02/10/2010 1:29 PM
Ngày 1.10, Sở Xây dựng TPHCM đã tổ chức hội nghị với sự tham dự của đại diện các quận, huyện để triển khai Quyết định 68/2010/QĐ-UBND của UBND thành phố, ban hành quy định về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, với Quyết định 68, việc cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng sẽ "mở" hơn rất nhiều, đặc biệt là việc cấp phép xây dựng tạm trong các khu vực có dự án treo.

Thoáng!

Theo ông Quách Hồng Tuyến – Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố - Quyết định 68 tiếp tục kế thừa quy định về cấp phép xây dựng trước đây. Để được cấp phép xây dựng phải có một trong các loại giấy tờ về đất được công nhận. Trong đó, không chỉ công nhận các giấy tờ về đất hiện nay, mà ngay cả các giấy tờ được cấp trước 30.4.1975. Chẳng hạn, bằng khoán điền thổ, văn tự đoạn mãi bất động sản có chứng nhận của Phòng Chưởng khế Sài Gòn, đã trước bạ... Chỉ cần có một trong 6 loại giấy tờ nhà đất lưu hành trước 30.4.1975 sẽ được cấp phép xây dựng. Riêng đối với các loại giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất được cấp sau ngày 30.4.1975 (11 loại giấy tờ) sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng xem xét cấp phép xây dựng.

Cũng theo Quyết định 68, đối với nhà ở riêng lẻ, trong trường hợp không có một trong số các loại giấy tờ kể trên nhưng nằm trong khu dân cư hiện hữu, ổn định, sử dụng trước ngày 1.7.2004 (ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành); phù hợp quy hoạch xây dựng là đất ở, chủ đầu tư phải có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về ranh giới thửa đất đang sử dụng, không có tranh chấp khiếu nại và phải được UBND phường – xã, thị trấn nơi công trình xây dựng xác nhận thì sẽ được cấp phép xây dựng... Thẩm quyền cấp phép xây dựng - theo Quyết định 68 - hầu như được phân cấp về cho quận, huyện gần hết. Sở Xây dựng thành phố chỉ quản lý và cấp phép xây dựng đối với 40 tuyến đường, giảm hơn 50% so với quy định trước đây. Đối với các công trình có giá trị xây dựng từ 15 tỉ đồng trở lên sẽ do Sở Xây dựng cấp và dưới 15 tỉ sẽ do quận huyện cấp. Đối với các công trình có nguồn gốc là biệt thự cũ (được xây dựng trước năm 1975) phải có văn bản chấp thuận phá dỡ công trình cũ để xây dựng mới của UBND thành phố, trên cơ sở tờ trình của Sở quy hoạch - Kiến trúc.


Người dân làm thủ tục xin cấp phép xây dựng trên địa bàn quận Tân Phú. Ảnh: Quỳnh Mai

Một quy định mới mẻ khác là khi xây dựng, cải tạo các đường phố phải xây dựng hệ thống tuynen ngầm để lắp đặt đồng bộ hệ thống các công trình kỹ thuật hạ tầng kỹ thuật. Về yêu cầu bản vẽ thiết kế để cấp phép xây dựng, đối với nhà ở quy mô nhỏ dưới 250m2 sàn xây dựng, từ 3 tầng trở xuống hộ gia đình có thể tự thiết kế, nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt. Việc cấp phép xây dựng sẽ được thực hiện theo cơ chế một cửa. Người dân có nhu cầu nộp hồ sơ theo quy định tại phòng tiếp nhận hồ sơ quận, huyện.

Được xây dựng tạm đến 5 tầng

Một trong những thay đổi mang tính đột phá của Quyết định 68, đó là các quy định liên quan đến cấp phép xây dựng các công trình xây dựng có tính chất tạm thời. Các quy định này áp dụng cho các vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quy hoạch. Thực tế, tình trạng này người ta hay gọi là quy hoạch treo hay dự án treo mà ở TPHCM có rất nhiều, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Theo quy định cũ, đối với các công trình xây dựng tạm trong khu vực quy hoạch treo, dự án treo chỉ được xây dựng tối đa một tầng, một gác gỗ. Theo quy định mới tại Quyết định 68, người dân sống trong khu vực quy hoạch treo, có thể được xây dựng tối đa đến 5 tầng.

Theo Quyết định 68, thời gian tồn tại của công trình xây dựng tạm bằng với thời gian dự kiến thực hiện quy hoạch. Đáng chú ý, đối với các công trình xây dựng tạm, khi phải tháo dỡ để thực hiện quy hoạch, người dân sẽ không được bồi thường.

Liên quan đến việc cấp phép xây dựng tạm, đại diện một số quận, huyện còn có nhiều ý kiến băn khoăn. Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức cho rằng: “Theo thời hạn quy hoạch có nghĩa trên các giấy phép xây dựng tạm phải ghi thời gian tồn tại của công trình xây dựng tạm là 5 năm. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn quận Thủ Đức có quy hoạch ga Bình Triệu diện tích 40ha. Thẩm quyền giải quyết trả lời bao giờ quy hoạch ga Bình Triệu được triển khai thực hiện là Bộ Giao thông Vận tải chứ không phải quận Thủ Đức. Vì vậy, nếu bảo cán bộ ghi trên giấy phép xây dựng tạm là 5 hay 10 năm thì chắc không ai dám. Trong trường hợp dân hỏi chúng tôi không dám trả lời, mà không trả lời thì cũng không được”.


Cafeland.vn - Theo Ngọc Huân (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.