21/11/2023 5:10 PM
Hiện nay, việc tách thửa, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được thực hiện theo Quyết định 49/2021/QĐ-UBND do UBND tỉnh ban hành ngày 25/8/2021 và được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 45/2022/QĐ-UBND.

Quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa đất tại tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng cho các địa phương trong tỉnh bao gồm thành phố Huế, 2 thị xã Hương Thủy, Hương Trà và 6 huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền.

Diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Thừa Thiên Huế là bao nhiêu?

Diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Thừa Thiên Huế là bao nhiêu? Hình minh họa

Điều kiện tách thửa đất tại Thừa Thiên Huế

Người sử dụng đất tại tỉnh Thừa Thiên Huế có nhu cầu muốn tách thửa quyền sử dụng đất sẽ phải tuân thủ theo quy định tại Điều 5 Quyết định 49/2021/QĐ-UBND:

Điều 5. Điều kiện để tách thửa đất

1. Người sử dụng đất được tách thửa đất khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai.

b) Tách thửa đất để hình thành các thửa đất mới phải đảm bảo quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 171 Luật Đất đai năm 2013.

c) Thửa đất tách thửa phải đảm bảo diện tích, kích thước tối thiểu và các điều kiện cụ thể để tách thửa đối với từng loại đất theo quy định tại Điều 6 Quy định này.

2. Trường hợp tách thửa đất nông nghiệp đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở theo quy định như sau:

a) Thửa đất tách ra để xin chuyển mục đích sử dụng đất phải có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định tại Điều 52 của Luật Đất đai năm 2013.

b) Thửa đất tách ra để chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở thì phải đảm bảo các điều kiện về diện tích tối thiểu, kích thước thửa đất theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Quy định này. Việc chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện theo đúng quy định.

3. Đối với đất nông nghiệp (đất vườn, ao) trong cùng thửa đất có mục đích đất ở tách thửa để chuyển sang đất ở thì thửa đất đó phải bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 Quy định này.

>> Quy định tách thửa đất tại các tỉnh thành mới nhất hiện nay

Diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Thừa Thiên Huế

* Đối với đất ở

Việc tách thửa đất mới hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại phải đảm bảo điều kiện cụ thể theo khoản 1 Điều 6 như sau:

+ Các phường của thành phố Huế: 60m2;

+ Các phường sáp nhập vào thành phố Huế thì diện tích tối thiểu tách thửa là 80m2; còn các xã sáp nhập vào thành phố Huế là 100m2;

+ Các thị trấn thuộc huyện, các phường thuộc thị xã đồng bằng: 100m2;

(Riêng xã Phú Thuận, Phú Hải của huyện Phú Vang; thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền: 80m2)

+ Các xã trung du, miền núi: 150m2

+ Kích thước cạnh của thửa đất: Kích thước cạnh mặt tiền: lớn hơn hoặc bằng 4m theo hướng song song với đường giao thông; Kích thước chiều sâu thửa đất: lớn hơn hoặc bằng 5m.

- Trường hợp thửa đất gốc có kích thước cạnh hai mặt tiền nhỏ hơn 4m và tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu của hai mặt tiền nhưng khi tách thửa có diện tích tối thiểu đảm bảo theo quy định trên và kích thước cạnh hai mặt tiền tiếp giáp đường giao thông không thay đổi thì được tách thửa theo quy định

- Trường hợp tách thửa thành 02 thửa đất, trong đó có 01 thửa đất có cạnh mặt tiền kích thước từ 2,5m đến dưới 4m nhưng phần diện tích bên trong của thửa đất được tách thửa ra đảm bảo diện tích tối thiểu và kích thước cạnh theo quy định trên thì được phép tách thửa. Phần diện tích từ cạnh mặt tiền đó kéo dài vào phái trong thửa đất phải sử dụng làm lối đi và người sử dụng không được xây dựng nhà ở trên phần diện tích này;

- Trường hợp tách thửa thành nhiều thửa đất, trong đó có 01 thửa đất diện tích ít hơn không quá 2m2 so với diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa theo quy định trên;

