Theo InvestAsian, châu Á hiện sở hữu một nửa số thành phố có giá mua bất động sản đắt nhất thế giới, trong đó không thể không nhắc tới Singapore, Hồng Kông và Tokyo.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/2/2e/Singapore_Skyline_2019-10.jpg

Tại châu Á, các thành phố có giá nhà cao nhất thường nổi tiếng về sự ổn định và an toàn – đặc biệt là ở các trung tâm tài chính của khu vực. Hiện nay, mức độ hấp dẫn của bất động sản châu Á còn tăng lên khi các loại hình đầu tư khác, như cổ phiếu, đang thiếu tính ổn định và được định giá chưa hấp dẫn tại nhiều quốc gia.

Danh sách của InvestAsian gồm các thành phố được coi là pháo đài của sự ổn định, mặc dù giá nhà tại các thị trường này không tăng trưởng nhanh chóng nhưng lại có tính bảo vệ rất tốt trong dài hạn, mang đến ít rủi ro cho nhà đầu tư và tạo ra lợi suất cho thuê tốt.

Hồng Kông

Trong hơn một thập kỷ, Hồng Kông được coi là thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất châu Á và thế giới, và giữ vị trí số 1 trong danh sách của InvestAsian.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Hồng Kông đắt đỏ. Trước hết, nền kinh tế tự do và vị trí chiến lược ngoài khơi Trung Quốc mang lại lợi thế cho thành phố này cả về mặt thương mại và thu hút vốn đầu tư.

Nhà đầu tư giàu có đổ tiền vào bất động sản Hồng Kông bởi đây là một thị trường an toàn và có tính độc lập cao. Hiện tại, Hồng Kông vẫn tách biệt về mặt tài chính với Trung Quốc đại lục và là một trong những khu vực pháp lý tư bản nhất trên trái đất. Điều này khó có thể thay đổi và vẫn là ưu điểm độc nhất vô nhị để tiếp tục thu hút nhà đầu tư đến với xứ Cảng thơm.

Singapore

Năm 2023, Singapore vượt Hồng Kông để trở thành thị trường nhà ở đắt nhất châu Á – Thái Bình Dương theo xếp hạng của Viện Đất đai đô thị Singapore. Đảo quốc này cũng vươn lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng những thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2023 theo báo cáo của tập đoàn quản lý tài sản Thụy Sĩ Julius Baer Group, trong khi Thượng Hải và Hồng Kông - 2 thành phố của Trung Quốc - xếp thứ 2 và thứ 3.

Singapore cũng tự hào có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong số ba thành phố. Tăng trưởng GDP trung bình 5 năm của Singapore tính đến năm 2023 là trên 3%, một con số không tệ đối với một quốc gia phát triển. Tỷ lệ này chắc chắn cao hơn so với Vương quốc Anh, Hoa Kỳ hoặc Canada. Nền kinh tế Singapore thậm chí đã tăng trưởng hơn 10.000% từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1965 đến năm 2015.

Ngày nay, cứ 6 hộ gia đình Singapore thì có một hộ có tài sản trị giá hơn 1.000.000 USD. Đất nước này cũng đạt điểm cao trên bảng xếp hạng về mức độ đáng sống và được coi là điểm đến nước ngoài hấp dẫn nhất ở châu Á.

Ngoài sự phát triển nhanh chóng và mức sống cao, bất động sản ở Singapore đắt đỏ vì lý do tương tự như Hồng Kông, đó là người giàu mua nhà để bảo toàn tài sản.

Giá bất động sản ở Singapore cũng có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn mặc dù được xếp hạng trong số những thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới. Nguyên nhân là Singapore có giá trị tài sản chỉ bằng một nửa Hồng Kông, mặc dù Singapore là thành phố giàu có hơn. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc rót vốn vào bất động sản nếu có vài triệu USD dự phòng và muốn bảo toàn tài sản của mình nhưng cũng đang tìm kiếm sự tăng trưởng về vốn.

Tokyo

Mặc dù đồng Yên yếu hơn nhưng Tokyo vẫn được xếp hạng là thành phố đắt đỏ thứ ba ở châu Á. Seoul có vẻ như sắp bắt kịp Tokyo, dù vậy, thủ đô của Nhật Bản vẫn giữ được vị trí trong top 3 năm nay.

Tokyo có giá nhà cao là vì những lý do hoàn toàn khác so với 2 thành phố còn lại. Người nước ngoài không làm tăng giá trị nhà đất tại Nhật Bản. Việc xin thị thực và mua bất động sản tại đây là một điều khó khăn, vì vậy rất ít người nước ngoài quan tâm đến đầu tư.

Bất động sản ở Tokyo có giá ở mức bình thường mà không có bất kỳ sự bùng nổ nào do đầu tư nước ngoài thúc đẩy. Mua một ngôi nhà hoặc căn hộ ở Tokyo có giá tương đương với hầu hết các thành phố khác trên thế giới có mức sống và mức thu nhập tương tự. Bất động sản ở London, New York, Paris và Vienna đều có giá gần bằng Tokyo tính trên mỗi mét vuông.

Nhưng bù lại, Nhật Bản có mức sống cao, cơ sở hạ tầng chất lượng tuyệt vời và GDP bình quân đầu người khoảng 40.000 USD, mang lại môi trường sống tuyệt vời cho các nhà đầu tư nước ngoài giàu có.

Nhìn chung, triển vọng tăng giá vốn khi đầu tư bất động sản tại Tokyo không cao. Tăng trưởng dân số giảm kết hợp với nền kinh tế đang suy yếu sau đại dịch đồng nghĩa với việc Tokyo sẽ chứng kiến nhu cầu về bất động sản thấp hơn. Bất kỳ bất động sản nào mang tính “đầu tư” tại đây khó có thể tăng giá trị nhiều. Tuy nhiên, nếu đánh giá về đầu tư dưới góc độ bảo vệ, an cư và phong cách sống, đây lại là một thị trường cực kỳ phù hợp.

Lam Vy (Invest Asian)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Bất động sản châu Á trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024

    Bất động sản châu Á trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024

    Sau khi trải qua năm 2023 đầy thử thách với lãi suất cao, sự phục hồi yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc đại lục và căng thẳng địa chính trị đè nặng lên hoạt động cho thuê và đầu tư, thị trường bất động sản Châu Á Thái Bình Dương đã sẵn sàng cho nửa cuối n...

  • Bất động sản châu Á đang ở đâu?

    Bất động sản châu Á đang ở đâu?

    Ngành bất động sản châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức đa dạng khi tình hình kinh tế và địa chính trị bấp bênh cũng như mối đe dọa biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, triển vọng của thị trường này lại vượt trội so với phần còn l...

  • Ngành xây dựng châu Á tiếp tục gặp khó do thiếu lao động và lãi suất cao

    Ngành xây dựng châu Á tiếp tục gặp khó do thiếu lao động và lãi suất cao

    Theo báo cáo thị trường của công ty tư vấn xây dựng toàn cầu Linesight công bố vào ngày 21/03, tình trạng thiếu lao động lành nghề và lãi suất tăng trong thời gian dài tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của ngành xây dựng khu vực vào năm 2...

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.