31/10/2022 8:26 AM
Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang trải qua những ngày tháng tuyệt vọng. Ảnh hưởng của chính sách Zero-Covid cùng doanh số bán nhà giảm xuống đã “đánh gục” niềm tin của khách hàng vào thị trường bất động sản Trung Quốc.

Việc người mua nhà Trung Quốc đe dọa không thanh toán các khoản vay thế chấp là hệ quả trực tiếp sau hàng loạt vụ vỡ nợ của các công ty bất động sản hàng đầu đất nước.

Một số hộ gia đình Trung Quốc đã ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp và cho biết sẽ chỉ tiếp tục thanh toán khi được bàn giao nhà. Theo dữ liệu công khai, thời gian chậm trễ trong việc hoàn thiện nhà trung bình tại Trung Quốc đã lên tới 14 tháng.

Vấn đề của thị trường bất động sản có thể lan sang những lĩnh vực khác như chuỗi cung ứng, ngân hàng,… và thậm chí cả chính quyền địa phương khi doanh số bán đất giảm mạnh 35% chỉ riêng trong tháng 8.

Giá nhà ở đang giảm ở hơn một nửa số thành phố của Trung Quốc. Doanh số bán nhà mới cũng đang giảm mạnh, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái tính đến hết tháng 8. Việc giảm doanh số bán nhà ở hình thành trong tương lai là điều đáng chú ý vì chúng chiếm 86% nguồn vốn của các nhà phát triển Trung Quốc.

Do các đơn vị nhà ở không bán được, nhiều chủ đầu tư không muốn đầu tư vào các dự án mới. Điều này có ảnh hưởng dây chuyền đến các lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng, đồ gia dụng và nội thất. Đầu tư tài sản cố định trong lĩnh vực bất động sản chiếm 1/3 tổng đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến đà tăng trưởng của đất nước.

Nhu cầu lao dốc đối với các lĩnh vực liên quan khác cũng làm gia tăng thêm tác động của sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản đối với tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

Những gì diễn ra ở thời điểm hiện tại là một tin không vui với ngành tài chính, đặc biệt là đối với các ngân hàng. Các ngân hàng giờ đây bị hạn chế tiếp xúc với các nhà phát triển bất động sản do họ không được phép vay nợ nhiều như trước.

Các khoản vay thế chấp chiếm 11% tài sản của các ngân hàng, cao hơn hẳn 4,5% tỷ lệ tiếp xúc trực tiếp với các nhà phát triển bất động sản. Đó là lý do việc người mua nhà đe dọa không thanh toán các khoản vay thế chấp, đặc biệt nếu chúng được kéo dài, là một vấn đề nghiêm trọng đối với chất lượng tài sản và khả năng thanh toán của các ngân hàng.

Các nhà quản lý Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc chất lượng tài sản của các ngân hàng có thể xấu đi bằng cách tạo ra các quỹ cứu trợ. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính được triển khai cho các quỹ hỗ trợ này đến từ các tổ chức ngân hàng lớn nhất và có uy tín nhất, điều này cho thấy có khả năng lây lan rủi ro từ những người đi vay có tình trạng tài chính “không tốt” sang những người cho vay có tình trạng tài chính “tốt”.

Các ngân hàng chính sách đang hướng đến gói giải cứu trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD) cho vay để đảm bảo rằng các nhà phát triển có thể hoàn thành các dự án đang chờ xử lý. Mục đích của gói hỗ trợ này là để ngăn tình trạng tẩy chay thế chấp đang lan rộng.

Mục tiêu này có thể đạt được nếu có đủ nguồn lực. Trong khi đó, mục tiêu xa hơn là khôi phục niềm tin của người mua nhà sẽ là một nhiệm vụ khó khăn hơn. Với vô số hạn chế liên quan tới lệnh phong tỏa và những thay đổi về quy định, các hộ gia đình Trung Quốc giờ đây muốn tiết kiệm hơn là đầu tư vào bất động sản. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào quý II cho thấy chỉ có 16,2% hộ gia đình kỳ vọng giá nhà sẽ tăng trở lại trong giai đoạn cuối năm.

Vì nhu cầu về nhà ở đang xuống thấp, những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhằm giảm lãi suất thế chấp có thể không đạt được mục tiêu của họ. Để tăng nhu cầu, ngày càng nhiều chính quyền địa phương đã quyết định nới lỏng các quy định, chẳng hạn như giảm các khoản trả trước. Tuy nhiên, doanh số bán nhà ở thậm chí còn giảm sâu hơn trong tháng 9.

Chỉ mỗi nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách là khó có thể khôi phục niềm tin của người mua nhà. Hành động như vậy có thể đồng nghĩa với việc cung cấp tài chính cho các nhà phát triển với một sự đảm bảo chung.

Cách hợp lý để làm giảm tác động của sự điều chỉnh cần thiết đối với lĩnh vực khổng lồ này là tìm ra các động cơ tăng trưởng khác với sự trợ giúp của đổi mới và sự phát triển của ngành dịch vụ. Việc dỡ bỏ các chính sách Zero-Covid cũng là điều cần thiết để đạt được mục tiêu này.

Sự lao dốc của thị trường bất động sản Trung Quốc thậm chí còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế châu Á. Tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc chững lại đồng nghĩa với việc nhập khẩu của nước này có thể tiếp tục suy yếu. Đây là vấn đề đối với các nhà xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, với nhu cầu xây dựng bất động sản trong nước yếu đi, Trung Quốc đang nhập khẩu ít quặng sắt và các nguyên liệu đầu vào khác cho xây dựng.

Anh Nguyễn (Asia Times)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.