Vì sao phải điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô?
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có tờ trình gửi HĐND tỉnh về việc thông qua đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05/01/2006, bao gồm thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; có diện tích đất tự nhiên là 27.108 ha.
Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2008 và phê duyệt điều chỉnh cục bộ vào năm 2019.
Theo đó, tính chất phát triển của Khu kinh tế được xác định là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hoá trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.
Đến nay, tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã thu hút và triển khai nhiều dự án có quy mô lớn như Laguna Lăng Cô, Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế; các bến cảng tại Khu bến Chân Mây,.. với tổng số vốn đăng ký khoảng gần 4 tỷ USD.
Khu kinh tế là trọng điểm khu hút đầu tư phát triển của tỉnh, đồng thời được xác định là động lực quan trọng để góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ở giai đoạn đến năm 2025.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, sau hơn 15 năm tổ chức thực hiện theo đồ án quy hoạch chung, cần rà soát lại tổng thể toàn bộ các vấn đề liên quan đến định hướng phát triển, phân khu chức năng, khả năng tác động của các dự án đầu tư đã có với các khu vực chưa triển khai xây dựng để có cơ sở xem xét toàn diện các nội dung ở thời kỳ quy hoạch tiếp theo phù hợp với bối cảnh mới. Hiện nay, đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô chỉ dự báo đến năm 2025, đã gần hết thời hạn quy hoạch.
Bên cạnh đó, thời gian qua, đã có những thay đổi về chủ trương chính sách từ cấp trên nên cần thiết phải cập nhật, có quy hoạch phù hợp trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
UBND tỉnh đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng đô thị trực thuộc Trung ương.
Các quy hoạch này xác định tầm nhìn phát triển giai đoạn mới cho Tỉnh, trong đó bao gồm cực tăng trưởng quan trọng là Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Như vậy, Khu kinh tế cũng cần có các nghiên cứu thích hợp làm cơ sở để cập nhật vào Quy hoạch chiến lược đang thực hiện, đồng thời cụ thể các chủ trương phát triển của Tỉnh vào đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện theo đồ án quy hoạch chung hiện hành đã có một số bất cập nảy sinh so với thực tiễn. Từ thực tiễn nói trên, UBND tỉnh đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045.
Một dự án đang triển khai đầu tư xây dựng. Ảnh: Lưu Bang
Mở ra không gian phát triển mới
Theo đề xuất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045 có diện tích 27.108ha.
Về tính chất, đây là đầu mối giao thông quốc gia và quốc tế, cửa ngõ ra biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang Đông - Tây.
Đây cũng là một trong những trung tâm giao thương lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tổng hợp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước; là khu vực được ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao, hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực.
Đây cũng là đô thị đạt tiêu chí đô thị loại III, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng thông minh, bền vững trên hành lang phát triển kết nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng; là địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.
Về nhu cầu đất đai, dự báo đến năm 2035, quy mô đất xây dựng khoảng 6.500 - 8.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 1.200 – 1.500 ha với chỉ tiêu khoảng 90-100m2/người. Dự báo đến năm 2045, quy mô đất xây dựng khoảng 10.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 1.500 – 2.000 ha với chỉ tiêu 80 – 100 m2/người.
Tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết các định hướng cho phân vùng phía Chân Mây.
Trong đó, khu vực cảng Chân Mây (Cảng tổng hợp loại 1): Là không gian cảng nước sâu, không gian dịch vụ hậu cảng, công nghiệp gắn với hoạt động cảng biển, khu vực cửa ngõ đường biển cho du khách và các hàng hóa đặc biệt; đề xuất mở rộng cảng Chân Mây về phía Tây thêm khoảng 900 – 1.000m, diện tích khu cảng dự kiến sau điều chỉnh khoảng 1.150 ha, phù hợp với Quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế do Bộ Giao thông vận tải thực hiện, đáp ứng quy mô tàu 150.000 – 200.000 tấn, công suất cảng 50 – 70 triệu tấn.
Khu vực Khu công nghiệp Chân Mây: Định hướng mô hình công nghiệp tổng hợp, công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp năng lượng…; bổ sung chức năng công nghiệp luyện kim (thép sạch) và chế biến sâu sản phẩm luyện kim. Chuyển đổi đất quy hoạch khu phi thuế quan và đất quy hoạch khu đào tạo thành đất công nghiệp; mở rộng khu vực phát triển đất công nghiệp sang khu vực cây xanh ven sông Thừa Lưu, ven núi Phú Gia và các khu vực khác có điều kiện thuận lợi để khai thác quỹ đất.
