Dân tố có, xã nói không
Về Vĩnh Thịnh những ngày cuối năm, nhóm phóng viên ghi nhận được nhiều tâm tư bức xúc của người dân trong xã về những vấn đề mà họ cho rằng “đã như cây kim trong bọc, lòi ra từ lâu mà không ai xử lý dứt điểm”.
Đầu tiên là việc có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở, đất dịch vụ, thậm chí làm xưởng sản xuất. Việc chuyển đổi này không tuân theo bất kỳ trình tự, thủ tục pháp lý nào nhưng nhiều năm nay không bị xử lý.
Lần theo những địa chỉ mà người dân tố cáo, chúng tôi đã tới xưởng hàn của gia đình ông S. Xưởng này nằm giữa cánh đồng, trên diện tích đất nông nghiệp được xác định là của gia đình ông S. Ông S không có mặt tại xưởng, chỉ có cậu con trai. Anh này thật thà cho biết “cháu chỉ biết đến ở rồi mở xưởng hàn xì, việc xin phép xây dựng là do bố cháu đã làm đơn lên UBND xã. Bác chhủ tịch xã bảo nếu khi nào giải tỏa thì gia đình phải phá dỡ, trong khi nhà cháu xây dựng không có ai đến lập biên bản hoạch và cho đến nay chưa khi nào nói gia đình cháu phải phá dỡ”.
Thấy nhà ông S chềnh ềnh xưởng trên đất nông nghiệp không sao, gia đình anh Trường G cũng tiến hành xây dựng nhà xưởng sản xuất khung nhôm kính trên đất nông nghiệp, diện tích khoảng 50m2. Ngày 23/1/2013, khi nhóm phóng viên có mặt tại nhà xưởng của anh G thì thấy gia đình anh đang xây thêm để làm nhà ở.
Một căn nhà được xây dựng trên đất nông nghiệp ở xã Vĩnh Thịnh
“Con kiến chui qua lỗ kim” được thì ắt “con voi cũng dễ dàng chui qua lỗ kim”. Việc xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp của ông S hay anh Trường G chỉ là những diện tích nhỏ. Tại Vĩnh Thịnh, hộ gia đình ông Ngưỡng còn thản nhiên xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích hàng trăm m2 để cho Công ty xây dựng cầu 18 thuê làm văn phòng, lán trại cho công nhân ở.
Chẳng kém cạnh ông Ngưỡng, gia đình ông Hưởng sau khi được xã ưu ái bán cho đất ao làng với sổ đỏ 253 m2, thì nay diện tích đó đã phình ra thêm lên tới 657 m2 và được cấp thêm 1 sổ đỏ nữa cho các diện tích vốn là đất nông nghiệp.
Tính sơ sơ cũng thấy chỉ riêng những trường hợp “bị lộ” cũng đã cả hàng ngàn m2 đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép hoặc được hợp pháp hóa sai quy định. Có những công trình chỉ cách Nhà văn hóa xã có 20m; cách UBND xã có vài trăm mét, thế nhưng, làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hào- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh lại hùng hồn khẳng định: “diện tích đất đai trên địa bàn xã có hơn 600ha; đất thổ cư và đất nhà ở không có biến động lớn; còn về đất nông nghiệp không có vấn đề gì và không có trường hợp sử dụng đất sai mục đích, nhất là đất nông nghiệp...”.
Chỉ tới khi nhóm phóng viên đưa ra bản danh sách những hộ gia đình chuyển đổi đất nông nghiệp trái phép nói trên, ông chủ tịch mới thừa nhận và phân trần có trường hợp nắm được có trường hợp không. Kỳ lại hơn, trường hợp gia đình ông Hưởng có tới 2 sổ đỏ, tổng diện tích gần ngàn m2 thì chính ông chủ tịch lại hồn nhiên nói rằng “không hiểu tại sao anh Hưởng lại hợp thức hóa đất canh tác lại làm được sổ đỏ?”
Tìm hiểu thực tế, nhóm phóng viên còn được biết một hiện tượng khá sửng sốt ở xã này, đó là luật đất đai ra đời năm 1993 nhưng xã Vĩnh Thịnh đến năm 1997 mới kê khai làm sổ đỏ, nhưng sổ đỏ của nhiều người dân trên địa bàn xã đều được ghi cấp năm 1993. Gia đình ông Hưởng mua đất ao của HTX sau năm 1993 nhưng diện tích đất canh tác này cùng với đất ao vẫn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp sổ đỏ từ năm 1993 (?!).
Tại buổi làm việc với phóng viên, trước sức ép của những chứng cứ “rõ rành rành”, ông Nguyễn Văn Hào cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và làm rõ những trường hợp hợp thức hóa đất canh tác thành đất ở và xử lý.
