03/10/2016 1:30 PM
Thời gian gần đây, thực hiện chủ trương di dời và cải tạo khu nhà lấn chiếm kênh rạch của UBND TPHCM, đã có nhiều hộ dân sinh sống trên và ven kênh rạch được chuyển đến khu mới khang trang hơn. Tuy nhiên, do hoạt động di dời chưa triệt để, nên sau một thời gian, tại nhiều khu vực người dân quay lại dựng nhà, thậm chí đổ đất cát lấn chiếm lòng kênh.

Sức sống mới, màu áo mới

Kênh Tẻ chảy qua địa bàn quận 4 và 7 xưa nay được ví như nơi có nhiều khu nhà ổ chuột. Sau một thời gian cải tạo và thực hiện di dời các hộ ở đây, dòng kênh đã bắt đầu phục hồi. Trở lại khu vực kênh Tẻ vào một buổi sáng cuối tuần sau một thời gian dài, tôi đã bị bất ngờ với quang cảnh nơi đây.

Nơi trước đây dọc 2 bên kênh là hàng ngàn căn nhà lụp xụp, dột nát được dựng trên dòng nước đen kịt, hôi thối do ô nhiễm nặng, nay đã thoáng đãng, mùi hôi từ dòng kênh bốc lên đã giảm hẳn, hàng triệu con cá được thả xuống có thể sinh sống được và đang góp phần xanh hóa dòng kênh. Một điều đáng mừng nữa, trước kia cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt mọi người khi có dịp đi qua nơi đây là một bãi rác nổi lềnh bềnh trên mặt nước với đủ loại, từ vỏ trái cây, vỏ dừa đến hộp xốp, vỏ chai, bịch nilon… Nhưng nay đống rác đó đã không còn, trả lại không gian sạch sẽ cho dòng kênh.

Dọc bờ kênh bên phía quận 7, trên đường Trần Xuân Soạn, một nhóm cô chú lớn tuổi đang cùng nhau đi bộ tập thể dục. Cô Lê Thị Bình, nhà ở gần đó cho biết trước đây do không chịu được mùi hôi của kênh nên cô không ra ngoài, chỉ ở nhà tập một số bài vận động đơn giản, hoặc thỉnh thoảng đến công viên tập thể dục cùng bạn bè. Giờ thấy môi trường 2 bên kênh đã được cải thiện trong lành nên từ hơn 1 tháng nay cô thường xuyên đi bộ vào buổi sáng. “Đường ven kênh được trồng cây xanh, không gian kênh thoáng đãng, đi bộ để hưởng không khí buổi sáng trong lành, người tôi thấy khỏe hẳn” - cô Bình phấn khởi chia sẻ. Gần đó, có mấy nhóm bạn trẻ cũng đang rủ nhau tập các bài tập mới. Ánh nắng ban mai hòa với cảnh người qua lại càng lúc càng tấp nập khiến nhịp sống nơi đây trở nên tươi trẻ, tràn đầy nhựa sống.

Cô Phùng Hoàng Ngân, chủ tiệm bánh mì ở đường Trần Xuân Soạn, cho biết khi kênh Tẻ chưa được cải tạo, tiệm bánh mì của cô rất ít khách, bởi ai qua lại khu vực này cũng muốn đi thật nhanh để thoát khỏi mùi hôi thối từ kênh bốc lên. Cô phải thuê chỗ bán bánh mì cách đây hơn 3km. Nay cô chuyển về nhà bán, vừa đỡ tiền thuê vừa đông khách đến mua, nên rất phấn khởi.

Đổi mới nhưng chưa toàn diện

Mặc dù đôi bờ kênh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên phản ánh lại với chúng tôi nhiều người dân cho biết việc di dời vẫn chưa toàn diện. Đời sống vẫn chưa được như mong ước khi hoạt động di dời nhà ổ chuột chưa triệt để. Thậm chí, vẫn xuất hiện nhiều căn nhà mọc lên tự phát trong khi chính quyền địa phương đang ra sức vận động bà con di dời. Đâu đó rác vẫn nằm vất vưởng, đặc biệt những khu vực có thuyền ghe neo đậu nhiều. Nhiều nhà ổ chuột vẫn nằm đấy, mặc sức tàn phá của mưa, nắng và thời gian. Nhiều hộ dân vẫn ngày qua tháng sinh hoạt lênh đênh trên sông nước. Mọi sinh hoạt và chất thải cứ thế hòa quyện vào dòng kênh. Nhiều gia đình cũng nhận biết như vậy không tốt nhưng bất lực bởi không biết phải làm gì.


