02/11/2011 12:37 PM
Thành phố Chu Hải đã trở thành địa phương đầu tiên tại Trung Quốc áp dụng mức giá trần cho giao dịch nhà ở, tờ Wall Street Journal đưa tin. Nhiều địa phương khác của Trung Quốc có khả năng cũng sẽ áp dụng biện pháp hạ sốt địa ốc này trong thời gian tới.
Áp giá trần, cách hạ sốt bất động sản của Trung Quốc
Cho tới thời điểm này, Trung Quốc chưa thu được thành công đáng kể trong nỗ lực giảm nhiệt cho thị trường bất động sản - Ảnh: Reuters.

Mức giá trần mà chính quyền Chu Hải đặt ra cho các hợp đồng mua bán nhà ở là 11.285 Nhân dân tệ/m2, tương đương 1.776 USD/m2, có hiệu lực từ ngày 1/11.

Đây được xem là biện pháp mạnh tay nhất mà Trung Quốc áp dụng tới thời điểm này để kiểm soát thị trường bất động sản.


Theo bình luận của giới phân tích, cách làm này đã thực sự đẩy thị trường nhà ở cao cấp ở Chu Hải, thành phố giàu có với 1,6 triệu cư dân, vào bước đường cùng. Nhà chức trách Chu Hải tuyên bố, mức giá trần nói trên là mục tiêu kiểm soát giá nhà năm 2011 của họ, nhưng chưa nói rõ liệu đây là một biện pháp vĩnh viễn hay chừng nào sẽ hết hạn.


Động thái kiểm soát thị trường nhà ở nói trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hôm thứ Bảy tuần trước tuyên bố, Bắc Kinh đang tìm kiếm một sự “điều chỉnh hợp lý” trong giá bất động sản, và rằng chính quyền các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp thắt chặt giá địa ốc.


Không chỉ đặt trần giá, chính quyền Chu Hải còn đặt ra hạn chế về số nhà được mua và tuyên bố, các công ty nhà đất đưa ra mức giá cao hơn trần sẽ không được cấp giấy phép bán hàng. Tháng 10 vừa qua, giá nhà ở Chu Hải tăng 0,08% so với tháng trước đó, lên 10.508 Nhân dân tệ/m2.


Nhà phân tích Jinsong Du thuộc ngân hàng Credit Suisse không cho là Bắc Kinh yêu cầu chính quyền Chu Hải áp dụng mức trần giá bất động sản, mặc dù địa phương này có thể đối mặt áp lực nhất định từ phía Chính phủ. “Đây là cách đơn giản nhất để ngăn chặn sự gia tăng của giá nhà”, ông Du nhận xét.


Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn Trung Quốc đã yêu cầu các địa phương nước này báo cáo mức giá bất động sản mục tiêu cho năm 2011. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều đưa ra mức giá mục tiêu mơ hồ, chẳng hạn như hạn chế mức tăng giá nhà cả năm bằng mức tăng trưởng kinh tế của địa phương đó.


Không phải chuyên gia nào cũng cho rằng cách làm của Chu Hải sẽ được nhân rộng ở các địa phương khác. “Thị trường nhà đất Chu Hải khá nóng nên cách làm mạnh tay như vậy có thể chỉ giới hạn ở thành phố này. Tôi không cho là các địa phương khác cũng muốn áp dụng cách làm tương tự”, một nhà phân tích thuộc một công ty môi giới ở Thượng Hải nhận xét.


Cho tới thời điểm này, Trung Quốc chưa thu được thành công đáng kể trong nỗ lực giảm nhiệt cho thị trường bất động sản, bất chấp một chiến dịch thắt chặt kéo dài hai năm qua gồm nhiều biện pháp từ tăng lãi suất cho tới hạ chế số nhà được mua. Trong tháng 9 vừa qua, giá nhà đất ở 70 thành phố lớn và tầm trung của Trung Quốc tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 4,3% trong tháng 8 và tháng 7.
Theo An Huy (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.