CafeLand – Trong phiên điều trần trước Uỷ ban Kinh tế Quốc hội sáng 24/1, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có buổi chất vấn khá quyết liệt với các đại biểu. Qua đó đã phơi bày một thực tế, mặc dù Chính phủ đã quyết tâm bắt bệnh, kê đơn nhưng toàn cảnh của cuộc chiến giải cứu bất động sản vẫn như một tô canh hẹ rối rắm…

Giải cứu bất động sản là công việc rất khó khăn, không thể có tác dụng ngay trong ngày một ngày hai. Ảnh: CafeLand

Có thể khẳng định, để thị trường bất động sản thoát được cảnh bát nháo và đi vào quỹ đạo ổn định vẫn còn là một hành trình rất dài với lắm thách thức không chỉ đối với riêng Chính phủ, Bộ Xây dựng hay doanh nghiệp mà còn là toàn bộ guồng máy tài chính kinh tế, xã hội. Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã mạnh dạn thừa nhận việc giải cứu bất động sản là công việc rất khó khăn, không thể có tác dụng ngay trong ngày một ngày hai.

Không phải ngẫu nhiên mà trong phiên điều trần trên, một số đại biểu đã rất quan tâm đến “thế lực ngầm” cố tình ghìm giữ giá nhằm trông đợi vào tiền giải cứu từ Chính phủ. Ủy viên UB Kinh tế, Chủ tịch tập đoàn than khoáng sản (Vinacomin) Trần Xuân Hòa đã nêu nghi vấn về vấn đề này cũng như ý kiến lo ngại về việc phục vụ lợi ích nhóm của chính sách giải cứu từ đại biểu Trần Văn Phương.

Vậy thế lực giữ giá bất động sản bấy lâu nay là ai? Câu trả lời thật không dễ để tìm ra. Tuy nhiên, ai cũng có thể nhận biết một thực tế thị trường đang rơi vào cảnh bể dâu nhưng giá bất động sản vẫn còn quá cao và quá xa với túi tiền của người dân. Doanh nghiệp cứ than khổ, giá đã chạm đáy nhưng dự án không bán được họ vẫn còn sức đua khuyến mãi ầm ầm, nào là mua nhà tặng xe hơi, vé máy may, tặng thẳng tiền tỉ cho khách hàng, miễn toàn bộ tiền đất, tặng vàng rồng hay biếu cả 1 năm uống cafe miễn phí…

Trước phiên điều trần này, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách cụ thể, trong đó đáng chú ý nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/01/2013. Từ phát súng đầu tiên này, hàng loạt ngân hàng đã mạnh dạng bơm vốn cứu thị trường.

Đi tiên phong là chương trình hỗ trợ cho vay bất động sản trị giá 30.000 tỷ của ngân hàng BIDV trong giai đoạn từ nay đến 2015. Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng lớn khác cũng tung ra chương trình cho vay mua nhà ưu đãi lãi suất như: Seabank, Sacombank, HDBank, ANZ, Ocean Bank,… Không những vậy, nhiều dự án còn bắt tay với ngân hàng hỗ trực tiếp cho dự án như: Hodeco hợp tác cùng Vietcombank hỗ trợ tín dụng cho khách hàng mua căn hộ tại các dự án của Hodeco; Tập đoàn Nam Cường ký kết hợp tác với Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội (MB) hỗ trợ khách hàng vay vốn mua nhà tại 2 dự án do Nam Cường làm chủ đầu tư…

Tuy nhiên, với hàng loạt chính sách giải cứu đã được ban hành cũng không khiến Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đỡ bối rối trong phiên điều trần vừa qua. Trả lời cho câu hỏi đánh giá tổng thể tác động của các giải pháp cứu bất động sản, Bộ trưởng đã không thể hồi đáp được mà chỉ nhấn mạnh “Vấn đề chính sách rất khó trả lời vì liên quan trách nhiệm của quá nhiều ngành”.

Bộ trưởng cũng cho biết, số liệu tồn kho chỉ phản ánh được một phần của thị trường và những biện pháp mà Bộ đã áp dụng cũng thật sự chưa đủ mạnh theo mong muốn bởi tiềm lực kinh tế của đất nước có hạn.

Do đó, bức tranh tổng thể về cuộc đại phẩu giải cứu thị trường vẫn còn lắm dang dỡ, lộn xộn. Bộ trưởng đã nhấn mạnh cuộc giải cứu sẽ nhắm vào đối tượng chính là phát triển nhà ở xã hội, còn thị thường bất động sản thương mại sẽ để thị trường tự xoay sở cứu lấy mình. Mong rằng thời gian tới mùa xuân sẽ lại trở về với thị trường nhà đất và giá sẽ giảm hơn nữa.

Khánh Linh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.