Nhiều dự án nhằm giải quyết các vấn đề đô thị Hà Nội đang có nguy cơ không thể thực hiện được giữa lúc yêu cầu kiềm chế lạm phát được đặt lên hàng đầu. Nói như vậy không có nghĩa là do "cửa tài chính" đóng hẳn, vấn đề ở chỗ phối hợp giữa các cơ quan liên quan, đặc biệt là sự vào cuộc với trách nhiệm cao của những cơ quan có thẩm quyền quyết định về vấn đề tài chính.
Tiến thoái lưỡng nan?
Khẩn trương đầu tư xây dựng các nút giao thông trọng điểm là “đáp án” của “bài toán” giao thông đô thị Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy

Bài toán nguồn lực

Hà Nội hiện có ít nhất 12 dự án xây dựng cơ bản đang chờ vốn để tiếp tục thực hiện. Đây đều là những dự án hạ tầng quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết tình trạng giao thông đô thị đang ngày càng mất cân đối so với nhu cầu. Có thể kể ra vài dự án như QL 32, đường 5 kéo dài (cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long); QL 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống; cầu Vĩnh Tuy… Sự gia tăng phương tiện giao thông một cách chóng mặt cộng với những hạn chế vốn có của hệ thống hạ tầng giao thông đã xác định rõ "đáp án" của "bài toán" giao thông đô thị Hà Nội là phải đẩy mạnh đầu tư. Trong cuộc làm việc với Sở GTVT, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định: "Đây là vấn đề tiên quyết". Không chỉ cần cải tạo giao thông nội đô, Hà Nội phải đầu tư xây dựng đường vành đai, đường hướng tâm, các nút giao, bãi đỗ xe, đường cho người đi bộ… Riêng các nút giao trọng điểm cần cải tạo, TP đã nghiên cứu đề ra phương án cải tạo 9 nút.

Thế nhưng vấn đề hiện nay chính là câu hỏi cực kỳ khó giải đáp: "Nguồn lực ở đâu?". 12 dự án nói trên được TP Hà Nội đưa vào văn bản trình Bộ Tài chính phân bổ vốn. Nhưng câu trả lời từ Bộ Tài chính không có gì chắc chắn: "Chúng tôi ghi nhận và đồng cảm với Hà Nội. Sắp tới chúng tôi sẽ xem xét hết mức có thể, làm sao để tạo điều kiện cho Thủ đô xây dựng và phát triển". Chính vì bế tắc về nguồn lực, nên nhiều dự định của TP chỉ được duy trì ở "trạng thái" nghiên cứu, chờ thực hiện. Chẳng hạn, phương án cải tạo 9 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn, nếu được thực hiện sẽ góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay của Thủ đô, nhưng ở thời điểm hiện tại, không ai biết khi nào những phương án này có thể biến thành hiện thực.

Giải pháp xã hội hóa xây dựng bãi đỗ xe trong khu vực nội đô cũng ở vào tình cảnh tương tự. Hà Nội dự định cho xây dựng khoảng 50 bãi đỗ xe cao tầng, đồng thời khuyến khích xã hội hóa xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, nổi. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề lại nằm ở Thông tư 97/2006/TT-BTC ngày 16-10-2006 của Bộ Tài chính, văn bản quy định mức trần phí trông giữ xe. Với mức trần cách đây gần 5 năm nay đã lạc hậu, đầu tư một bãi trông giữ xe phải mất 13-14 năm mới có thể thu hồi vốn, nên các doanh nghiệp không mặn mà với lời kêu gọi của TP. Trong khi đó, tình trạng thiếu điểm đỗ xe trong nội thành Hà Nội đang càng ngày càng trở nên căng thẳng. Vỉa hè, lòng đường vốn đã chật chội càng chật chội. Các lực lượng chức năng dù đã cố gắng, nhưng một mặt không đủ sức xử lý hết các vi phạm, mặt khác cũng có tâm lý châm chước cho người dân.
Tiến thoái lưỡng nan?

Hà Nội cần xây dựng nhiều bãi đỗ xe có quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Linh hoạt, trách nhiệm

Quản lý chặt chẽ lĩnh vực tiền tệ, cắt giảm đầu tư, chi tiêu công là giải pháp rất quan trọng trong các giải pháp được Nghị quyết 11 của Chính phủ đưa ra. Mặc dù vậy, Chính phủ cho phép các cơ quan linh hoạt trong vận dụng, thực thi các giải pháp sao cho sử dụng đồng vốn có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho những dự án, nhiệm vụ cấp bách, tránh vì máy móc mà làm thiệt hại cho Nhà nước và người dân. Đây là tinh thần xuyên suốt quá trình thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Tuy nhiên, không phải cơ quan nào cũng thực hiện tốt tinh thần này.

Thời gian gần đây, một số cơ quan TP Hà Nội có ý kiến về hiện tượng cơ quan Kho bạc Nhà nước lấy lý do kiềm chế lạm phát, chậm giải ngân một số nhu cầu mua sắm, mặc dù các danh mục mua sắm nằm trong dự án được phép chi. Giải đáp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: "Kiểm soát chi tiêu chặt chẽ không có nghĩa là đóng băng hết. Nếu có khiếu nại cụ thể về việc Kho bạc chậm chi các mục chi được phép, các địa phương cần phản ánh kịp thời, Bộ Tài chính sẽ xem xét ngay lập tức. Chi mua sắm nằm trong dự án được phép thì phải giải ngân, không được phép cản trở". Đây chỉ là một trong số những vấn đề mang tính điển hình trong việc thực hiện kiểm soát tiền tệ, giảm chi tiêu công hiện nay.

Trong khi đó, một vấn đề lớn hơn đặt ra là thống nhất tiêu chí xác định các dự án mang tính cấp bách để cấp vốn. Thế nào là cấp bách, là cần thiết, là xứng đáng được chi vẫn là những khái niệm rất cần được cụ thể hóa. Trong khi việc lượng hóa chưa kịp thực hiện, nhu cầu thực tế càng lúc càng gắt gao thì lối thoát duy nhất chính là trông cậy vào tài năng, trách nhiệm và sự mạnh dạn trong điều hành, quyết định của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền về vấn đề tài chính. Khi những người được giao quyền làm việc với tinh thần trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên hết thì những rào cản đó đều có thể vượt qua.

Đối với TP Hà Nội, vấn đề nói trên lại càng có ý nghĩa hơn, nhất là khi nhu cầu giải quyết các vấn đề đô thị đang ngày càng trở nên bức thiết. Còn nhớ trong cuộc làm việc với TP Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Bộ Tài chính có trách nhiệm hỗ trợ Hà Nội thực hiện các mục tiêu phát triển hạ tầng trong những năm tới". Đây là cơ sở để tin tưởng rằng, ngành tài chính sẽ mạnh dạn, có trách nhiệm khi thực hiện các "phép tính" linh hoạt, đúng chủ trương, giúp Hà Nội cũng như nhiều đô thị lớn khác trong cả nước giải những "bài toán" đô thị bức xúc hiện nay.
Theo Hiền Lương (Hànộimới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.