Sau đây là danh sách một số lầm tưởng phổ biến của những người lần đầu tiên mua nhà.
Lầm tưởng số 1: Chi phí của bạn sẽ luôn thấp hơn so với thuê nhà
Một câu hỏi muôn thuở gây tranh cãi là liệu bạn nên thuê hay mua nhà. Câu trả lời sẽ khác nhau tùy thuộc vào thị trường nhà đất nơi bạn sinh sống.
Tuy nhiên, nhiều người mua nhà đánh đồng rằng một khoản thanh toán thế chấp cũng mang tính cố định như tiền thuê nhà. Đôi khi, họ không tính đến chi phí bảo trì hay các chi phí khác có thể lẹm vào ngân sách hàng tháng của họ.
Thực tế: Bảo trì và sửa chữa có thể khiến chi phí hàng tháng tăng đột biến
“Người mua nhà không nên ôm đồm quá nhiều thứ khi chi phí bảo trì vượt quá khả năng của họ,” Bà Emily Restifo, một nhà môi giới bất động sản ở Công ty Houlihan Lawrance cho biết. “Tốt hơn là nên mua một ngôi nhà với mức giá phải chăng để có thể duy trì nó ở trạng thái tốt nhất.”
Giữ cho ngôi nhà luôn ở tình trạng tốt nhất là một khoản đầu tư dài hạn. “Ngôi nhà được bảo trì tốt sẽ được bán đầu tiên,” theo bà Restifo. “Sau cùng thì, sẽ đến lúc ngôi nhà cần được sửa chữa.”
“Chủ nhà luôn phải bỏ tiền cho việc bảo trì,” bà Restifo nói. Có khi là ở thời điểm họ đang sinh sống tại ngôi nhà đó, nhưng cũng có khi là chi phí sửa chữa cần thiết lúc họ bán nhà.
Lầm tưởng số 2: Bạn sẽ tiết kiệm tiền nếu bạn dùng dịch vụ của các Đại lý môi giới
“Nhiều người mua đã đến gặp tôi và nói 'Tôi sẽ mua được nhà với giá tốt hơn nếu tôi dùng dịch vụ của Đại lý môi giới', và điều này là sai 100%,” ông David Feldberg, chủ sở hữu của tập đoàn bất động sản Coastal, cho biết. Theo ông Feldberg, một đại lý có thể đại diện cho cả hai bên - người mua và người bán - trong một giao dịch. Tuy nhiên, điều này thường có nguy cơ dẫn đến các vụ kiện tụng.
Thực tế: Đại lý môi giới không phải lúc nào cũng là người đứng về phía bạn
Khi mua một ngôi nhà, bạn nên có một bên đại diện của riêng mình. Không nên sử dụng đại lý môi giới của người bán.
“Đại lý của bên mua nhà luôn cố gắng để có được thỏa thuận tốt nhất cho khách hàng của họ, còn đại lý của bên bán sẽ cố lấy được giá giá cao nhất cho khách hàng,” chuyên gia Feldberg nói. “Và việc đạt được cả hai điều này là bất khả thi.”
Hãy tránh sự cám dỗ của việc cố tiết kiệm tiền. Nhớ rằng, khi mua nhà, phải luôn tỉnh táo để không rơi vào những mánh khóe có thể khiến bạn trả giá về lâu dài.
Lầm tưởng số 3: Đại lý môi giới sẽ cố gắng giúp bạn đạt được giao dịch tốt nhất có thể
Bạn thường cho rằng đại lý môi giới của bạn - người được trả một khoản tiền khá lớn - sẽ làm việc hết sức để đảm bảo bạn đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể.
Nhưng không phải đại lý bất động sản nào cũng làm được điều đó.
Ông Michael Schaffer, chủ sở hữu của Bất động sản Reason ở Englewood cho biết, “Nếu đại lý bất động sản của bạn che giấu lỗi hoặc không thảo luận với bạn về việc ngôi nhà có phù hợp với nhu cầu và mục tiêu của bạn hay không, hãy cân nhắc xem họ có thực sự giúp ích cho bạn.”
