06/05/2016 11:53 AM
CafeLand - Theo nhiều đồ án quy hoạch (xây dựng, kinh tế xã hội) thì TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển với hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam.
Thế nhưng, để hiện thực hóa những quy hoạch đó không phải là chuyên dễ dàng khi dự toán kinh phí thực hiện quy hoạch đến năm 2025 vào khoảng 10 triệu tỷ đồng (tương đương 470 tỷ USD).
Tôi xin phép ví von về quy hoạch phát triển bằng một ví dụ như thế này. Khi chúng ta trồng một cái cây, chúng ta đợi cho nó phát triển, và một ngày nào đó, chúng ta tự hỏi rằng, nhánh cây này sẽ phát triển về hướng nào, hướng Bắc, hướng Nam, hướng Đông, hướng Tây, rồi chúng ta sẽ cùng họp bàn với nhau để thảo luận về 4 hướng ấy một cách say sưa, theo kiểu tư duy “tự sướng” với nhau.
Nhưng chúng ta đang quên một thực tế rất rõ ràng, một cái cây, nó phát triển là nhờ sự chăm sóc, tưới nước, bón phân, diệt sâu bọ và bảo vệ môi trường để nó phát triển. Đó là cái gốc của vấn đề chứ không phải nhánh cây phát triển về hướng nào. Với khu vực TP.HCM, tạm gọi trong phạm vi hành chính, thì nguyên lý nó cũng tương tự như vậy. TP.HCM chỉ là một địa danh, tên gọi, còn muốn nó phát triển về hướng nào thì trước hết, nó phải đủ nội lực để tồn tại trước đã và nuôi dưỡng các yếu tố giúp nó mở rộng trong tương lai theo nhu cầu của nó.
Thực tế phát triển hiện nay cho thấy, sự chậm chạp, trì trệ, chậm trễ khởi động của những đô thị thành phần như đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh Đa, Hiệp Phước hay Tây Bắc Củ Chi với hàng loạt các mớ lý thuyết về mô hình đô thị vệ tinh, đô thị nén, đô thị mật độ cao đều phá sản với nguồn lực yếu ớt hiện nay.
Chúng ta đang bế tắc với một loạt các giải pháp lý thuyết khi đối chiếu với thực tại phức tạp của sự phát triển hiện hữu, rồi tiếp tục bàn cách để mở rộng sự phát triển để đáp ứng nhu cầu phát triển. Thực tế này, có thể thấy rất rõ trong hàng loạt các dự án phát triển hiện hữu về khu đô thị, bất động sản chỉ quanh quẩn ăn theo hạ tầng, tiện ích sẫn có.
Khi tôi nói về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh rằng “bàn về sự phát triển mở rộng thành phố” thì trước hết, phải giải quyết các vấn đề nội bộ hiện hữu, về đất đai, về sở hữu, về lợi ích cục bộ. Làm tốt nội dung này, thì sự phát triển mở rộng về hướng nào ắt sẽ phải diễn ra đúng cách, đúng quy luật của nó.
Trong khi chúng ta vẫn cứ hô hào phát triển dãn dân, di dời trường học, nhà máy thì hàng loạt các dự án mới cứ nhắm khu trung tâm vốn đã chật chột để phát triển. Không khó để nhận thấy một số chủ đầu tư lớn chiếm hầu hết quỹ đất ở trung tâm TP.HCM với hàng chục dự án. Điều này, chỉ làm căng thẳng và tệ hại hơn cho môi trường sống ở khu trung tâm hiện hữu chứ đừng nói đến việc phát triển theo định hướng hay quy hoạch.
KTS Trương Nam Thuận
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.