Khu vực đô thị Chân Mây: Định hướng là khu đô thị đa năng, đô thị thông minh, có chức năng bổ sung về khu nghiên cứu và dịch vụ, triển lãm, hội nghị, dịch vụ cho khu vực sản xuất… Khai thác hiệu quả các quỹ đất có địa hình phẳng, không ảnh hưởng bởi ngập lũ, sạt lở để tiếp tục phát triển đô thị.
Cập nhật tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đi qua khu vực đô thị Chân Mây, trong đó có bố trí nhà ga kết hợp với TOD tại khu vực trung tâm của đô thị Chân Mây để khai thác quỹ đất. Đề xuất giữ lại một phần và tổ chức cải tạo chỉnh trang các khu dân cư có mật độ cao tại các xã Lộc Tiến (thôn Phước Lộc, Phước An, Trung Kiền,…) xã Lộc Thủy (thôn Phú Cường Xuyên, Phước Hưng,…).
Khu vực ven biển từ Cảnh Dương đến mũi Chân Mây Tây: Định hướng chức năng phát triển du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái, giải trí, casino, khu thể thao, khu vực du lịch cộng đồng kết hợp nhà ở đô thị. Di dời khu vực trung tâm xã Lộc Vĩnh để phát triển cảng Chân Mây, ưu tiên việc xem xét sắp xếp lại dân cư tại khu vực Cảnh Dương để ổn định đời sống dân cư.
Khu phía Nam đường quốc lộ 1A (xã Lộc Tiến, xã Lộc Thủy): Phát triển khu công nghiệp đa ngành, kỹ thuật cao, chế biến kim loại,... Đề xuất giữ lại một phần, cải tạo chỉnh trang các khu dân cư có mật độ cao như An Bàng, Thủy Cam, Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Hạ, Thủy Tụ,… kết hợp xen ghép và bố trí các thiết chế hạ tầng xã hội phục vụ hoạt động đô thị.
Tờ trình nói trên cũng cho biết các định hướng cho phân vùng phía Lăng Cô.
Trong đó, khu du lịch Lăng Cô: Kết nối với không gian đầm Lập An để trở thành các phân vùng du lịch hỗn hợp cao cấp và khu vực phục vụ cộng đồng; phát triển các khu vực mang tính điểm nhấn với các khu hỗn hợp cao tầng để kết hợp với dịch vụ và văn phòng, tạo việc làm mới chất lượng cao.
Thị trấn Lăng Cô: Định hướng cải tạo chỉnh trang, phát triển du lịch cộng đồng, văn hóa lễ hội, ẩm thực gắn kết với đầm Lập An. Tiếp tục phát triển khu vực Hói Mít, Hói Dừa, khu vực Bãi Chuối, Bãi Cả để hình thành thêm các khu vực dân cư và nghỉ dưỡng cao cấp.
Đầm Lập An: Phát triển trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, ẩm thực trên cơ sở khai thác lợi thế mặt nước của đầm Lập An; khai thác các điểm có địa hình thuận lợi, các bãi nổi để hình thành các tiểu khu với chức năng du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí.
-
Quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Thừa Thiên Huế
Hiện nay, việc tách thửa, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được thực hiện theo Quyết định 49/2021/QĐ-UBND do UBND tỉnh ban hành ngày 25/8/2021 và được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 45/2022/QĐ-UBND.
-
Hơn 40 triệu USD vốn FDI vào khu vực sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương
Theo thống kê trong năm 2024, TP. Huế đã thu hút được hơn 40 triệu USD vốn đầu tư FDI vào nhiều dự án trên địa bàn. Kể từ năm 2025, TP. Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đây sẽ là động lực để đô thị này thu hút thêm sự quan tâ...
-
Thừa Thiên Huế công bố quy hoạch xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại kết hợp dịch vụ vui chơi thể thao Lộc Bình hơn 300 ha
UBND huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức Công bố Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại kết hợp dịch vụ vui chơi thể thao Lộc Bình.
-
Thừa Thiên Huế quy hoạch mới khu đô thị sinh thái hơn 500 ha nằm ven sông Hương
Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố công khai Quyết định số 1843/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phân khu Khu đô thị sinh thái Thanh Tiên, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.