Thực tế: Đại lý môi giới có thể gây ảnh hưởng xấu
Ông Roger Ma, một nhà lập kế hoạch tài chính và là người sáng lập Công ty lập kế hoạch tài chính trọn đời ở New York, cho biết hầu hết các đại lý môi giới bất động sản không phải là chuyên gia tài chính cá nhân. Đại lý môi giới bất động sản của bạn có thể không biết liệu mua nhà có phải là một quyết định tài chính đúng đắn cho bạn hay không. “Họ chỉ biết, dựa trên tài chính của bạn, liệu bạn có đủ khả năng mua nhà hay không thôi,” ông nói.
Bà Nancy Brook, nhà môi giới và CEO của Bất động sản Billings, cho biết một số đại lý quan tâm đến việc kiếm tiền hoa hồng hơn là thực sự phục vụ người mua của họ. Ví dụ: một đại lý tai tiếng có thể đề xuất một người kiểm định nhà hời hợt; nhờ vậy các vấn đề có thể làm hỏng cuộc mua bán sẽ không bị phát hiện.
“Nếu các hạng mục kiểm tra xuất hiện, một đại lý không đáng tin cậy cũng có thể giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của những lỗi mà người kiểm định phát hiện ra,” ông Brook nói. “ Đặc biệt là những người mua nhà lần đầu sẽ không biết hạng mục nào quan trọng, vì vậy họ thường dựa vào đại lý của mình để được hướng dẫn”
Lầm tưởng số 4: Ngân sách tu sửa của bạn sẽ chính xác như đã dự định
Mọi thứ trông có vẻ dễ dàng: Lên ngân sách, đến cửa hàng bán dụng cụ một lần, và trong 24 tới 48 giờ bạn sẽ có một ngôi nhà hoàn toàn mới.
“Nhiều khách hàng sẽ bước vào và thấy một nhà bếp hay phòng tắm cũ kỹ, sau đó nghĩ rằng với số tiền X tôi có thể tu sửa mọi thứ, như họ xem trên TV,” ông Feldberg nói. “Tuy nhiên, thực tế là khi bạn bắt đầu tu sửa, luôn có những vấn đề phát sinh.”
Thực tế: Hãy dự trù thêm phần tiền dư nếu bạn có ý định tu sửa
Nhà cũ thường cần tu sửa, và người mua thường dựa vào ngân sách mà không tính đến khoản tiền thặng dư.
Ông Feldberg gợi ý hãy dự trù ngân sách thêm 25% cho việc tu sửa. Dành một khoản tiết kiệm trước khi bạn chuyển vào sinh sống cũng là ý tưởng hay để đảm bảo rằng bạn đã có sẵn tiền mặt cho việc bảo trì và sửa chữa.
Bà Restifo cho biết bạn nên lường trước một thực tế rằng sẽ luôn có những thứ đi lệch hướng - có thể là máy giặt, máy sấy, điều hòa không khí hay máy nước nóng. “Hầu như chắc chắn sẽ có một thứ gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát, vì thế đừng quá ngạc nhiên,” bà nói.
Lầm tưởng số 5: Khoản thế chấp của bạn sẽ chi trả được toàn bộ chi phí của ngôi nhà
Nhiều người không nắm rõ sự phức tạp của thị trường nhà đất - đặc biệt là thị trường nhà đất nằm bên phía người bán.
Họ thường lầm tưởng rằng một khi họ được người cho vay chấp thuận trước cho chi phí ngôi nhà, phần còn lại sẽ thuận buồm xuôi gió.
Thực tế: Thị trường nhà đất sôi động có thể ảnh hưởng tới giá nhà của bạn
Hãy đề phòng những cam go phía trước khi thị trường nhà đất trở nên sôi động. Nếu bạn mua nhà thế chấp, bên cho vay sẽ yêu cầu thẩm định giá.
Nếu giá thẩm định thấp hơn giá yêu cầu, bên cho vay sẽ chỉ cho vay với số tiền được thẩm định, bạn có thể phải bổ sung khoản vay bằng tiền mặt của mình.