- Trong việc tách thửa để phân chia tài sản thừa kế, ly hôn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, nếu không bảo đảm điều kiện được tách thửa theo quy định tại Điều 6 này thì không được tách thửa. Việc thoả thuận phân chia giá trị tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật;

- Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất mới không đảm bảo diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo quy định này đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới đảm bảo diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì được phép tách thửa kết hợp với việc hợp thửa

- Trường hợp tách thửa đối với đất ở có phần đất nông nghiệp không liền kề đất ở thuộc quy hoạch đất giao thông, hành tháng bảo vệ mương nước nên không thể chuyển sang đất ở thì thửa đất ở sau khi tách ra đảm bảo diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo quỹ tại Khoản 1, Điều 6 thì được phép tách thửa, phần diện tích quy hoạch giao thông, hành lang bảo vệ mương được tách thửa cùng thửa đất ở nhưng không được thực hiện các giao dịch mà không gắn liền với thửa đất ở đó.

* Đối với đất nông nghiệp

Tách thửa đất mới hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu như sau:

+ Đất trồng cây hàng năm (trừ đất lúa), đất nuôi trồng thuỷ sản:

- Các xã, phường thuộc thành phố Huế: 200m2

- Các thị trấn thuộc huyện và các phường thuộc thị xã: 300m2

- Các xã đồng bằng: 400m2

- Các xã trung du miền núi: 500m2

+ Đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp khác:

- Các xã, phường thuộc thành phố Huế: 40m2;

- Các thị trấn thuộc huyện và các phường thuộc thị xã: 600m2;

- Các xã đồng bằng: 80m2;

- Các xã trung du, miền núi: 1.000m2

+ Đối với đất lâm nghiệp: 5.000m2

Lối đi chung hình thành sau khi tách thửa đất tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo quy định tại Điều 8, Trường hợp tách thửa đất ở có hình thành lối đi chung thì việc tách thửa đất được thực hiện sau khi có bản vẽ tổng thể sơ đồ mặt bằng phân lô được UBND cấp huyện chấp thuận.

UBNDn các huyện, thị xã, thành phố Huế rà soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật: giao thông, thoát nước...; hạ tầng xã hội, căn cứ quy định pháp luật quy hoạch, xây dựng, giao thông và phòng chống cháy nổ để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện hạ tầng kỹ thuật giao thông, thoát nước, môi trường... đảm bảo phù hợp theo quy hoạch, kết nối hạ tầng kỹ thuật giao thông hiện hữu chung của khu vực.

Trường hợp tách thửa đối với thửa đất có diện tích lớn hơn hoặc bằng 5.000m2 thì UBND cấp huyện thực hiện phê duyệt phương án tổng mặt bằng sau khi lấy ý kiến thống nhất của Sở Xây dựng theo quy định.

UBND cấp huyện xác định cụ thể loại đất theo hiện trạng sử dụng vào mục đích mở lối đi chung.

Trình tự, thủ tục tách thửa đất tại tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp; Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK

Bước 2: Nộp hồ sơ: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện.

Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Bước 3: Xử lý hồ sơ

* Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ.

* Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện:

+ Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;

+ Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;

+ Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; gửi Giấy chứng nhận cho Trung tâm Hành chính công để trao cho người sử dụng đất.

+ Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

- Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;

- Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; gửi Giấy chứng nhận cho Trung tâm Hành chính công để trao cho người sử dụng đất.

+ Trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:

- Chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;

- Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp và gửi Giấy chứng nhận cho Trung tâm Hành chính công để trao cho người sử dụng đất.

Thời gian thực hiện tách thửa đất: tối đa là 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ từ người làm thủ tục. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ thì trong thời gian không quá 03 ngày, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người dân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Đối với các xã hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu vùng xa, thời gian tách thửa được tăng thêm 15 ngày.

Lưu ý, chỉ khi có hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì thời gian tách thửa mới bắt đầu được tính.

>> XEM THÊM: Bản đồ quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.