Nên có sự linh động khi áp dụng các quy định về khoảng lùi. Nếu chỉ vì mục đích thông thoáng mà để người dân mất diện tích xây dựng, dẫn đến vướng các quy định về kiến trúc khác thì cũng không hay.
Sự đồng đều giữa các căn nhà là một trong những tiêu chí hàng đầu để tạo nên một bộ mặt đô thị đẹp. Trên một tuyến phố mà nhà này ló ra, nhà kia thụt vào thì khó có thể tạo một cảnh quan đẹp mắt. Tuy nhiên, thực hiện điều này lại không đơn giản chút nào.

Thiếu bề sâu cũng phải lùi


Ông NPM có căn nhà trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh đang làm thủ tục xin phép xây dựng. Nghĩ là đất trong nhà muốn xây sao cũng được, ông nhờ kiến trúc sư thiết kế chừa khoảng sân dài 2 m. Sau đó ông rất bất ngờ khi Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận này yêu cầu phải điều chỉnh bản vẽ xin phép xây dựng và khoảng sân phải lùi là 5 m. “Do dãy phố này có nhiều căn đã có khoảng lùi 5 m nên các căn sau khi cấp phép xây dựng cũng phải thực hiện” - cán bộ Phòng QLĐT quận cho biết. Ông M. rất thắc mắc do nhà ông thuộc khu vực đô thị hiện hữu, không phải nhà mẫu trong dự án mà bắt buộc phải lùi đều nhau.

Giải thích về cơ sở pháp lý của quy định trên, Phòng QLĐT quận Bình Thạnh viện dẫn Quyết định 135/2007 của UBND TP.HCM về Quy chế quản lý kiến trúc cho nhà liên kế. Theo đó, khoản 2 Điều 8 quyết định này quy định khoảng lùi nhà liên kế được áp dụng trong trường hợp có bản đồ quy hoạch chỉ giới xây dựng hoặc thiết kế đô thị. Trường hợp thứ hai là “trên một đoạn phố nếu tối thiểu có năm căn hiện hữu có khoảng lùi thì cơ quan có thẩm quyền về quản lý về kiến trúc quy hoạch xác định khoảng lùi chung cho toàn đoạn phố”. Nhà ông M. thuộc trường hợp thứ hai. Văn bản này quy định khoảng lùi cho “toàn đoạn phố”, tức là trong hẻm hoặc mặt tiền đều có thể áp dụng. “Tạo khoảng lùi chung cho đoạn phố được đều đặn, tránh khập khiễng cũng là một cách chỉnh trang đô thị” - đại diện Phòng QLĐT quận Bình Thạnh giải thích thêm.


Việc áp dụng khoảng lùi nhà liên kế ở mỗi quận mỗi khác. Ảnh: HTD

Quyết định 135 quy định phải có khoảng lùi chung nhưng trên thực tế diện tích nhà đất mỗi căn mỗi khác, lớn nhỏ, dài ngắn không đồng đều nhau. Giả sử trong tình huống căn nhà chỉ có chiều dài chừng 8 m, nếu bắt phải lùi 5 m cho bằng các nhà lân cận thì làm sao xây dựng, trong khi đất của họ là hợp pháp? Dường như Quyết định 135 đã không lường đến tình huống này.

Nhiều quận chưa áp dụng

Trao đổi với lãnh đạo phòng QLĐT một số quận, huyện, chúng tôi nhận thấy việc áp dụng khoảng lùi của nhà liên kế ở mỗi quận mỗi khác. Chẳng hạn, mặc dù tán đồng quy định khoảng lùi sẽ tạo sự thông thoáng cho tuyến phố, làm cảnh quan kiến trúc đẹp mắt hơn nhưng lãnh đạo Phòng QLĐT quận 4 cho hay rất khó thực hiện. “Quận 4 chủ yếu là đường nhỏ, nhà đất nhỏ, nếu xây dựng mà phải có khoảng lùi thì gây khó khăn cho người dân” - ông Lương Đức Hiệp, Trưởng Phòng QLĐT quận 4, giải thích.

Theo ông Hiệp, quy định này chỉ thực hiện được đối với những tuyến phố có lô thửa đàng hoàng, diện tích cân đối nhau, có khả năng phát triển lâu dài, ổn định. Còn những khu vực có các thửa đất méo mó, xộc xệch hoặc không đủ diện tích thì rất khó áp dụng, không khéo lại nảy sinh vi phạm xây dựng rất phức tạp.

Trong khi đó, đại diện Phòng QLĐT quận 11 cho biết quận có sự linh động khi áp dụng về khoảng lùi. Theo đó, quận chỉ áp dụng cho những khu vực có tính ổn định và khi thực hiện cũng cân đối sao cho vừa đảm bảo sự thông thoáng cho các tuyến phố, vừa đảm bảo đủ diện tích căn hộ cho người dân xây. Theo cán bộ này, nếu chỉ vì mục đích thông thoáng mà để người dân mất diện tích xây dựng dẫn đến việc xây không đủ chuẩn, lại vướng các quy định về kiến trúc khác thì cũng không hay.

Phòng QLĐT quận Gò Vấp cũng cho hay chưa bắt buộc phải có khoảng lùi chung cho nhà liên kế trên một tuyến phố, đoạn phố hiện hữu trên địa bàn. “Nếu một thửa đất lớn, xin xây cùng lúc nhiều căn nhà thì mới buộc lùi đều nhau, còn từng căn riêng biệt xin phép xây dựng vào các thời điểm khác nhau thì chưa” - một cán bộ Phòng QLĐT quận này cho hay.

Không nên áp dụng máy móc

Quy định về khoảng lùi là cần thiết nhưng không nên áp dụng máy móc, khi gặp những trường hợp đặc biệt thì phải xử lý theo tình huống. Không cứ phải cả một tuyến phố dài mấy trăm mét đều lùi y như nhau, dẫn đến nhà diện tích nhỏ không được xây hoặc bị thiệt thòi quá lớn.

Cách để xử lý vấn đề là căn cứ về nguồn gốc nhà đất và cảnh quan trên toàn tuyến phố. Chẳng hạn, tùy tình hình thực tế mà có thể chia ra từng cụm ngắn, ví dụ năm căn này đều nhau lùi 5 m, kế tiếp năm căn có thể lùi ít hơn, rồi đến chục căn khác lại lùi 5 m. Quan trọng nhất là không để từng căn lỏi chỏi nhau. Còn việc thực hiện như thế nào thì thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp phép.

Ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP


Cafeland.vn - Theo Pháp Luật TP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland