09/11/2018 8:21 AM
CafeLand – Đóng tiền tỉ nhưng không có nhà để ở, nhiều năm đội đơn kiện tụng trong vô vọng. Đã có nhà nhưng không ở yên vì liên tục có những bất đồng với chủ đầu tư. Mua nhà chung cư, câu chuyện tưởng đơn giản nhưng chưa bao giờ dễ dàng.

Chung cư Gia Phú đắp chiếu chôn theo tiền tỉ của người mua nhà

Mất tiền mất luôn cả nhà

Nhìn khối nhà cao 18 tầng bị bỏ hoang, nằm phơi sương nắng suốt nhiều năm, bà N.T.M lòng như quặn thắt bởi trong đó có thành quả cả đời tích cóp của bà.

Bà M cho biết, dự án này là chung cư Gia Phú (đường Lê Văn Chí, quận Thủ Đức) do Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2010 và dự kiến bàn giao cho khách hàng năm 2012.

Thời điểm dự án Gia Phú mở bán, bà M cùng hàng trăm khách hàng khác đã đóng tiền để mua căn hộ tại đây. Tuy nhiên, khi dự án xây dựng cơ bản phần thô thì khách hàng tá hỏa khi phát hiện chủ đầu tư đã bán một căn hộ cho nhiều người. Ngoài ra chủ đầu tư cũng đã đem dự án thế chấp cho ngân hàng. Kể từ đó đến nay, dự án bị “chôn chân” và hành trình khiếu nại, khiếu kiện của hàng trăm khách hàng cũng kéo dài không hồi kết.

“Chúng tôi đã phải đội đơn đi khắp nơi, kêu gọi sự giúp đỡ nhưng không được giải quyết”, bà M buồn bã.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại dự án chung cư Long Phụng Residence (phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM) do Công ty địa ốc Bình Tân làm chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu, dự án chung cư Long Phụng Residence cao 17 tầng với 105 căn hộ và một hầm để xe. Dự án được bắt đầu xây dựng từ năm 2010 và cam kết bàn giao nhà vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, khi dự xây dựng được khoảng 90% thì ngừng thi công và liên tục chậm tiến độ. Nhiều người mua đã đã đóng tiền cho chủ đầu tư đến 90%, 95% giá trị hợp đồng.

Vào đầu tháng 8/2018, hàng chục khách hàng đã dọn vào đây để ở bất chấp dự án còn dang dở, chưa hoàn thiện hạ tầng, điện nước.

Một khách hàng bức xúc cho biết, dự án này đã đình trệ quá nhiều năm. Trong khi người mua phải thuê trọ, trả tiền lãi suất vay ngân hàng mua nhà mỗi tháng. Không những vậy, họ còn phát hiện chủ đầu tư bán một căn hộ cho nhiều người khác nhau. Hiện nay chủ đầu tư cũng bỏ trốn, khách hàng không biết cầu cứu ai nên phải vào ở để bảo đảm tài sản của mình.

Chung cư Long Phụng dang dở, chủ đầu tư bị truy nã

Có nhà ở cũng không yên

May mắn hơn khi đã được ở trong căn nhà của mình, nhưng không ít cư dân lại thấp thỏm bởi “có nhà ở cũng không yên”.

Chiều ngày 3/11, nhiều cư dân tại chung cư Topaz City nằm trên đường Tạ Quang Bửu (quận 8, TP.HCM) đã tổ chức căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty CP thương mại dịch vụ xây dựng kinh doanh nhà Vạn Thái (Vạn Thái Land) tổ chức hội nghị nhà chung cư.

Theo các cư dân tại đây, dự án đã hoàn thiện và dọn vào ở đã lâu nhưng đến nay Vạn Thái Land vẫn chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị. Mặc dù cộng đồng cư dân đã nhiều lần yêu cầu nhưng chủ đầu tư vẫn ngó lơ.

Cư dân yêu cầu chủ đầu tư đối thoại giải quyết, tuy nhiên, trong lúc cư dân đang căng băng rôn trước sảnh chung cư thì xuất hiện một số người lạ mặt chửi bới, đe dọa và xịt nước cướp băng rôn của cư dân. Thậm chí, những người này còn xô xát, hành hung với cư dân.

Trước đó, tại chung cư 4S Riverside (quận Thủ Đức) cũng xảy ra tình trạng một nhóm “người lạ” xông vào chung cư xô xát khiến cư dân đổ máu. Được biết, nguyên nhân xuất phát từ những tranh chấp về diện tích sử dụng chung riêng của chung cư giữa cư dân và chủ đầu tư.

Dù đã dọn vào sinh sống được nhiều năm, nhưng mới đây cư dân tại dự án Trung Đông Plaza tỏ ra lo lắng khi hay tin dự án này có nguy cơ bị ngân hàng siết nợ.

Cụ thể, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã gửi thông báo đến Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển Trung Đông (Công ty Trung Đông) yêu cầu giao tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ. Tài sản bảo đảm gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là chung cư Trung Đông Plaza.

Thực tế, việc các dự án chung cư đứng trước nguy cơ bị ngân hàng siết nợ diễn ra khá nhiều tại TP.HCM trong thời gian qua. Trước đó, có thể kể tới vụ việc tại chung cư The Hamona (quận Tân Bình).

Luật đã có sao vẫn bó tay?

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM có khoảng 100 chung cư đang xảy ra tranh chấp. Những cuộc chiến tại chung cư thường liên quan đến phí bảo trì, chậm sổ hồng, diện tích chung riêng, ban quản trị, phí quản lý…

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Việt Nam cho biết, những quy định về quản lý tại các chung cư đã được quy định rất chặt chẽ. Cụ thể liên quan tới khoản phí bảo trì 2%, Luật Nhà ở 2014 quy định, trong trường hợp chưa có ban quản trị thì chủ đầu tư phải lập tài khoản ngân hàng để quản lý tiền này và công khai mọi thông tin chi tiết cho cư dân. Khi có ban quản trị thì bàn giao lại.

Luật quy định là vậy, nhưng trên thực tế rất nhiều cuộc chiến chung cư bùng phát liên quan đến quỹ bảo trì. Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, vì khoản phí bảo trì chung cư không hề nhỏ nên có trường hợp chủ đầu tư cố tình chiếm dụng để sử dụng vào mục đích riêng. Hoặc cũng có trường hợp chủ đầu tư và ban quản trị không tin tưởng nhau. Tại một số chung cư, ban quản trị sử dụng quỹ bảo trì này mập mờ khiến cư dân phản đối.

Đối với các dự án nhà ở hình thành trong tương lai, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng quy định rõ, dự án muốn mở bán phải hoàn thiện phần móng và có bảo lãnh của ngân hàng.

Tuy nhiên, kết quả có bao nhiêu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của luật lại không dễ gì kiểm chứng và hậu quả khi xảy ra thì người mua nhà là những nạn nhân.

Một điểm chung dễ nhận thấy ở các dự án hình thành trong tương lai là việc chủ đầu tư vừa huy động vốn của người mua nhà vừa mang dự án thế chấp để vay tiền ngân hàng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết việc cho phép chủ đầu tư vừa vay vốn từ ngân hàng vừa huy động từ người dân là một lỗ hổng trong hệ thống tài chính của Việt Nam.

Ông Hiếu lấy ví dụ, ở bên Mỹ không có chuyện chủ đầu tư huy động vốn từ người dân để thực hiện dự án. Người dân Mỹ muốn mua một căn hộ có thể đóng 20%, 30% hoặc 50% giá trị của căn hộ đó. Tuy nhiên, nguồn tiền này phải bỏ trong một tài khoản phong tỏa và chủ đầu tư không được đụng đến. Cho đến khi người mua đóng đủ 100% giá trị căn hộ thì lúc đó ngân hàng và chủ đầu tư sẽ giải tỏa tài khoản này. Chủ đầu tư dùng tiền này để trả khoản vay cho ngân hàng, ngược lại ngân hàng sau khi nhận đủ tiền sẽ giải chấp dự án để chủ đầu tư có thể cấp sổ cho người mua.

Ở Việt Nam, chủ đầu tư vừa có thể thế chấp dự án để vay tiền ngân hàng vừa huy động vốn từ người mua. Nhiều trường hợp khách hàng đã đóng cho chủ đầu tư đến 90% giá trị căn hộ nhưng dự án chậm tiến độ, thậm chí ngừng thi công. Lúc này, dự án trở thành nợ xấu và ngân hàng sẽ tiến hành siết nợ dù người dân đã đóng gần đủ giá trị căn hộ.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.