Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở.

Bộ Xây dựng cho biết, tổ chuyên gia liên ngành đang gấp rút nghiên cứu đề xuất mô hình của Quỹ tiết kiệm nhà ở hỗ trợ người có nhu cầu nhưng thu nhập thấp, theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương. Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mô hình này, đặc biệt là những băn khoăn quanh giá nhà quá cao, mức tiền lương và trích lương quá thấp….


Hàng chục năm không ăn, không tiêu!


Theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản thì tổ chuyên gia liên ngành có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức hoạt động của quỹ tiết kiệm nhà ở áp dụng tại Việt Nam. Tổ có trách nhiệm hoàn thành và trình Ban chỉ đạo xem xét vào tháng 11/2011. Mục đích của mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở là nhằm hỗ trợ người có nhu cầu nhà ở nhưng thu nhập hạn chế. Nguồn vốn của quỹ sẽ được trích từ tiền lương hàng tháng theo tỷ lệ nhất định để sử dụng đầu tư nhà ở xã hội. Những người tham gia đóng quỹ tiết kiệm nhà ở sau thời gian nhất định sẽ được mua nhà xã hội. Trong trường hợp sau khoảng thời gian đóng quỹ nhất định người đóng quỹ không có nhu cầu mua nhà ở xã hội nữa sẽ được trả lại khi nghỉ hưu với lãi suất bù trượt giá là từ 3-5%.


Tuy nhiên, việc lập quỹ tiết kiệm nhà ở cũng đã vấp phải không ít băn khoăn về tính khả thi. Ông Nguyễn Huy Tưởng, Giám đốc Trung tâm địa ốc Huy Phát (Hà Nội) cho rằng: "Giá nhà đất tại Việt Nam quá cao. Nhất là Hà Nội với mức giá cao nhất nước. Dù giá nhà như hiện nay đang trong thời điểm thấp điểm của bất động sản và giá đã "down" xuống khá nhiều nhưng vẫn quá xa với phần lớn người có nhu cầu mua nhà. Trong khi đó, tiền lương của người dân Việt Nam nói chung vẫn thấp. Với mức giá nhà như vậy thì tất cả lương của dân công chức góp lại trong 10 năm còn khó mua được nhà chứ không nói đến việc trích phần trăm của tiền lương để mua nhà". Theo phép tính này thì 10 năm không ăn tiêu, công chức, viên chức cũng chẳng thể mua được nhà!


Ông Nguyễn Ngọc Anh, Trợ lý Giám đốc Siêu thị địa ốc Window cũng cho rằng: "Trong năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án thành lập một quỹ tín dụng nhà dưới hình thức một tổ chức phi lợi nhuận, được đóng góp tình nguyện từ lương tháng của các thành viên. Theo đó, những người lao động cần nhà ở xã hội tham gia vào quỹ bằng cách đóng 1% thu nhập hàng tháng. Sau khi được thành lập, quỹ sẽ vay ưu tiên với các thành viên của quỹ và các công ty xây dựng tham gia vào chương trình phát triển nhà ở xã hội". Thế nhưng, ông Ngọc Anh cũng cho rằng, theo kinh nghiệm ở Hàn Quốc, Singapore thì người tham gia quỹ tiết kiệm nhà ở dù đóng tới 7% lương hàng tháng (Việt Nam chỉ 1% lương/tháng) nhưng vẫn phải đợi từ ít nhất 12 - 15 năm. Nếu vậy, người thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở xã hội ở Việt Nam phải đợi nhiều chục năm mới có nhà để ở là điều chắc chắn.

Quỹ tiết kiệm nhà ở: Chục năm cũng khó có nhà

Giá nhà hiện nay quá cao so với đồng lương của một công chức. Ảnh: Chí Cường

Không mua cũng phải… nộp?


"Mức lương của công chức, viên chức nước ta hiện phổ biến khoảng 4 triệu đồng/tháng. 10 năm lương là 480 triệu đồng vẫn không đủ tiền để mua một căn nhà ở xã hội khoảng 50m2. Theo đó, nếu trích phần trăm tiền lương để nộp vào quỹ tiết kiệm nhà ở thì phải mất bao nhiêu năm người có nhu cầu mua nhà mới có thể mua được căn nhà cho mình?"

Ông Nguyễn Huy Tưởng,
Giám đốc Trung tâm địa ốc
Huy Phát
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: "Quỹ tiết kiệm nhà ở dù chỉ trích 1% thu nhập của người lao động nhưng vẫn có tính khả thi nếu huy động cả xã hội nhập cuộc. Bất kể thành phần kinh tế nào, có nhà hay không đều phải gửi vào quỹ tiết kiệm nhà ở. 1% con số không đáng là bao, nếu một người đi làm với mức lương khoảng 3 - 5 triệu đồng /tháng thì chỉ phải nộp 30.000 - 50.000 đồng.

Nếu cả xã hội chung sức thì con số 1% của mỗi thu nhập cộng lại sau khoảng 5-10 năm sẽ là con số khổng lồ, những ai chưa có nhà sẽ được vay. Đồng thời cũng có thể cho doanh nghiệp vay để xây nhà và cho người dân vay để mua nhà. Cũng theo ông Nam thì mục đích hoạt động của quỹ không mang tính thương mại mà mang tính xã hội, phục vụ riêng cho bất động sản. Theo đó, chắc chắn mục tiêu tốt đẹp trong việc giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở này sẽ giúp đỡ cho nhiều người có nhà ở.

Về quan điểm nói trên của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, nhiều ý kiến cho rằng "không ổn". Bởi, vấn đề đặt ra là Quỹ tiết kiệm nhà ở không phải là một Quỹ từ thiện, liệu có thể buộc người không có nhu cầu mua nhà cũng phải trích 1% lương hàng tháng để nộp không? Điều này chắc chắn là rất khó!


Theo ông Tống Văn Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, tại khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300.000 - 400.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ giúp cho người nghèo, những người có thu nhập thấp tăng cơ hội được mua nhà. Nhưng để quỹ có tính khả thi cao, ngoài sự chung sức của cả xã hội cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xây dựng Quy chế quản lý quỹ, tham khảo ý kiến chuyên gia, người dân để có cách thức hoạt động hiệu quả. Khi quy chế được thông qua, sẽ công bố rộng rãi để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả giám sát sử dụng quỹ. Quỹ nên được thiết lập ở cấp địa phương để có sự phân bổ hợp lý nhất ở mỗi tỉnh. Đồng thời, quỹ tiết kiệm nhà cần phát triển đồng thời với các chương trình nhà ở xã hội để giúp cho những người có thu nhập thấp có cơ hội mua nhà.

Theo Mai Hạnh (Gia đình)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.