Giai đoạn 2010-2015 sẽ tập trung lập quy hoạch, đề án, chương trình và ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chí di dời cơ sở đào tạo, xây dựng cơ sở mới, cải tạo cơ sở cũ để từ năm 2015 sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng khung và các khu đại học tập trung, để giãn các trường trong nội đô.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, các trường nằm trong khu vực nội thành được xem xét di dời nếu không đáp ứng chỉ tiêu sử dụng đất hơn 25m2/sinh viên, không kể diện tích công trình thể chất và ký túc xá; hoặc hơn 45m2/sinh viên nếu bao gồm công trình thể chất và ký túc xá. Cơ sở vật chất không bảo đảm đủ diện tích các công trình thể chất (sân thể thao, thư viện, cây xanh…) theo tiêu chuẩn, hoặc gây quá tải cho hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh các tiêu chí trên, Bộ Xây dựng cũng tính đến các yếu tố đặc thù như cơ sở đào tạo có tính truyền thống với thời gian hình thành và phát triển lâu dài hoặc các trường đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, hành chính, đào tạo chất lượng cao sẽ được ưu tiên giữ lại, hạn chế chuyển đổi sang các chức năng khác và khống chế quy mô đào tạo theo điều kiện quỹ đất, cũng như cơ sở vật chất hiện có.


Để bảo đảm điều kiện di dời các cơ sở đào tạo, giai đoạn năm 2010-2015 sẽ tập trung lập các quy hoạch, đề án, chương trình và ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định, chỉ tiêu về di dời, xây dựng cơ sở mới, cải tạo cơ sở cũ; triển khai các dự án thí điểm làm cơ sở rút kinh nghiệm hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Giai đoạn năm 2015-2020 sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng khung và các khu đại học tập trung để giãn các trường từ trong nội đô. Giai đoạn 2020-2030 sẽ tập trung cải tạo nâng cấp các cơ sở trường giữ lại trong khu vực nội đô, phát triển các trung tâm đào tạo chất lượng cao và khuyến khích phát triển đồng đều hệ thống trường trong vùng. Sau năm 2030, tiếp tục nâng cấp có chiều sâu hệ thống trường trong vùng, phát triển các trung tâm đào tạo đặc thù theo nhu cầu phát triển mới của xã hội và đáp ứng các yêu cầu phát triển chiến lược của quốc gia. Một vấn đề đặt ra là sau khi di dời, các cơ sở cũ trong nội thành sẽ được sử dụng như thế nào? Trả lời câu hỏi này, cả Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục - Đào tạo đều đề xuất nguyên tắc ưu tiên sử dụng cho đào tạo nâng cao, nghiên cứu ứng dụng. Đặc biệt, sẽ tái cơ cấu sử dụng đất, dành 30-50% diện tích đất cho cây xanh và công trình hạ tầng xã hội, phần đất còn lại dành cho công trình thương mại, dịch vụ, không bố trí công trình nhà ở. Phần đất dành cho công trình thương mại, dịch vụ được đấu giá để tạo nguồn vốn xây dựng cơ sở mới. Tại khu vực quy hoạch mới, bên cạnh cơ sở đào tạo sẽ phát triển khu đô thị, công trình thương mại, dịch vụ để tạo nguồn vốn xây dựng, phục vụ việc học tập, giảng dạy của giáo viên và học sinh.


Theo dự thảo quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Xây dựng, vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 có khoảng 1,62 triệu sinh viên, chiếm 40% số sinh viên toàn quốc. Trong đó, Hà Nội đáp ứng khoảng 65-70 vạn sinh viên. Khu vực ngoại ô đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh thuộc Hà Nội đảm nhận khoảng 55 vạn sinh viên, trong đó đô thị đại học Hòa Lạc có khoảng 20 vạn sinh viên, Xuân Mai: 10-12 vạn sinh viên. Khu vực nội đô Hà Nội giảm quy mô đào tạo khoảng 20 vạn sinh viên, chủ yếu đào tạo chất lượng cao sau đại học, hạn chế đào tạo đại học và cao đẳng. Các khu, cụm đại học tập trung được xây dựng mới, đồng bộ về cơ sở vật chất.


Theo Khánh Khoa (Hà Nội Mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.