“Nếu chiến thuật này được áp dụng trong thị trường của bạn, bắt buộc bạn phải có một khoản tiền mặt lớn hơn - hoặc hy sinh khoản tiền cọc nếu bạn không đủ tiền,” ông Schaffer nói.
Lầm tưởng số 6: Mua nhà đồng nghĩa với việc kiếm được tiền
Mua nhà là một khoản đầu tư dài hạn và đơn giản. Nhưng nếu bạn chỉ có kế hoạch sống tại ngôi nhà mới của mình trong một vài năm ngắn ngủi, việc thuê nhà có thể là một lựa chọn tài chính khôn ngoan hơn.
Thực tế: Mua nhà là một khoản lỗ ngắn hạn
“Người chủ nhà cần thời gian hồi phục sau khoản phí trả trước dành cho việc mua nhà bằng cách tiết kiệm,” ông Brian Davis, đồng sáng lập Spark Rental cho biết. “Theo kinh nghiệm thì nếu bạn không có kế hoạch sở hữu nhà trong vòng 5 năm tới, hãy cân nhắc thuê nhà thay vào đó.”
Chủ nhà thường tân trang ngôi nhà quá nhiều, và rồi mong đợi nhận được sự gia tăng tương xứng về giá trị. Nhưng luôn có điểm giới hạn cho việc giá nhà tăng cao như thế nào trong từng khu vực, bất kể bạn có thêm bao nhiêu đồ đạc cao cấp.
“Chủ nhà thường chạy theo những quyết định tài chính quá cảm tính.” Ông Davis nói. “Việc thuê nhà có điểm thú vị là: Bạn sẽ không liều lĩnh bỏ ra một số tiền lớn để xây một cái sân mới. Chủ nhà thường bị cuốn theo cảm xúc và đưa ra các quyết định bộc phát. Đôi khi, những dự án này vượt khỏi tầm kiểm soát của họ.”
Chủ nhà có thói quen biện minh cho các khoản tân trang nhà cắt cổ của mình bằng cách huyễn hoặc với bản thân rằng họ sẽ thu hồi tiền khi bán lại, Davis nói. “Đây là một sai lầm - hiếm khi mà việc tân trang nhà đem lại tỷ suất hoàn vốn cao, khi mà chúng chiếm tận 50 tới 80% chi phí tu sửa,” ông nói.
Nếu bạn đang nghĩ đến việc tân trang nhà cửa, hãy chắc rằng nó không làm ảnh hưởng đến giá trị ngôi nhà.
Lầm tưởng số 7: Bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách bỏ qua việc kiểm định nhà
Nếu những bức tường biết nói thì có lẽ chúng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của người mua nhà. Đáng buồn thay, chúng không biết nói - đó là lý do tại sao bạn nên kiểm định nhà thật kỹ lưỡng.
Sẽ thật là cám dỗ khi bỏ qua việc kiểm định nhà và đi đến thỏa thuận cuối cùng, vì bạn có thể tiết kiệm được khoản tiền kiểm định. Nhưng về dài hạn, đây là một quyết định quá mạo hiểm.
Thực tế: Bỏ qua việc kiểm định nhà có thể khiến bạn trả giá
“Gần đây, chúng tôi đã bán một căn nhà trị giá 2 triệu đô la và chỉ hai ngày sau, trời mưa khiến mái nhà bị dột,” ông Jerry Koller, CEO của Bất động sản International Home ở Irvine, Calif cho biết. “Hai tuần sau đó, trần nhà bị thấm nước. Phải mất tới 2000 đô la để sửa chỗ dột. Ngay cả nhà mới cũng có thể gặp vấn đề.”
Ông Schaffer khuyên bạn nên hỏi đại lý môi giới của mình đâu là loại kiểm định nhà phổ biến trong khu vực. “Việc kiểm tra đó có thể giúp bạn tiết kiệm một số tiền khổng lồ cho việc sửa chữa,” theo ông Schaffer. “Ngoài việc kiểm tra tổng quát, các cuộc kiểm định khác có thể bao gồm kiểm tra bổ sung hệ thống HVAC (Hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hoà không khí), kiểm tra đường cống thoát nước, kiểm tra khí radon, kiểm tra giếng khoan và các cuộc kiểm tra khác.”
