Lợi thế từ tự nhiên
Vân Đồn sở hữu lợi thế thiên nhiên mà không vùng kinh tế ven biển nào trong cả nước có được.
Trước tiên, Vân Đồn có đặc thù là đan xen giữa những dãy núi đá là các đảo đất. Nhờ vậy, Vân Đồn vừa có biển lại vừa có rừng, thuận lợi để phát triển loại hình sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp.
Hiện cả 5 xã đảo của Vân Đồn đều đã có cầu cảng và các tuyến đường giao thông liên xã. Đặc biệt, cầu cảng Cái Rồng ở trung tâm của huyện đảo còn là nơi trung chuyển của tất cả các chuyến giao thông biển phục vụ cho việc đi lại của người dân và khách du lịch.
Tiếp đến, Vân Đồn đang sở hữu diện tích mặt nước biển gần 160.000ha, tiếp giáp với các ngư trường lớn, có hệ thống bến cảng và lực lượng phương tiện, lao động chuyên môn có nhiều kinh nghiệm. Nhờ vậy ngành thuỷ sản thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn huyện đảo.
Các nhà khoa học cũng đánh giá Vân Đồn là nơi có nguồn hải sản phong phú cả về số lượng và chủng loại. Trong 9 tháng năm 2013, sản lượng khai thác thuỷ sản của địa phương đạt tới 15.000 tấn với các loại tôm, cá, cua, ghẹ, trai ngọc, sá sùng, bào ngư, ốc bể...
Thêm vào đó, chạy dọc suốt bờ biển các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu là những bãi cát trắng dài tới hàng chục hm. Đây cũng chính là nguồn nguyên liệu làm thuỷ tinh cung cấp cho hầu hết các nhà máy sản xuất kính ở miền Bắc
Vân Đồn hiện là 1 trong 14 khu kinh tế ven biển của cả nước và là động lực quan trọng về kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Vân Đồn đồng thời nắm giữ nhiều lợi thế quan trọng cả về giao thông đường biển, hàng không và đường bộ. Huyện đảo cũng là một trong một trong những cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng, là giao thoa của hành lang kinh tế Việt - Trung, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).
Sẵn sàng cho một “Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt”
Với những lợi thế trên, từ năm 2006 Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển Khu Kinh tế.
Nhận biết được những tiềm năng đặc biệt sẵn có cùng với cơ hội nổi trội, UBND tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng xây dựng Đề án “Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn”.
Trao đổi với báo chí, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính từng cho biết từ nay đến 2015 là giai đoạn khởi động của đề án. Trong giai đoạn này, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến việc vận động và xây dựng, ban hành luật riêng cho Khu.
Tiếp đó, 2015 -2020 là giai đoạn tăng tốc. Quảng Ninh nhấn mạnh vào đầu tư hoàn thiện hàng loạt công trình trọng điểm như khu du lịch sinh thái biển cao cấp, nâng cấp mở rộng sân bay Vân Đồn công suất 2 triệu khách/năm...
Khoảng 2025-2030 bắt đầu giai đoạn Vân Đồn phát triển và lan tỏa, hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố biển quốc tế tiêu biểu của khu vực và thế giới với trung tâm công nghiệp giải trí, du lịch biển đảo sinh thái-nghỉ dưỡng chất lượng cao dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp và cửa ngõ giao thương quốc tế.
Hiện Vân Đồn đang dồn lực phát triển các loại hình du lịch cao cấp, trung tâm thương mại và tài chính quốc tế, đầu mối giao thương và hậu cần, các công trình đầu mối - dịch vụ giao thông đường thuỷ và hàng không, gắn với phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp sạch, chất lượng cao.
Vân Đồn cũng đã và đang triển khai được một số dự án động lực mở đường cho các phân khu chức năng và các nhà đầu tư vào Khu Kinh tế như: Dự án khu sân bay Vân Đồn, dự án khu đô thị Cái Rồng, dự án Khu tái định cư… Trên địa bàn Vân Đồn đã có 79 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 9.800 tỷ đồng.
Trong đó, dự án sân bay Vân Đồn hiện đã được Tập đoàn CCC của Canada phản biện về phương án đầu tư khu sân bay bằng hình thức BOT (hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao).
Dự án khu công viên phức hợp phía Đông đảo Cái Bầu sẽ là hai dự án động lực cho một vùng kinh tế lấy kinh tế du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao làm chủ đạo.
Ngoài ra, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh và Viện công nghệ Áo vừa ký bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu phát triển dự án đô thị thông minh tại khu kinh tế Vân Đồn.
Theo đó, mục tiêu của dự án là xây dựng Vân Đồn thành một trung tâm kinh tế của khu vực, đem đến chất lượng sống tối đa cho dân cư, với lượng tiêu thụ tài nguyên tối thiểu, bằng cách kết nối cơ sở hạ tầng một cách thông minh (năng lượng, giao thông, vận tải...) theo nhiều cấp độ khác nhau.
Kết quả từ những động thái tích cực nêu trên hứa hẹn là những bước tiến vững chắc để Vân Đồn phát huy được những ưu thế riêng sẵn có để phát triển bền vững.