“Treo” từ đường hẻm đến dự án lớn
Căn nhà mặt tiền số 281 Lê Quang Định, P.7, quận Bình Thạnh có bề ngang rộng 4m nằm sát bên con hẻm rộng khoảng 1,6m. Dù nhà đã rất cũ nhưng gia chủ cũng không muốn xây lại. Bởi theo quy hoạch con hẻm này sẽ được mở rộng lên 3,5m, nên nếu xây dựng lại thì bề ngang của nhà chỉ còn hơn 2m. Đã 10 năm nay rao bán không ai mua, chủ nhà chỉ còn biết cho thuê làm phòng trọ và... chờ. Ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch UBND quận Q.10 cho biết trên địa bàn quận cũng có nhiều hẻm được quy hoạch mở rộng nhưng chưa thực hiện được.
Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh - Trần Hưng Đạo (Q.1) cũng vướng vào quy hoạch treo
Ở quận Bình Thạnh, nổi lên nhất là Dự án khu đô thị sinh thái Bình Qưới – Thanh Đa với diện tích trên 450ha đã được TP quy hoạch từ năm 1992 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, từ năm 1997 đến nay có 428 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000. Tuy nhiên đến nay vẫn còn 102 đồ án kéo dài, không khả thi, cần phải điều chỉnh. Nhiều dự án trên địa bàn quận 8 đã được phê duyệt từ lâu nhưng không có kinh phí thực hiện. Điển hình trong đó là Khu tái định cư và công viên văn hóa phía Bắc đường Tạ Quang Bửu (P.4), khu D-E Phú Mỹ Hưng (P.7), Quy hoạch công viên cây xanh dọc kênh Đôi - đường Phạm Thế Hiển (P.1 đến P.7).
Với những huyện ngoại thành, các chủ đầu tư cũng không ngần ngại vẽ lên hàng loạt dự án rồi... để đó. Thống kê của huyện Hóc Môn cho biết, trên địa bàn huyện có 22 dự án khu dân cư, điển hình là Dự án khu đô thị mới An Phú Hưng rộng 650 ha đã có phương án đền bù từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. Tại huyện Nhà Bè cũng có tới 70 dự án đã được chấp thuận địa điểm và có quyết định thu hồi đất từ nhiều năm trước với tổng diện tích hơn 14 triệu m2, nhưng hầu hết hiện vẫn còn “treo” hoặc triển khai dở dang.
Giải quyết thế nào?
Đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra để giải quyết bài toán quy hoạch treo tại TP.HCM. Nhiều ý kiến cho rằng, với những dự án do các chủ đầu tư lập nên mà không thực hiện được thì TP nên đánh giá năng lực tài chính của chủ đầu tư, nếu kéo dài thì phải thu hồi để dân bớt khổ.
TP.HCM xem việc xóa quy hoạch “treo” là vấn đề cấp bách phải làm trong quản lý đô thị. Ảnh: VNE |
Ông Phạm Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP cho rằng, đã có quy định dự án nhà ở chỉ giao đất 3 năm nếu không triển khai thì thu hồi. Nhưng có nhiều dự án triển khai từ 10 năm nay chưa xong mà không xử lý. Theo ông Bá cần có quy định yêu cầu chủ đầu tư ký quỹ từ 10 đến 20 tỷ đồng khi lập dự án để nếu dự án không triển khai thì có tiền bồi thường thiệt hại cho dân. Ý kiến này đã được ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP đồng thuận nhưng vẫn còn băn khoăn về mức ký quỹ.
Trong khi đó, ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP cho rằng, một trong những vấn đề của quy hoạch treo hiện nay là việc công khai thông tin của các dự án. Nhiều dự án triển khai nhưng người dân rất mù mờ về tiến độ, thời gian triển khai nên không biết để giám sát.
Trước tình trạng quy hoạch “treo” khiến người dân bức xúc, mới đây Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Nguyễn Hữu Tín cho biết, sẽ tiến hành rà soát lại các dự án từ đây đến cuối năm để có hướng xử lý.