13/04/2018 1:01 PM
Mối lo hỏa hoạn thời gian qua nhắc nhiều đến các khu đô thị mới mà vô tình lãng quên đi hiểm họa tại nhiều chung cư cũ. Tình trạng "3 không" (không bảo hiểm cháy nổ, không hầm để xe, không lối thoát nạn) được ví như ẩn họa cháy, nổ khó trộn lẫn của các block nhà chung cư cũ.

“Tiền đâu mà mua?”

Có tuổi đời vài chục năm, nhiều khu nhà tập thể cũ đã và đang phơi bày những bất cập về an toàn cháy, nổ. Dọc theo hành lang của một vài dãy nhà thuộc khu tập thể Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng), chỉ ghi nhận thấy dăm ba bình cứu hỏa cũ kỹ, hết hạn sử dụng. Thay vào đó là hệ thống mạng điện chằng chịt, những “chuồng cọp” cơi nới treo kín quần áo, chăn màn… Khi nhận được lời khuyên nên mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ của mình, cụ Đỗ Thị Chắt (84 tuổi), sống ở khu B1, Tập thể Văn Chương từ những năm 1969 thở dài: “Tiền đâu mà mua, hả cô? Cháy, nổ triền miên, tôi chỉ biết dặn con cháu cẩn thận khi dùng điện hay nấu nướng để tự bảo vệ mình thôi. Ở đây, ai cũng thế, đâu có dư giả”.

Các khu chung cư cũ cần siết chặt về quản lý PCCC. Ảnh: Thanh Hải.

Phía trên đã vậy, các tầng dưới còn tiềm tàng hỏa hoạn hơn gấp bội. Ngay tầng trệt khu tập thể C1, C2, C3 (ngõ 815, đường Giải Phóng), dù không gian nhỏ hẹp nhưng luôn được bố trí tối đa cho 3 tiện ích: Bán tạp hóa, trông giữ xe và… đun bếp than tổ ong. Tại hầm giữ xe của bà Phạm Thị Kim (C3) được đập thông từ phần chân đế (cao khoảng hơn 1m để phòng chống úng, ngập) của căn hộ 103, 104 với diện tích gần 200m2 nhận trông xe của cả 3 khu C1, C2, C3. Để vào hầm, chỉ có một lối cửa duy nhất. Đi sâu vào bên trong, đường hầm ngoằn nghèo, không có cửa thông gió. Thậm chí còn chia thành những ngách nhỏ chứa 5 - 10 xe máy. Với số lượng lên đến hàng trăm chiếc xe vào giờ cao điểm, song hầm chỉ có vài bình bột chữa cháy đã cũ.

Cùng chung số phận, nhiều cư dân khu tái định cư (TĐC) cũng đang khắc khoải với nỗi lo “bà hỏa” thường trực. Ông Nguyễn Văn Hiệp - Tổ trưởng tổ dân phố 30B (khu TĐC Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) cho hay: "Nước cứu hỏa của tòa nhà N6 hoàn toàn không có. Các thiết bị PCCC tuy được trang bị nhưng không sử dụng được do hỏng hóc và hết hạn. Hộp cứu hỏa không có dây dẫn nước chữa cháy. Vừa qua, cơ quan chức năng vào kiểm tra PCCC của tòa nhà N6 và đã lập biên bản".

Cơ quan quản lý phải vào cuộc

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh: Hiểm họa cháy nổ không chỉ đổ dồn về các khu đô thị mới mà còn tiềm tàng ở hàng trăm khu chung cư cũ đang xuống cấp nghiêm trọng. Ông Tùng phân tích, diễn tiến cháy nổ sẽ còn phức tạp khi vẫn thiên về “chữa cháy hơn phòng cháy”. Rõ ràng, việc mua bảo hiểm cháy, nổ là bắt buộc. Bởi, bất động sản là dạng hàng hóa đặc biệt, liên quan đến thân thể của cư dân. Tuy nhiên, trong hợp đồng giao dịch dân sự mua bán nhà ở, điều khoản này hầu như không được đề cập đến. Thậm chí, các tập thể cũ, khu TĐC còn mua đi bán lại dưới dạng hợp đồng viết tay sơ sài. Căn hộ vẫn thiên về “để ở” hơn là an toàn.

