Hãng trang sức cao cấp Tiffany (Mỹ) khởi kiện Tập đoàn LVMH (Pháp) sau khi tập đoàn này thông báo hủy thương vụ thâu tóm Tiffany với giá hơn 16 tỉ đô Mỹ theo yêu cầu của chính phủ Pháp và do tác động của đại dịch Covid-19. Theo S&P Global Market Intelligence, đây chỉ là một trong gần 1.900 thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) lớn nhỏ bị hủy, tái đàm phán hoặc kiện tụng trên khắp thế giới kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra.
Tập đoàn LVMH (Pháp) tuyên bố hủy bỏ thương vụ thâu tóm hãng trang sức cao cấp Tiffany (Mỹ) với giá hơn 16 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: CGTN |
Thương vụ 16,2 tỉ đô la Mỹ đổ bể
Tháng 11 năm ngoái, trong môt thương vụ lớn nhất lịch sử ngành hàng xa xỉ, Tập đoàn LVMH (Pháp), chủ sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy... cho biết nhất trí chi 16,2 tỉ đô la để thâu tóm hãng trang sức cao cấp Tiffany có 182 năm tuổi đời và đang sở hữu 300 cửa hàng trên khắp thế giới.
Thế nhưng hôm 9-9, LVMH đột ngột thông báo không muốn mua lại Tiffany nửa vì thương vụ này bị vướng vào cuộc tranh chấp thương mại giữa Pháp và chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump. LVMH cho biết đã nhận được thư từ Bộ Ngoại giao Pháp, yêu cầu trì hoãn thương vụ đến sau ngày 1-6-2021, tức chậm hơn một tháng so với thời hạn hoàn tất thỏa thuận sáp nhập giữa hai bên.
Theo LVMH, chính phủ Pháp muốn trì hoãn thương vụ để đáp trả lời đe dọa áp thuế hàng hóa Pháp của Washington. LVHM cũng tỏ ý không gia hạn cho thương vụ này này nữa.
Dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng nề cho lĩnh vực bán lẻ hàng xa xỉ, khiến giới đầu tư lo ngại LVHM đã ra quá quá cao trong thương vụ mua lại Tiffany. Do tác động của dịch bệnh, doanh thu trên toàn cầu của Tiffany trong quí 2 giảm 29%, về mức 747,1 triệu đô la, khiến lợi nhuận giảm 77%, về mức 31,9 triệu đô la. Nếu tính sáu tháng đầu năm nay, Tiffany lỗ ròng 33 triệu đô la.
Các nguồn tin tiết lộ Giám đốc điều hành LVMH, Bernard Arnault, có thể đang tìm cách tái đàm phán và ép Tiffany hạ giá bán. Tiffany cho biết đã nộp đơn kiện ra một tòa án ở Delaware (Mỹ) để yêu cầu LVMH thực hiện thương vụ, nếu không phải trả tiền bồi thường cho Tiffany.
Chủ tịch Tiffany, Roger Farah, nói rằng không có căn cứ nào trong luật của Pháp cho phép Bộ Ngoại giao Pháp ra lệnh một công ty vi phạm một thỏa thuận ràng buộc pháp lý. Hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin cho biết ông Arnault đã nhờ chính phủ Pháp can thiệp để rút khỏi thỏa thuận với Tiffany. Nhưng Giám đốc tài chính LVMH,Jean Jacques Guiony, cho biết bức thư của Bộ Ngoại giao Pháp là điều hoàn toàn bất ngờ.
Cú đổ bể của thương vụ trên cho thấy dịch Covid-19 đã thay đổi ngành bán lẻ hàng xa xỉ như thế nào. Các thương hiệu cao cấp sống dựa vào thú mua sắm túi xách, hàng thời trang và những hàng hóa đắt đỏ khác của những du khách giàu có từ Trung Quốc, Mỹ...khi họ thăm viếng Paris, Milan, New York. Mô hình kinh doanh đó đang bị đe dọa khi các nước duy trì các biện pháp hạn chế đi lại và các du khách hủy bỏ các chuyến du lịch nước ngoài.
Bất cứ thương vụ M&A cũng có điều khoản về tác động bất lợi lớn (material adverse effect), cho phép bên mua rút khỏi thương vụ nếu có một sự kiện xảy ra làm tổn hại đến bên bán trước khi thương vụ được hoàn tất. Điều khoản này hiếm khi áp dụng nhưng một số bên thâu tóm cho rằng dịch Covid-19 có thể được xem là sự kiện như vậy.