Không rõ “quyết tâm” của lãnh đạo xã đến đâu bởi thực tế nhiều năm qua, điều tra của nhóm phóng viên cho thấy tất cả những công trình xây dựng trái phép trên địa bàn xã đều không bị xử phạt hành chính và yêu cầu dỡ bỏ.
Sự thực biết nói sau những công trình mỏi mòn chờ quyết toán
Không chỉ có những sai phạm trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, xã Vĩnh Thịnh còn tồn tại những vấn đề lớn khác liên quan tới việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng.
Hiện nay Vĩnh Thịnh đang có tới 3 công trình xây dựng xong 10 năm nay nhưng không thể quyết toán vì bị đội lên chi phí quá lớn. Đó là các công trình nghĩa trang xã (dự toán phê duyệt ban đầu chỉ có 578.000.000đ nhưng sau đó dự án được “vẽ” thêm để quyết toán thành 814.000.000đ, công trình này đã hơn 10 năm đến nay vẫn không thể quyết toán được). Một công trình khác là Trường Mầm non được duyệt 1 tỷ 518 triệu nhưng đến khi quyết toán cũng “đòi” thêm gần 100 triệu đồng nữa. Và gần đây nhất là công trình xây dựng trạm Y tế xã cũng nằm chờ quyết toán như vậy.
Trả lời phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hào cho rằng chi phí bị đội lên chủ yếu cho thay đổi thiết kế được phê duyệt nhưng không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. “Chúng tôi chịu không biết làm thế nào, sự việc xảy ra trước khi tôi lên làm Chủ tịch – trước đây tôi chỉ làm phó Bí thư Thường trực xã”, ông Hào nói.
Lãnh đạo xã Vĩnh Thịnh trong buổi làm việc với phóng viên
Việc đổ lỗi loanh quanh của ông chủ tịch cho thấy những điều bất thường, nhất là khi phóng viên hỏi ông Vũ Văn Cửu – cán bộ Địa chính kiêm kế toán trưởng xã Vĩnh Thịnh thì ông Cửu lại cho biết việc thay đổi lại thiết kế theo bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt lại do chính lãnh đạo xã yêu cầu chứ không phải đơn vị thi công tự tung, tự tác... đến khi thi công xong có những công trình đã đưa vào xử dụng hơn 10 năm, có công trình được 6 đến 7 năm, nhưng đến nay vẫn không thể thanh toán được, đẩy nỗi khổ cho (bên B).
Có mục sở thị các công trình nằm chờ quyết toán này mới thấy hết những phi lý trong các câu trả lời của ông chủ tịch. Trạm Y tế ở xã không phải là công trình phức tạp hay có những biến động phát sinh lớn, thế nhưng bản vẽ thiết kế ban đầu lại thiếu như phòng vệ sinh; ốp tường; khung cửa. Khi làm đơn vị thi công không thể nhắm mắt mà xây như vậy nên cứ thế mà làm như thông thường và dẫn tới việc công trình đi vào sử dụng mà không thể quyết toán.
Là một xã thuần nông lại gần với Hà Nội, Vĩnh Thịnh có nhiều lợi thế về vị trí địa lý để phát triển KTXH, nhất là tới đây cây cầu Vĩnh Thịnh sẽ thay thế bến phà. Tiềm năng là thế, nhưng hiện tại, xã Vĩnh Thịnh chưa phát huy được “tài nguyên”, sức người, sức của mà mình có, đời sống người dân không được cải thiện nhiều, công tác xây dựng nông thôn mới chưa được chú trọng triển khai.
Vì sao lại như vậy, nguyên nhân do đâu và những sai phạm tại xã Vĩnh Thịnh vì sao nhiều năm qua vẫn được cho “chìm xuồng”.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
-
'Nhật Bản không có ý định phạt chậm tiến độ cầu Nhật Tân'
Trả lời phỏng vấn VnExpress, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam khẳng định khoản 200 tỷ đồng mà nhà thầu Tokyu yêu cầu không phải là tiền phạt, mà yêu cầu trang trải những chi phí phát sinh khi dự án chậm trễ. <br/br>
-
CafeLand – Trong phiên điều trần trước Uỷ ban Kinh tế Quốc hội sáng 24/1, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có buổi chất vấn khá quyết liệt với các đại biểu. Qua đó đã phơi bày một thực tế, mặc dù Chính phủ đã quyết tâm bắt bệnh, kê đơn nhưng toàn cảnh của cuộc chiến giải cứu bất động sản vẫn như một tô canh hẹ rối rắm… <br/br>