Đó là kết luận mà Ủy ban điều tra khủng hoảng tài chính Mỹ (FCIC) đưa ra sau một thời gian nghiên cứu, điều tra.
Ủy ban FCIC gồm 10 thành viên thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã dành 19 ngày nghe các cuộc điều trần và phỏng vấn hơn 700 nhân vật có liên quan tới cuộc khủng hoảng, đúc kết thành một báo cáo điều tra dài 576 trang, dự kiến sẽ công bố chính thức vào hôm nay thứ Năm 27-1.
Theo báo New York Times – cơ quan đã đọc bản báo cáo này – FCIC quy trách nhiệm chính gây ra khủng hoảng cho Chính phủ Mỹ dưới hai đời Tổng thống Bill Clinton và George Bush, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dưới quyền lãnh đạo của cựu Thống đốc Alan Greenspan và Thống đốc đương nhiệm Ben Bernanke, cũng như nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác của Mỹ đã để cho thảm họa hình thành từ sự hội tụ nhiều yếu tố nguy hiểm như việc cho vay dưới chuẩn thế chấp bằng bất động sản, việc lạm dụng chứng khoán hóa các khoản nợ và bán cho nhà đầu tư; cũng như việc đánh cược đầy rủi ro vào giá trị các cổ phiếu đặt cơ sở trên các khoản nợ ấy.
Mặc dù một số điểm kết luận trong báo cáo này đã được miêu tả rộng rãi trước đây nhưng việc tổng hợp các cuộc phỏng vấn, tài liệu, lời khai, cùng với sự phê chuẩn của chính phủ cho thấy báo cáo này có sức thuyết phục và có thẩm quyền.
Báo cáo nhận định “Bước ngoặt chủ yếu trên con đường đi tới khủng hoảng tài chính” là chính sách đưa các sản phẩm tài chính phái sinh được biết tới dưới cái tên “OTC deriviatives” ra khỏi sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, được ban hành năm 2000, trong năm cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của ông Bill Clinton.
“Bi kịch lớn nhất là chấp nhận cái điệp khúc rằng, không ai nhìn thấy trước cuộc khủng hoảng đang đến và do vậy đã không hành động gì. Nếu chúng ta chấp nhận quan điểm như vậy, chắc chắn khủng hoảng lại xảy ra lần nữa”. Báo cáo điều tra của FCIC |
Báo cáo phê phán “sự ứng phó không nhất quán” của chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống G. Bush đối với cuộc khủng hoảng: chính quyền của ông Bush đã để mặc cho ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ tháng 9-2008 dù trước đó đã cứu nguy một ngân hàng khác là Bear Stearns; và chính sự không nhất quán ấy đã “làm tăng thêm nỗi hoài nghi và hoảng sợ trên các thị trường tài chính”.
Cũng như ông Ben Bernanke, ông Henry Paulson – Bộ trưởng Tài chính dưới quyền Tổng thống Bush, năm 2007 đã dự báo không đúng rằng sự sụp đổ tín dụng dưới chuẩn sẽ được ngăn chặn. Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm, ông Timothy Geithner – khi khủng hoảng xảy ra là Chủ tịch FED khu vực New York - cũng bị phê phán là đã bỏ qua những dấu hiệu nguy hiểm ở các ngân hàng Lehman Brothers và Lehman Brothers.
Các cơ quan điều hành khác như Ủy ban Chứng khoán Mỹ, Văn phòng kiểm soát tiền tệ, Văn phòng giám sát quỹ tín dụng… cũng bị lên án đã không thành công trong việc buộc các ngân hàng lớn và các tổ chức tài chính thiết lập và duy trì quỹ dự trữ đủ lớn để phòng ngừa thua lỗ, ngăn chặn các hành vi rủi ro.
Bản báo cáo đã bác bỏ một phần các lý thuyết trước đây cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính sở dĩ xảy ra là do FED đã duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài sau cuộc suy thoái năm 2001, hoạt động của các tập đoàn cho vay nhà đất Fannie Mae và Freddie Mac và chính sách của chính phủ Mỹ khuyến khích người dân mua nhà ở.
“Khủng hoảng là kết quả của hành động của con người, không do tự nhiên hay mạng máy tính gây ra. Những người cầm cân nảy mực về tiền tệ và hệ thống tài chính của đất nước đã phớt lờ những lời cảnh báo, đã không đặt vấn đề, không hiểu và không quản lý được rủi ro trong một hệ thống có tính chất hết sức thiết yếu đối với đời sống người dân Mỹ. Đây là một sai lầm, không phải là một tai họa”, bản báo cáo nhận định.
Ngoài ra, các tác giả báo cáo cảnh báo, thảm họa sẽ tiếp tục xảy ra
nếu các cơ quan điều hành tài chính của Mỹ không nghiêm túc rút kinh
nghiệm và nhận trách nhiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. “Bi kịch
lớn nhất là chấp nhận cái điệp khúc rằng, không ai nhìn thấy trước cuộc
khủng hoảng đang đến và do vậy đã không hành động gì. Nếu chúng ta chấp
nhận quan điểm như vậy, chắc chắn khủng hoảng lại xảy ra lần nữa”.