Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nói thẳng: Tôi thấy rất ái ngại khi ta chỉ sửa được “sát với giá thị trường” thành “phù hợp với giá thị trường”. Thậm chí có người còn đánh giá nguyên tắc nói trên “thiếu thuyết phục”, “mơ hồ”, “tù mù”. Đặc biệt, thực tế giải phóng mặt bằng (GPMB) xây dựng công trình giao thông đã được đưa ra làm dẫn chứng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Phù hợp với giá thị trường là theo thị trường nào? Thị trường lúc quy hoạch đất hay quy hoạch dự án? Thị trường lúc định giá hay lúc trả tiền đền bù?”. Bởi theo từng tiến độ khác nhau của quy hoạch, giá đất lại biến động khác nhau. Khi bắt đầu bổ sung quy hoạch chi tiết xây thêm một con đường, làm một khu đô thị và đưa ra đấu giá thì giá đất đã tăng lên gấp nhiều lần so với lúc quy hoạch chung.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, chọn thời điểm tính giá đất để đền bù chưa phù hợp đã đẩy chi phí GPMB lên cao, bình quân 36 tỷ đồng/một km (tương đương 1,7 triệu USD/km), chiếm khoảng 10% tổng mức đầu tư đường cao tốc...
Những người làm giao thông rất trông chờ Luật Đất đai sửa đổi. Mấy chục năm nay, khâu GPMB là một cản trở lớn do chưa kế hoạch hóa được thời hạn và chi phí: Thời gian là tiền bạc mà GPMB chậm dăm bảy tháng là phổ biến, không ít trường hợp chậm vài ba năm. Tình trạng mặt bằng “xôi đỗ” hoặc mặt bằng bàn giao rồi lại bị tái lấn chiếm diễn ra khá thường xuyên. Giá đất mỗi năm công bố một lần, dự án kéo dài 3 - 4 năm phải điều chỉnh liên tục, chi phí và mức đầu tư cứ thế mà đội lên theo...
Đây không còn là việc của ngành khác mà là một vấn đề hết sức thiết thân đối với những người làm nghề giao thông. Phải chủ động và tích cực tham gia vào việc hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi trong bước phôi thai, dù chỉ với vai trò góp ý kiến. Cần đúc kết thực tiễn, phân tích sâu sắc, nâng cao tính thuyết phục, tập trung đóng góp ý kiến vào một số vấn đề cốt tử liên quan đến GPMB. Hết sức tranh thủ mọi diễn đàn, mọi kênh như hội nghị, hội thảo; góp ý bằng văn bản; tham gia viết báo hoặc trả lời phỏng vấn trên thông tin đại chúng; thảo luận tại Quốc hội (đối với các đại biểu Quốc hội làm nghề giao thông) để truyền đạt, phổ biến rộng rãi chủ kiến của mình, tranh thủ sự đồng tình của các cấp, các ngành liên quan. Đây không chỉ là yêu cầu từ thực tế công trường, mà còn là một tiêu chí và thước đo quan trọng về trách nhiệm nghề nghiệp ở thời điểm này.