Chủ căn hộ không có nhu cầu tái định cư thì có quyền bán lại cho chủ đầu tư trước khi giải tỏa.
“Đối với nhà ở sở hữu tư nhân thuộc chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp khi được bố trí lại căn hộ khác thì thực hiện theo nguyên tắc bố trí lại căn hộ đúng bằng diện tích đã ở trước đây”. Đó là nội dung trong Tờ trình dự thảo Quyết định về bồi thường hỗ trợ, tái định cư (TĐC) đối với các hộ dân đang cư ngụ tại các chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM. Dự thảo này (nhằm sửa đổi, bổ sung và thay thế Quyết định 73/2008 của UBND TP) đang được TP giao các sở, ngành có ý kiến
Bù thêm tiền cho diện tích chênh lệch

Sở Xây dựng cho hay theo báo cáo của UBND TP về triển khai thực hiện Nghị quyết 16 của HĐND TP thì “các hộ dân phải di dời để xây dựng lại chung cư được bố trí căn hộ mới đúng bằng diện tích căn hộ cũ. Trường hợp căn hộ mới lớn hơn thì không phải đóng thêm tiền cho phần chênh lệch”. Tuy nhiên, Sở cho rằng qua nghiên cứu thực tế, để đảm bảo hài hòa lợi ích và khuyến khích các chủ đầu tư tham gia xây dựng cải tạo chung cư cũ, cần đặt ra một giới hạn đối với phần diện tích chênh lệch này.

Xây dựng căn hộ tái định cư ở phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD

Cụ thể, nếu căn hộ TĐC có diện tích lớn hơn căn hộ cũ (hai căn tương đương nhau về giá trị 1 m2), người được bố trí có thể phải bù thêm tiền cho phần chênh lệch đó. Đối với căn hộ cũ nhỏ hơn 30 m2, khi được bố trí nhà mới người dân không phải bù thêm tiền cho phần diện tích đến 30 m2. Phần diện tích trên 30 m2, người dân thanh toán cho chủ đầu tư theo giá thực tế chuyển nhượng trên thị trường. Ví dụ: Căn hộ cũ của ông A có diện tích 25 m2. Khi được bố trí TĐC căn hộ 50 m2, ông A chỉ phải thanh toán theo giá thị trường 20 m2 chênh lệch.

Với nhà đất bị thu hồi lớn hơn 30 m2, Sở đề nghị người dân không phải trả thêm tiền cho phần diện tích lớn hơn tương đương 20% diện tích căn hộ cũ. Ví dụ: Ông B có căn hộ cũ, được cấp giấy hồng diện tích 50 m2. Khi được bố trí căn hộ mới diện tích 70 m2, ông B sẽ không phải trả tiền cho phần diện tích tổng cộng là 60 m2 (gồm 50 m2 diện tích căn hộ cũ + 20% x 50 m2). Diện tích 10 m2 còn lại ông B phải trả tiền cho nhà đầu tư theo giá thị trường.

Hỗ trợ lợi thế thương mại

Sở Xây dựng cũng đề nghị với trường hợp căn hộ bị thu hồi nằm ở tầng trệt, ngoài việc được đổi căn hộ như trên còn được hỗ trợ bằng tiền về lợi thế thương mại. Số tiền này dựa vào sự chênh lệch giữa đơn giá bồi thường và đơn giá bán căn hộ TĐC.

Trường hợp nhà ở mua trả góp và đang thuê thuộc sở hữu nhà nước, người đang sử dụng được thuê căn hộ TĐC phù hợp diện tích thuê cũ. Giá thuê nhà tính theo nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Trường hợp có nhu cầu mua nhà TĐC thì tính theo giá quy định về bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tại Nghị định 34/2013. Người được TĐC sẽ không phải nộp lệ phí trước bạ khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Tờ trình dự thảo đề nghị thêm, nếu chủ căn hộ không có nhu cầu TĐC thì có quyền bán căn hộ cho chủ đầu tư trước khi giải tỏa. Tuy nhiên, thời gian tự thỏa thuận không được quá 12 tháng. Quá thời gian này, nếu hai bên không thỏa thuận được thì áp dụng phương án bồi thường hỗ trợ và TĐC được phê duyệt.

Cẩm Tú (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.