Quang cảnh một phần bên bờ kênh Tẻ. Ảnh: L.THẢO

Chia sẻ về cảnh sinh hoạt của gia đình, chị Nguyễn Thị Minh Ngân ngại ngùng: “Do ghe neo đậu cách xa bờ, trong khi diện tích lại quá nhỏ, do vậy không thể chứa rác thải ở trên ghe. Phần nữa sinh hoạt của gia đình tùy thuộc vào đợt thủy triều lên xuống nên hầu hết đều vứt thẳng những thứ không sử dụng xuống sông. Gia đình tôi ở đây ngót nghét cũng 3-4 năm, đói no đều trải. Muốn thuê một căn nhà nhỏ gần đây để các con có thể tự do chạy nhảy không lo bị té xuống sông, nhưng điều kiện không cho phép nên đành ngậm ngùi”.

Không riêng gia đình chị Ngân, có tới 70% rác thải của các hộ dân sống nơi đây đều đổ thẳng xuống sông. Thực ra, nhiều người cho biết không thích cuộc sống ngày chìm ngày nổi nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy, không có điều kiện để xuống đất như bao gia đình khác. Một ông cụ kể lại khi nghe thông tin TP cho di dời những hộ nhà ổ chuột mọi người ở đây mừng lắm, bởi ai cũng hy vọng có cơ hội lên bờ sống cuộc sống ổn định trong căn nhà khang trang hơn. Tuy nhiên, đã mấy năm trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh dự án di dời. Mới đây, nhiều hộ chán nản nên đi tìm nơi khác kiếm sống, một số hộ đã bắt đầu được hỗ trợ di dời nhưng số lượng không đáng kể so với tổng hộ còn đang bám trụ. Vậy là người dân vẫn tiếp tục chịu đựng cuộc sống bấp bênh, ngày qua tháng lại đối mặt với sông nước mênh mông hay nắng gắt hắt lên. Với họ bây giờ, mong ước kia chính là phép màu.

Hậu quả khôn lường

Ô nhiễm môi trường tại các dòng kênh không mới nhưng là bài toán chưa có lời giải của TP. Dạo một vòng Đại lộ Võ Văn Kiệt, dọc theo kênh Tàu Hũ - kênh Lò Gốm mùi hôi thối từ dưới dòng nước bốc lên nồng nặc. Những con rạch, mương nhỏ cách đó không xa, tình trạng còn nghiêm trọng hơn. Chỉ một đoạn ngắn ở rạch Ruột Ngựa nhà cửa san sát, con rạch luồn lách qua từng khu nhà đảm nhận vai trò hồ chứa cho mọi thứ rác thải đổ xuống khiến dòng nước đen ngòm, bốc mùi tanh thối. Đó cũng là mẫu số chung tại các dòng kênh, rạch khác như kênh Đôi, rạch Bà Lớn, rạch Cùng… Chủ một tiệm tạp hóa sát bên rạch cho biết cả xóm sống ở đây lâu lắm rồi, ban đầu thấy mùi thối khó chịu, cũng lo ảnh hưởng sức khỏe, nhưng riết rồi quen. Bây giờ như “hương vị” quen thuộc của nhịp sống xóm nghèo.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vứt rác bừa bãi, ý thức bảo vệ môi trường không có. Khi kênh rạch bị lấn chiếm dòng chảy bị thu hẹp, khả năng thoát nước kém, do vậy những ngày mưa to vừa qua tình trạng ngập cục bộ diễn ra kéo dài, nước thải dưới kênh tràn ngược lên bờ càng làm mùi thối nồng nặc. Hậu quả không chỉ dừng lại ở đây mà còn gây ra nhiều mối nguy như nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh bùng phát…

Theo báo cáo của UBND quận 8, quận còn khoảng 9.500 căn nhà, khu đất ven và trên kênh rạch, tập trung chủ yếu dọc các tuyến kênh Tàu Hũ - Lò Gốm, kênh Đôi… Trong đó, 1.099 căn nằm hoàn toàn trên kênh rạch, 8.404 căn nhà ven kênh. Đa số nhà trên và ven kênh rạch xây dựng không hợp pháp, chủ yếu là nhà lụp xụp, kết cấu tạm bợ, chắp vá. Những căn này đều thiếu tiện nghi cơ bản, một số hộ không có đồng hồ điện riêng, phải câu nhờ, thiếu nhà vệ sinh, nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống rạch làm mức độ nhiễm bẩn ngày càng tăng, gây ngập úng, thiếu cơ sở hạ tầng, không đảm bảo điều kiện sống, sinh hoạt cho người dân trong khu vực.

Không thể để người dân sống trong môi trường ô nhiễm như vậy. Tất cả mọi người, dù không đủ điều kiện để được đền bù một căn hộ, Nhà nước cũng phải hỗ trợ cho họ xây dựng căn nhà mới. Nếu làm được việc này, có nghĩa nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông, giảm ngập nước...

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM

Thiên Ân (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.