Triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 16/01/2014 đến ngày 28/02/2014 với nhiều hình ảnh, bản đồ và mô hình sa bàn liên quan.
Theo đồ án quy hoạch đã được duyệt vào tháng 1/2013, Khu trung tâm hiện hữu TP.HCM có tổng diện tích khoảng 930ha, bao gồm các quận sau: Quận 1 gồm các phường Nguyễn Thái Bình, Bến Thành, Bến Nghé, Phạm Ngũ Lão, một phần phường Cầu Ông Lãnh, một phần phường Đa Kao; Quận 3 gồm phường 6, một phần phường 7; Quận 4 gồm phường 9, 12, 13, 18 và Quận Bình Thạnh gồm phường 22 và một phần phường 19.
Cũng theo đồ án, Khu trung tâm hiện hữu TP.HCM được quy hoạch thành 5 phân khu chức năng bao gồm: Khu lõi trung tâm thương mại - tài chính; Khu trung tâm văn hóa - lịch sử; Khu bờ Tây sông Sài Gòn; Khu thấp tầng và Khu lân cận lõi trung tâm. Cụ thể như sau:
Khu lõi trung tâm thương mại - tài chính: là khu tập trung các công trình có chức năng thương mại - tài chính (CBD) của thành phố, đây cũng là khu vực lõi trung tâm kinh doanh thương mại; phát triển với chức năng kinh doanh, thương mại, khách sạn, du lịch và hành chính, dịch vụ công; toàn bộ nằm trong ranh giới quận 1, có diện tích 92,3ha. Ở khu này tận dụng cơ hội phát triển ga metro ngầm, không gian ngầm, trong đó có đường ngầm, khu mua sắm và đậu xe sẽ được phát triển dọc theo đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Những tuyến phố lớn sẽ chuyển đổi dần thành khu mua sắm (các tuyến phố đi bộ tương lai).
Khu trung tâm văn hóa - lịch sử: là khu tập trung các công trình có chức năng văn hóa - lịch sử, là trục trung tâm văn hóa lịch sử, quanh trục đường Lê Duẩn; phát triển với chức năng văn hóa, kinh doanh, thương mại, du lịch, dân cư và giáo dục; toàn bộ nằm trong ranh giới quận 1, có diện tích 212,2ha. Ở khu này sẽ giữ lại không gian rộng mở, thoáng đãng với đầy cây xanh của trục đường Lê Duẩn để gắn kết tính lịch sử của công trình và cảnh quan. Cụ thể, đường Lê Duẩn kết nối Dinh Độc Lập và Thảo Cầm Viên Sài Gòn sẽ là trục cây xanh đặc trưng của khu trung tâm hiện hữu bằng cách kết hợp không gian công cộng vào công trình. Do đó, đường Nguyễn Thị Minh Khai là tuyến chính có lộ giới lớn nên cho phép xây dựng phát triển mật độ cao, với chức năng phức hợp.
Khu bờ Tây sông Sài Gòn: là khu vực phát triển mới đa chức năng, trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, thuộc một phần quận Bình Thạnh, quận 1 và quận 4, có diện tích khoảng 232,3ha. Ơ khu này (dọc bờ sông Sài Gòn) sẽ hình thành dải công viên văn hóa, giải trí và không gian công cộng từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận. Đường Tôn Đức Thắng hiện tại sẽ được ngầm hóa - phía trên đường ngầm là công viên bờ sông và đường Lê Lợi sẽ được kéo dài từ sau Nhà hát lớn đến Ba Son với lộ giới 56m… Theo định hướng không gian kiến trúc khu vực dọc bờ sông Sài Gòn là phát triển cao tầng (trên những khu đất cảng hiện nay sau khi di dời) với mật độ xây dựng thấp, theo nguyên tắc chiều cao công trình thấp dần từ trong ra phía bờ sông.
Khu thấp tầng: là khu dân cư hiện hữu, khu vực có nhiều công trình nhà biệt thự từ thời Pháp thuộc; phát triển với chức năng khu dân cư, văn hóa, giáo dục và thương mại thấp tầng thuộc một phần của quận 1 và quận 3, có diện tích khoảng 274,8ha. Khu này với đặc điểm là nơi “quy tụ” của các căn biệt thự từ thời Pháp nên sẽ được kiểm soát bảo tồn, hạn chế phát triển.
Khu lân cận lõi trung tâm: là khu vực kế cận khu 1 về phía Nam, phát triển với chức năng kinh doanh thương mại tiếp nối từ khu trung tâm thương mại – tài chính, thuộc một phần quận 1 và quận 4, có diện tích khoảng 117,5ha. Ở khu này sẽ cho phát triển công trình cao tầng ở các vị trí gần ga metro Bến Thành, dọc đường Hàm Nghi, kênh Bến Nghé và đoạn nối dài của đường Nguyễn Thái Học sang quận 4 với chức năng văn phòng và thương mại. Đặc biệt, với các ô phố gần ga metro Bến Thành – nơi tập trung 4 tuyến metro, xe buýt và xe điện - sẽ cho phép chiều cao tối đa công trình trên 200m.