Sáng nay (18/9), UBMTTQ TP.HCM phối hợp cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đã tổ chức hội nghị góp ý đồ án quy hoạch khu Trung tâm hiện hữu TP.HCM. Tham dự có ông Dương Quan Hà- Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM, ông Hồ Quang Toàn- Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cùng các Nhà nghiên cứu, các chuyên gia, Kiến trúc sư đầu ngành. Ông Phạm Văn Hải- Phó chủ tịch UBMTTQ TP.HCM đã chủ trì hội nghị.
Với quy mô khoảng 930 hecta, đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM có liên quan đến các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh - Ảnh: Một góc khu trung tâm TP.HCM bên bờ sông Sài Gòn. Ảnh: K.Huân

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP, Đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM mới, có mục tiêu hoàn thiện quy hoạch chung của toàn TP. Với quy mô khoảng 930 hecta, đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM có liên quan đến các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh, được quy hoạch theo 5 phân khu: Khu Trung tâm thương mại tài chính, Khu Trung tâm văn hóa Lịch sử, khu biệt thự, khu lân cận Trung tâm thương mại tài chính và khu bờ Tây sông Sài Gòn.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến rất thẳng thắn, đầy tâm huyết, có giá trị của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư đầu ngành đối với đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM mà theo nhận định của ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP thì những góp ý đó không chỉ áp dụng cho đồ án này, mà rất hiệu quả đối với những dự án khác.

Đánh giá đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu Tp.HCM, Tiến sĩ Đỗ Thị Loan- Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký hiệp hội bất động sản TP.HCM nhận định: Trong đồ án này thiếu 3 thông số quan trọng là: số dân hiện hữu, số khách vãng lai và số dân thường trú. Nếu không tính rõ cho được 3 thông số này, sẽ không thể tiến hành quy hoạch được. Mặt khác, Tiến sĩ Đỗ Thị Loan cho rằng sự phối hợp giữa các ngành, các đơn vị có liên quan vẫn còn lỏng lẻo, thiếu sự trao đổi, thiếu tranh luận, và cung cấp thiếu thông tin. Nhìn ở góc độ kinh tế, Tiến sĩ Đỗ Thị Loan cho biết:

Còn Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng: cần xác định rõ ranh giới cho khu vực, phần lõi phải bảo tồn, và phần còn lại có thể làm nhà cao tầng. Với phần lõi thì nên phát triển theo hình lòng chảo, giảm độ cao từ từ và xung quanh là cây xanh. Và với khu đô thị mới thì cần tăng dần cây xanh về phía bờ sông. Mặt khác, theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, vấn đề kết nối vô cùng quan trọng. Ông cho rằng, khu Thủ Thiêm chưa phát triển đúng tầm là vì thiếu sự kết nối vững chắc giữa khu quận 1 bờ sông và khu bờ Tây. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh: có một kết nối mà chúng ta không nên bỏ lỡ và đừng quên là kết nối đường Hàm Nghi qua Thủ Thiêm. Ông cho rằng đây là kết nối chiến lược để phát triển Thủ Thiêm. Nếu không phát triển được Thủ thiêm, TP.HCM sẽ thiệt hại rất lớn. Kết nối này nằm trong khả năng chi trả của chúng ta, vừa thực tế, lại kích thích được sự phát triển của Thủ Thiêm ngay lập tức. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn phân tích:

Có thể nói, những đóng góp đối với đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM đã thể hiện được tính chuyên môn cao và tầm nhìn sâu của các chuyên gia đầu ngành. Việc tổ chức lấy ý kiến cũng thể hiện tính dân chủ, quan tâm đến yếu tố dân sinh của đồ án. Và quan trọng là sau hội nghị đã chỉ ra được những điểm trong đồ án mà Sở Quy hoạch Kiến trúc cần xem xét, chỉnh sửa lại.

Theo Lệ Loan (VOH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.