Hàng loạt vụ cháy đã xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội đang là hồi chuông báo động về việc phòng, chống cháy nổ tại các khu chung cư cao tầng, các khu chung cư cũ trên địa bàn.
Vi phạm phổ biến…
Theo ghi nhận của chúng tôi ở hầu hết các chung cư cũ trên một số quận như Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hai Bà Trưng… thực trạng các hộ dân cơi nới làm “chuồng cọp” diễn ra phổ biến, một số hộ dân thì làm những “chuồng cọp” bằng các vật liệu đơn sơ có khi chỉ là những tấm nhựa, mành tre, nhưng có những hộ gia đình lại xây dựng “chuồng cọp” bằng hàng rào, đổ bê tông kiên cố.
Có thể thấy rõ, việc các hộ gia đình xây cơi nới làm “chuồng cọp”, các chuồng cọp này thường có diện tích khoảng từ 10m2 -15m2 để tận dụng làm chỗ phơi quần áo, làm nhà kho, thậm chí có nơi còn tận dụng luôn để làm chỗ ở, trông rất nhếch nhác và tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay những “chuồng cọp” này được tồn tại suốt nhiều năm và số lượng của nó ngày càng tăng theo cấp số nhân.
Hầu hết các “chuồng cọp” này được người dân làm bằng tôn, sắt rất chắc chắn, tuy nhiên nếu có hỏa hoạn xảy ra thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Có mặt tại nhà D3, khu tập thể Thanh Xuân chúng tôi ghi nhận hầu hết các ban công của các hộ dân sống tại đây đều đã bị bịt kín để làm chuồng cọp. Ông Chu Anh Dũng, cư dân chung cư này cho hay, hồi đầu cũng không có ý định làm đâu, nhưng do nhà thằng con trai mới lấy vợ nên ông đã cơi nới một phần để cho vợ chồng người con trai cả có không gian sống, vả lại mai này có cháu thì có không gian để sinh hoạt. “Nhà chỉ có 18m2 mà có những 5 người ở thì chật, lấy đâu ra không gian để sinh hoạt”, ông Dũng cho biết thêm.
Giống như nhà D3, ở hầu hết các khu chung cư, nhà tập thể cũ như tập thể Thành Công, Kim Liên thuộc quận Đống Đa đều trong tình trạng tương tự. Theo quan sát của chúng tôi tại khu tái định cư Nam Trung Yên, thuộc các tòa nhà B11A, B11B,… toàn bộ ban công của các toàn nhà cũng đều bịt kín.
Còn tại khu vực Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân, nơi tập trung nhiều nhà cao tầng và được xem là khu đô thị hiện đại nhất của Hà Nội, tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi chỉ chưa đầy chục năm đưa vào sử dụng thì đến nay hầu hết các hộ dân nơi đây đã cơi nới, xây “chuồng cọp” ở hầu hết các tòa chung cư này, khiến cho khu đô thị này trở nên mất mỹ quan đô thị, rất nhếch nhác. Tại khu nhà N6A cao hơn chục tầng, mặt tiền của các tòa nhà chi chít những “chuồng cọp” được làm từ những khung sắt, thậm chí có nhiều hộ cơi nới ra tới hơn mét.
Chứng kiến cảnh tượng chuồng cọp tại các khu tập thể cũ hay những nhà chung cư mới xây dựng khiến chúng tôi không khỏi giật mình bởi ở một số khu nhà tường đã nứt, ở một số nơi tường đã mọc đầy rêu xanh, ở một số nơi còn bong lớp vữa bên ngoài nhìn thấy cả gạch. Ở ngay tại khu tập thể B2, B5, B6, B10, C11… hình ảnh các “chuồng cọp” xuất hiện dày đặc, theo như nhiều người dân nơi đây cho hay, các khu tập thể này được xây dựng từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước và đã có nhiều hạng mục công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mặc dù các cơ quan chức năng của quận, phường cũng đã khuyến cáo người dân ở chung cư không được cơi nới diện tích phòng ở nhưng hầu hết người dân đều không chấp hành.