“Đã đến lúc cơ quan quản lý phải ngồi lại với nhau rà soát “lỗ hổng” của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để bổ sung. Đừng nói đến câu chuyện mua bảo hiểm cháy, nổ ở các chung cư cũ. Bởi, đó là điều không tưởng với số đông cán bộ công chức nghèo. Những “quả bom nổ chậm” như khu tập thể Trung Tự, Kim Liên, Quỳnh Mai, Nguyễn Công Trứ… Nhà nước phải có trách nhiệm. Thực tế, dù tranh luận, bàn bạc đến hơn 10 năm nay, nhưng việc cải tạo chung cư cũ hầu như… không động đậy. Câu chuyện cải tạo, xây mới hoàn toàn là giải pháp khả thi cuối cùng để đảm bảo an toàn. Tiến độ càng nhanh, dân càng đỡ khổ” – KTS Phạm Thanh Tùng nhận định.

Ở cùng góc nhìn, theo GS Đặng Hùng Võ, các chung cư cũ rất “tuềnh toàng” trong việc an toàn PCCC. Các tập thể cũ không bảo đảm những nhu cầu về khoảng cách ngăn cháy, lối thoát nạn, cấp nước ngăn cháy, hệ thống kỹ thuật PCCC theo quy định. Trong khi, khu TĐC thường không bảo trì, bảo dưỡng thiết bị PCCC do thiếu kinh phí. “Nhà quản lý cần phải gấp rút làm đúng bổn phận chức năng của mình. Nhanh chóng tái thiết chung cư cũ, phân bổ nguồn kinh phí nhất định để tu bổ các trang thiết bị PCCC căn bản cho người dân" – GS Đặng Hùng Võ cho hay.

Ông Chử Văn Tráng - Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Hà Nội: Trên địa bàn TP hiện có 170 công trình TĐC đưa vào sử dụng, trong đó 160 công trình là chung cư. Các tòa nhà TĐC trên địa bàn đều đã được đưa vào sử dụng từ 3 - 5 năm và đều có những vấn đề về PCCC như hệ thống đường ống, dây dẫn cứu hỏa hỏng; bình cứu hỏa di động không đủ áp suất; hệ thống báo cháy không hoạt động… Hà Nội đã thông qua chủ trương dùng 180 tỷ đồng từ ngân sách để khắc phục vi phạm về PCCC tại các tòa nhà TĐC. Trước mắt, cơ quan chức năng sẽ thay thế, sửa chữa các trang thiết bị hỏng hóc (dự trù 92 tỷ đồng), sau đó bổ sung các thiết bị mà trước đây chưa có theo quy chuẩn PCCC mới (dự trù 88 tỷ đồng).

Nguyễn Thị Tý, cư dân D2 tập thể A12, phường Nghĩa Tân – Cầu Giấy: Khu tập thể A12, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước với thiết kế 5 tầng. Do đó, hầu hết hạ tầng đã xuống cấp, chắp vá, thiết bị điện nước… thiếu đồng bộ. Hiện tại, do nhu cầu cuộc sống, các hộ dân cơi nới thêm “chuồng cọp” để tăng diện tích và chống trộm cắp. Tuy nhiên, với diễn biến cháy, nổ ngày càng phức tạp, cơ quan chính quyền và người dân đã chủ động đã tiến hành làm cửa thoát nạn tại khu vực “chuồng cọp” để tăng thêm lối thoát khi xảy ra hỏa hoạn. Song song, các hộ gia đình cũng đã trang bị thêm bình bột chữa cháy, bình xịt C02… phù hợp trong khuôn khổ tài chính. Riêng vấn đề bảo hiểm cháy, nổ, hầu như các hộ dân chưa ai tiến hành mua.

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam: Hà Nội hiện có khoảng 1.516 chung cư cũ (CCC) có quy mô từ 2 - 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, tập trung tại bốn quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng). Sau hàng chục năm sử dụng, do áp lực về diện tích ở và sự quản lý yếu kém, 100% các khu CCC đều cơi nới, ảnh hưởng khả năng chịu lực của kết cấu công trình, không đáp ứng được các yếu tố về xử lý cháy nổ tại chỗ… Tuy nhiên, hơn 10 năm tiến hành cải tạo CCC, Hà Nội mới chỉ xây dựng lại 16 trong số 1.516 CCC. Hầu hết các hộ dân có điều kiện đều đã chuyển đi chỗ khác, chỉ có những hộ quá khó khăn mới phải “đánh đu” với tính mạng của mình. Do đó, bức thiết cần tạo đột phá trong cải tạo CCC thay vì ngồi bài “ai đứng ra chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ”. Đây là sản phẩm nhân văn, vì thế phải nhân văn đến tận cùng.

Vân Hằng (Kinh tế Đô thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.