEF. Ông cũng bày tỏ mong muốn Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos 2024. Diễn đàn muốn tìm hiểu về Việt Nam và dự kiến có thể tổ chức một cuộc Đối thoại chiến lược quốc gia tại diễn đàn.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.