Lý giải cho việc cơi nới này, anh Nguyễn Ngọc Sơn, cư dân tại khu nhà tập thể B7 Nghĩa Tân cho hay: “Từ khi chuyển về đây do nhà có trẻ nhỏ mình nghe thấy nhiều người nói về những tai nạn khi ngã từ trên cao khi chúng ra ban công chơi đùa do không có lồng sắt, do đó để đảm bảo an toàn cho con, chỉ còn cách là dùng cây sắt quây kín lại, vừa an toàn cho con, phơi quần áo chăn màn cũng tiện lại vừa chống được trộm từ ban công vào nhà”.
Còn bà Hoàng Thúy Hằng, một người bán rau ở phía sân khu tập thể chia sẻ, bán hàng ở đây nhiều năm rồi nhiều lúc cũng run lắm, biết là nguy hiểm rình rập đấy, nhưng vì miếng cơm manh áo nên cũng phải ngồi bán để mưu sinh thôi.
Cần tăng cường xử lý vi phạm
Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực xây dựng quy hoạch cho rằng, việc xây dựng, cơi nới thêm diện tích của các hộ dân không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu và chất lượng của các công trình, gây nguy cơ lún, nghiêng, đổ sập bất cứ lúc nào, mất vẻ mỹ quan đô thị, mà còn gây cản trở rất nhiều cho lực lượng cứu hỏa khi làm nhiệm vụ nếu hỏa hoạn xảy ra.
Tuy nhiên, hiện tượng cơi nới “chuồng cọp” tại các khu tập thể hay chung cư cũ ngày càng phổ biến, bất chấp sự ngăn cấm của chính quyền địa phương. Để xảy ra tình trạng này ở các chung cư tại nhiều khu đô thị như hiện nay, có trách nhiệm lớn nhất thuộc về những đơn vị nắm giữ nhiệm vụ giám sát là Ban quản lý khu đô thị, chính quyền địa phương, thanh tra xây dựng. Việc xây dựng, lắp đặt “chuồng cọp” không thể thực hiện trong một chốc, một lát. Nếu các đơn vị giám sát quản lý giám sát thường xuyên và quản lý chặt chẽ, sẽ chẳng có hộ dân nào xây dựng được “chuồng cọp”...
Theo các chuyên gia này, việc tự ý cơi nới xây dựng “chuồng cọp, ”lấn chiếm khoảng không vô tình kéo “nhà” gần sát với đường dây điện, dây cáp viễn thông hơn. Ai có thể đảm bảo không có sự cố chập, cháy nổ xảy ra, khi tất cả những vật liệu dễ cháy ở rất gần nhau như vậy. Và đến lúc đó, hậu quả sẽ tăng thêm gấp bội bởi lực lượng phòng cháy chữa cháy không thể tiếp cận cứu người khi cửa sổ, ban công đã bị bịt kín.
Còn theo lời của Trường phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy số 8, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu cho hay: “Sẽ rất khó khăn để thoát nạn nếu xảy ra cháy đối với các hộ gia đình làm thêm các "chuồng cọp" kiểu này. Hơn nữa, do gia cố vật liệu kiên cố là sắt thép, bê tông... nên khi cháy xảy ra, lực lượng phòng cháy chữa cháy tiếp cận cứu người rất khó khăn. Chưa kể mất thời gian để cắt “chuồng cọp,” tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân cũng sẽ không dễ dàng”.
Tại cuộc họp mới đây, ông Vũ Ngọc Thành, Phó phòng Quản lý nhà Bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc các hộ dân tự ý cơi nới, cải tạo các “chuồng cọp” đã ảnh hưởng tới không gian và kiến trúc của các tòa nhà, theo cơ sở pháp lý, cần phải xử lý việc cơi nới cải tạo những chuồng cọp này và yêu cầu các hộ dân phải tự giác chấp hành và tháo dỡ. Cần thiết sẽ có đủ chế tài theo quy định để cưỡng chế và trả lại nguyên trạng ban đầu.
Theo nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng và quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà đã ghi rõ: Phạt tiền từ 300.000 đồng-500.000 đồng đối với các hành vi đục phá, cải tạo, cơi nới dưới mọi hình thức. Nếu tổ chức cá nhân nào vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp như tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm, buộc phải khôi phục lại theo hiện trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra buộc phải tháo dỡ bộ phận, công trình đối với các vi phạm theo quy định
Để chấm dứt việc cơi nới này thì các cấp chính quyền cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý cũng như xử lý những vi phạm này. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức của mình trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để tránh những nguy cơ khó lường khi có tai họa xảy ra.
Đỗ Trần (KD&PL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.