Theo đồ án quy hoạch, trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt có tổng diện tích nghiên cứu 650,96 ha, chiều dài tuyến đường 13,54 km đi qua khu vực Quận 1, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 8 và quận Bình Tân. Điểm bắt đầu từ Cột cờ Thủ Ngữ, điểm kết thúc là nơi giao giữa Quốc lộ 1A với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt có tính chất là trục hành lang đô thị sông nước gắn kết với hệ thống giao thông xuyên tâm và giao thông công cộng.
Ranh giới khu vực nghiên cứu nằm trong phạm vi hành lang khoảng 150m - 200m tính từ ranh lộ giới hai bên tuyến đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt.
Khu vực có 4 dạng không gian mở:
Không gian mở dọc theo kênh: Hình thành một không gian thích hợp tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoài trời cho người dân trong khu vực cũng như các hoạt động du lịch. Tăng cường khả năng liên kết hai bên bờ kênh và tổ chức các hoạt động ngoài trời.
Không gian mở dọc các trục đường gồm: Khu vực thương mại dịch vụ với không gian đường phố có các tiện ích phục vụ các hoạt động mua sắm, giao thương với vỉa hè, lối đi có mái che (thường là khoảng lùi vào ở tầng trệt của các công trình thương mại), ghế ngồi,…, mặt tiền đường phố bắt mắt và tạo cảm giác an toàn, ấm cúng; Khu vực văn phòng tạo những không gian phục vụ nghỉ ngơi, giải trí và giao tiếp xã hội; Khu vực dân cư với không gian đường phố thân thiện, an toàn, và có bản sắc riêng của mỗi cộng đồng dân cư.
Không gian công viên: Có chức năng là công viên văn hóa - thể thao - vui chơi giải trí đa chức năng, đồng thời kết hợp phát triển du lịch với tuyến du lịch dọc theo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Hệ thống công trình phụ trợ, các tiện ích công cộng cũng như các thiết kế kiến trúc, nghệ thuật cộng đồng có tỷ lệ tương thích với con người và với cảnh quan xung quanh, tạo cảm giác thân thiện và gần gũi với thiên nhiên, tạo thành hệ thống hành lang xanh có khả năng thoát nước bề mặt cao cùng với hệ thống hồ điều hòa làm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho khu vực.
Không gian mở trong nội bộ các ô phố: Đề án không đi vào chi tiết thiết kế, tuy nhiên, bố trí hệ thống không gian mở nội bộ giúp hình thành các đường đi bộ có khả năng liên kết giữa các khu vực chức năng, các nhà ga tuyến xe buýt nhanh (BRT) và các khu vực dân cư, các khu vực chức năng sử dụng đất hỗn hợp.