Hàng loạt thương vụ khác cũng là ‘nạn nhân’ của Covid-19
Trước khi thương vụ M&A giữa LVMH và Tiffany gặp trục trặc, hàng loạt thương vụ đình đám khác cũng bị rút bỏ hoặc gặp lùm xùm trong năm nay sau khi được ký kết do cuộc khủng hoảng Covid-19.
Hồi tháng 3, hãng linh kiện ô tô BorgWarner (Mỹ) đe dọa chấm dứt thỏa thuận sáp nhập đối thủ Delphi Technologies (Anh) với giá 3,3 tỉ đô la do công ty này tự ý rút hạn mức tín dụng 500 triệu đô la để ứng phó dịch bệnh.
Sau đó, hai bên tái đàm phán để giải quyết xong bất đồng và đồng ý thực hiện thương vụ vào nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, các điều khoản thỏa thuận thâu tóm được sửa đổi để hạ vốn chủ sở hữu của Delphi Technologies xuống 5%. Điều này có nghĩa là mỗi cổ đông của Delphi Technologies chỉ nhận được 0,4307 cổ phiếu BorgWarner cho mỗi cổ phiếu Delphi Technologies mà họ sở hữu, thay vì 0,4534 cổ phiếu BorgWarner theo thỏa thuận trước đây.
Cuối tháng 3, hãng máy in Xerox Holdings Corp từ bỏ kế hoạch thâu tóm hãng máy tính HP bằng tiền mặt và cổ phiếu trị giá 35 tỉ đô la Mỹ sau khi nhận thấy dịch Covid-19 tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của Xerox lẫn HP.
Trong tháng 5, hãng công nghệ an ninh mạng Forescout Technologies (Mỹ) kiện Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Advent International vì công ty nay rút khỏi thỏa thuận mua lại Forescout Technologies với giá 1,9 tỉ đô la. Advent International cho rằng Forescout Technologies chịu “tác động bất lợi lớn” vì dịch Covid-19 nên công ty này có quyền chấm dứt thỏa thuận. Đến tháng 7, hai bên tái đàm phán và dàn xếp tranh chấp sau khi Forescout Technologies đồng ý hạ giá bán xuống còn 1,43 tỉ đô la.
Hồi tháng 6, Tập đoàn Simon Property Group, chủ sở hữu chuỗi khu mua sắm lớn nhất Mỹ, tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận mua lại đối thủ Taubman Centers với giá 3,6 tỉ đô la. Lý do rút lui mà Simon Property Group nêu ra là các khu mua sắm của Taubman Centers, nằm ở các trung tâm đô thị đông dân cư, chịu tổn thương nặng nề vì dịch Covid-19.
Taubman đã nộp đơn kiện Simon Property Group với lập luận rằng tập đoàn này không được phép lấy lý do dịch bệnh để hủy bỏ thương vụ. Taubman Centers cho rằng thương vụ được ký kết hồi đầu tháng 2, lúc Simon Property Group biết rõ dịch Covid-19 đang lan rộng ra thế giới.
Công ty Juweel Investors (Mỹ) đang kiện Carlyle Group và Quỹ đầu tư quốc Singapore GIC vì họ từ bỏ thương vụ mua 20% cổ phần ở Công ty American Express Global Business Travel ((AmEx GBT) từ một công ty con của Juweel Investors.
Thương vụ này được ký kết vào cuối năm ngoái với giá mua 1,5 tỉ đô la. AmEx GBT chuyên cung cấp các dich vụ du lịch bao gồm thu xếp mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn cho các khách hàng doanh nghiệp. Carlyle Group cho rằng dịch Covid-19 gây ‘tác động bất lợi lớn’ cho hoạt động kinh doanh của AmEx GBT nên công ty này có quyền hủy thương vụ. Phiên tòa sẽ được mở vào năm sau để xác định xem liệu đại dịch Covid-19 có cấu thành tác động bất lớn lớn, cho phép các bên mua rút khỏi thương vụ này hay không.
-
Bamboo Airways: Covid-19 là thời gian để ủ mưu
CafeLand - Bất chấp bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid -19, hãng hàng không non trẻ của Việt Nam Bamboo Airways vẫn mở 3 đường bay thẳng giữa Côn Đảo và Hà Nội, Hải Phòng, Vinh. Nhiều người cho rằng đây được xem là một quyết định mạo hiểm. Tuy nhiên, lãnh đạo của hàng hàng không này lại tự tin cho rằng “giai đoạn Covid-19 là giai đoạn để ủ mưu”, để hãng chuẩn bị nguồn lực, nâng cấp đội bay cũng như phát triển các chiến lược mới.