Kiến nghị không đấu thầu dự án chưa giải phóng mặt bằng; Mạng lưới hạ tầng giao thông Bình Thuận sẽ được đầu tư như thế nào trong những năm tới; Một doanh nghiệp bất động sản muốn bắt tay "ông lớn" Trung Quốc đầu tư đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ gần 10 tỉ USD... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Một doanh nghiệp bất động sản muốn bắt tay "ông lớn" Trung Quốc đầu tư đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ gần 10 tỉ USD

Tập đoàn CT Group vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến TP.HCM - Cần Thơ theo phương thức PPP.

Tổng vốn đầu tư của dự án này lên đến 9.98 tỉ USD. Để thực hiện dự án này, CT Group sẽ hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc để thành lập liên danh để nhận gói hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới.

Những đối tác Trung Quốc mà CT Group nhắc đến gồm: Công ty TNHH Tập đoàn thiết kế đường sắt Trung Quốc (CRECG), Tổng công ty công trình quốc tế Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China), Cục 2 Đường sắt Trung Quốc (China Railway No.2 Group), Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South).

Theo đề xuất, tuyến đường sắt sẽ là đường đôi, dài 174 km, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, gồm 12 ga, chạy cả tàu khách và tàu hàng. Dự án đi qua 6 địa phương gồm TP HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Bộ GTVT trả lời Bình Dương về quy hoạch dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt Bàu Bàng – Mộc Bài

Theo Bộ GTVT, thời gian qua Bộ đã nhận được văn bản kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó, có kiến nghị về đầu tư bổ sung các nhánh nút giao Tân Vạn thuộc Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và đầu tư đoạn 15,3 km đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện hữu đi trùng đường Vành đai 3.

Bộ GTVT đã báo cáo kiến nghị này lên Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Sau đó, Phó Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu “UBND tỉnh Bình Dương làm rõ phương án thực hiện đầu tư, phương án bố trí vốn... phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai đầu tư bổ sung các công trình nêu trên, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định”.

Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương nghiên cứu, triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

HoREA kiến nghị không đấu thầu dự án chưa giải phóng mặt bằng

Trong văn bản Góp ý quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) góp ý Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Trên thực tế hiện nay, vẫn có các nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại tự thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các chủ đất nhưng thường gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại dễ dẫn đến tình trạng đất “da beo”, không thể triển khai thực hiện dự án, bị chôn vốn.

Vì vậy, đa số nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại đều mong muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để có ngay quỹ đất sạch để thực hiện dự án. Hiệp hội nhận thấy, mục đích của đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất đều nhằm mục đích lựa chọn nhà đầu tư nhưng có điểm khác biệt.

Mạng lưới hạ tầng giao thông Bình Thuận sẽ được đầu tư như thế nào trong những năm tới?

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trong những năm tới, về phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến kết nối ngang, đầu tư mở mới một số tuyến phục vụ khai phá tiềm năng của Tỉnh và kết nối phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch, khu vực dân cư, đô thị.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới đường sắt, đường biển và hàng không đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách. Đầu tư xây dựng cảng cạn và phát triển dịch vụ logistics.

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là đòn bẩy để Bình Thuận vươn mình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đặc biệt hạ tầng có ý nghĩa với thị trường bất động sản.

Bình Thuận là địa phương sở hữu đường bờ biển dài, nhiều bãi biển nổi tiếng để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Hiện nay, hàng loạt dự án nghỉ dưỡng đã và đang mọc lên tại Mũi Né, Phan Thiết, Kê Gà, Lagi...

  • Bất động sản 24h: TP. Tân An phấn đấu lên thành phố loại I vào năm 2025

    Bất động sản 24h: TP. Tân An phấn đấu lên thành phố loại I vào năm 2025

    Hơn 19.000 tỉ và cần thêm gì nữa để địa phương này của Long An lên thành phố loại I vào năm 2025; Đã rõ thời điểm khởi công tuyến đường gần 2.000 tỉ nối Khánh Hòa với Lâm Đồng, Ninh Thuận; Lộ diện “ông lớn” trúng đấu giá 10ha đất vàng trị giá hơn 451 tỷ đồng tại Thanh Hóa... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.