Theo dữ liệu mới được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, giá nhà mới tại Trung Quốc trong tháng 9 tiếp tục giảm, đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp.
Điều này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh đã nỗ lực nhằm vực dậy lĩnh vực này. Dữ liệu cũng được công bố vào thời điểm Country Garden, công ty từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đấu tranh để tồn tại.
Giá nhà mới tại 70 thành phố lớn ở Trung Quốc đã giảm trung bình 0,1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, theo tính toán của Refinitiv Eikon dựa trên dữ liệu từ NBS.
Cuộc suy thoái kéo dài trên thị trường nhà ở đang cản trở quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Theo NBS, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước đã tăng trưởng tốt hơn mong đợi, ở mức 4,9% trong quý III. Sự tăng trưởng đó chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong chi tiêu của người tiêu dùng.
Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản vẫn là một vấn đề lớn. Đầu tư bất động sản ở quốc gia tỷ dân này đã giảm 9,1% trong 9 tháng đầu năm 2023, cho thấy tâm lý nhà đầu tư ngày càng đi xuống.
Lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm tới 30% tỷ trọng nền kinh tế Trung Quốc, đã rơi vào khủng hoảng từ hơn 2 năm trước, sau khi chính phủ tiến hành thắt chặt hoạt động vay mượn của các nhà phát triển bất động sản.
Bắc Kinh đã triển khai một loạt biện pháp kích thích để phục hồi tăng trưởng, bao gồm cắt giảm lãi suất thế chấp và dỡ bỏ các hạn chế đối với việc mua nhà tại các thành phố. Tuy nhiên, những nỗ lực này cho đến nay vẫn chưa thể duy trì được đà phục hồi của thị trường.
Tác động tới toàn cầu
IMF cho biết cuộc suy thoái ngành bất động sản tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến động lực và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Krishna Srinivasan, người đứng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF, cho biết: “Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đối mặt với áp lực từ cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài tại Trung Quốc, cũng như một số yếu tố khác, chẳng hạn như xung đột giữa Nga và Ukraine, áp lực từ lạm phát,…”.
IMF gần đây cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống 5% vào năm 2023 và 4,2% vào năm 2024, với lý do chính đến từ việc cuộc suy thoái bất động sản ngày càng nghiêm trọng.
Srinivasan cho rằng Trung Quốc cần có một “chiến lược toàn diện” để giải quyết vấn đề trên thị trường bất động sản, bao gồm việc đảm bảo tất cả các dự án nhà ở hình thành trong tương lai được hoàn thiện đúng thời hạn.
Nhiều nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tiền mặt, trong đó những cái tên nổi tiếng như Evergrande đang trên bờ vực sụp đổ. Ông Srinivasan nói: “Những vấn đề của các nhà phát triển bất động sản cần được giải quyết. Cho đến khi điều đó được thực hiện, những vấn đề hiện tại sẽ vẫn ảnh hưởng tới niềm tin của các bên”.
Mọi ánh mắt đổ dồn về Country Garden
Country Garden, từng là công ty địa ốc lớn nhất đất nước tính theo doanh thu, cũng có nguy cơ vỡ nợ. Tờ Paper.cn gần đây đã đưa tin rằng thời gian ân hạn để Country Garden trả 15 triệu USD tiền lãi cho một lô trái phiếu bằng đồng USD đã hết hạn trong tuần này, nhưng công ty chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về việc đã trả được nợ hay chưa.
Dù vậy, phía Country Garden đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 19/10 rằng họ sẽ theo đuổi hành động pháp lý chống lại bất kỳ ai lan truyền “tin đồn ác ý” về việc người sáng lập của công ty đã bỏ trốn khỏi đất nước.
“Công ty lo ngại về tin đồn rằng “người sáng lập và con gái của ông ấy có thể đã rời khỏi Trung Quốc”. Tin đồn này được đăng tải trên nhiều nền tảng trực tuyến với mục đích xấu, gây tác động tiêu cực. Người sáng lập công ty chúng tôi và chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn hiện đang làm việc bình thường ở Trung Quốc”, phía Country Garden thông báo.
Bà Yang Huiyan hiện đang là Chủ tịch của Country Garden. Bà tiếp quản vị trí này từ cha mình là Yang Guoqiang, người sáng lập công ty bất động sản này vào năm 1992. Trước đó, bà là một trong những phụ nữ giàu nhất châu Á.
-
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều gặp rắc rối với thị trường bất động sản
Cả Trung Quốc và Mỹ đang chứng kiến thị trường bất động sản chao đảo vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
-
Giá nhà thế giới tăng trung bình 9% mỗi năm trong thập kỷ tới
Cuộc khảo sát mới nhất do Viện nghiên cứu Kinh tế IFO của Đức và Viện Chính sách Kinh tế Thụy Sĩ (IWP) dự kiến giá nhà sẽ tăng cao trên toàn thế giới trong mười năm tới, ở mức trung bình 9%/năm.
-
Khủng hoảng bất động sản thử thách hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới
Các ngân hàng của Trung Quốc, được đánh giá là hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới xét về mức tài sản, đang đứng trước bài kiểm tra năng lực mà cuộc khủng hoảng bất động sản đặt ra. Liệu hệ thống này có “quá lớn để có thể sụp đổ”?
-
Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập BRICS
Ngày 6/1, Indonesia chính thức trở thành thành viên đầy đủ của BRICS, nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đây là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập BRICS, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược đối ...
-
9 quốc gia sẽ gia nhập BRICS từ ngày 1/1/2025
Nga vừa công bố danh sách 9 quốc gia chính thức trở thành đối tác của BRICS từ ngày 1/1/2025. Động thái này đánh dấu bước mở rộng quan trọng của khối BRICS, đồng thời mở ra tiềm năng tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu, đặc biệt là với các quốc gi...
-
Hai tỷ phú Ấn Độ rời khỏi câu lạc bộ 100 tỷ USD
Hai tỷ phú hàng đầu Ấn Độ, ông Mukesh Ambani và ông Gautam Adani, đã chính thức rời khỏi câu lạc bộ "centibillionaire" (những người sở hữu tài sản trên 100 tỷ USD).