Vì vậy, đừng bỏ qua việc kiểm định chỉ vì bạn quá yêu thích ngôi nhà đó. Trả tiền cho một cuộc kiểm định giúp bạn phát hiện những dấu hiệu cảnh báo trước khi mua nhà.
Lầm tưởng số 8: Việc mua nhà sẽ thuận buồm xuôi gió
Quá trình mua nhà thường được lãng mạn hóa, và nhiều người để cho trái tim họ dẫn lối, chứ không dùng cái đầu để suy nghĩ.
“Nếu bạn đang có kế hoạch mua một ngôi nhà, hãy suy tính thật kỹ lưỡng,” bà Janine Acquafredda, một chuyên gia bất động sản được cấp phép ở New York cho biết.
“Các công ty môi giới và người bán hàng sẽ nói với bạn những điều tuyệt vời để khiến bạn mua nhà, nhưng họ có thể che giấu một số sự thật xấu xí - những người hàng xóm tồi tệ, sòng bạc đang được xây dựng, thuế bất động sản đang tăng, trường học chất lượng thấp,” bà nói. “Hãy thật sáng suốt.”
Thực tế: Việc mua nhà mang đầy tính rủi ro
Việc mua nhà mang lại nhiều rủi ro - từ thiệt hại trong cấu trúc do mối mọt hoặc thấm nước cho đến các sự kiện tồi tệ khác. “Tất cả những vấn đề gây đau đầu này có thể bị bỏ qua nếu người mua không kiểm định nhà,” ông Brad Chandler, CEO của Express Homebuyers cho biết.
Duy trì đầy đủ bảo hiểm cho ngôi nhà có thể giảm thiểu rủi ro, nhưng người mua nên hiểu chính xác những phần được bảo hiểm. David nói, “Không phải lúc nào cũng đơn giản như việc hệ thống của ngôi nhà bị lão hóa và cần được thay thế.”
Thiệt hại có thể xảy ra từ các nguồn không nằm trong chính sách bảo hiểm, Davis nói. Ví dụ, bảo hiểm không bao gồm thiệt hại do lũ lụt, và nhiều chính sách bảo hiểm cũng không bồi thường thiệt hại từ các vụ đột nhập.
“Nấm mốc độc hại, khí radon hay các vấn đề sức khỏe gây ra bởi sơn có chì thì sao?” Davis đặt ra câu hỏi. “Điều gì sẽ xảy ra nếu gia đình đi du lịch và khi họ quay về thì thấy một vụ nổ đường ống khiến toàn bộ ngôi nhà và tài sản đều bị hủy hoại? Đặt quá nhiều tài sản ròng của bạn vào nhà cửa đi kèm với nhiều rủi ro và nguy hiểm riêng.
-
Thuê hay mua nhà: Đâu là lựa chọn phù hợp túi tiền?
CafeLand - Các chuyên gia tài chính từ lâu đã tranh luận về vấn đề liệu thuê hay mua nhà là đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
-
Có nên chờ giá căn hộ giảm khi Luật thay đổi?
Việc giá nhà ở, trong đó nổi bật là phân khúc căn hộ tăng phi mã trong thời gian vừa qua khiến những người có nhu cầu thực nản lòng. Trong số đó không ít người đặt kỳ vọng thị trường sẽ có xu hướng giảm giá khi các bộ luật mới có hiệu lực....
-
Tìm được nhà giá phải chăng ở Đức 'như trúng số'
Do nguồn cung khan hiếm, việc thuê căn hộ giá phải chăng hay sở hữu nhà ở xã hội tại Đức được chuyên gia đánh giá như "trúng xổ số".
-
Gen Z giờ mua nhà liều lĩnh hơn thế hệ trước
“An cư lạc nghiệp” không chỉ là câu chuyện của thế hệ trước, mà hiện nay đối tượng là Gen Z, thậm chí Gen Y cũng vô cùng quan tâm đến vấn đề này. Họ sẵn sàng nắm bắt cơ hội sở hữu tổ ấm riêng nếu có thể....