Lần lại vóc dáng xưa của Thủ Đức từ thuở sơ khai và định hình bồi đắp xứ Gia Định – Sài Gòn trong hàng trăm năm lịch sử đã qua, thì nửa quê nửa chợ vốn là “bản sắc” ban đầu của vùng này.
Thăng trầm chia tách và hợp nhất
Đi đâu mà chẳng biết ta
Ta ở Thủ Đức, vốn nhà làm nem…
Nửa chê, nửa chợ, Thủ Đức xưa đã có một thuở nổi danh nghề làm nem, nổi danh “ăn ở lành hiền/đi chợ Thủ Đức” (vè). Đó là vùng được hình thành theo tháng năm và những dấu chân kinh lược mở cõi đất phương Nam của Thống suất, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ban đầu thuộc Đồng Nai và chính thức vào Gia Định tỉnh – Sài Gòn thời Pháp thuộc.
Hơn 150 năm theo lưu truyền, tên Thủ Đức do Tiền hiền Tạ Dương Minh- người có công lớn đối với việc khai khẩn, phát triển vùng và lập ấp Linh Chiểu -đặt cho. Từ ấy tới hôm nay, tên Thủ Đức thăng trầm theo chia tách, hợp nhất cho đến 1/1/2020 mới chính thức ghi danh Thành phố.
Nhiều người nói rằng nếu biết trước có hôm nay, có lẽ Thủ Đức năm 1997 không cần phải trải qua lần chia tách gần nhất. Bởi từ khi Nghị quyết UBTV Quốc hội khóa XVIII có hiệu lực, cả 3 quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 lại đã “châu về hợp phố”.
Nhưng nếu không có những quy hoạch, những chia tách cũ, liệu TP Hồ Chí Minh đã có được sự định hình và phát triển mạnh mẽ của quận 2 như một quận trung tâm tài chính mới, và quận 9 có thể định hình với khu Công nghệ cao; cũng như, Thủ Đức liệu có thể định hình và phát triển trở thành “làng đại học”?
Chia tách để tập trung thực thi các mục tiêu ưu tiên, chính là con đường tạo ra nền tảng cốt lõi của những giá trị Thủ Đức hợp nhất khi lên đời phố…
Khát vọng của thời hướng về thịnh thế
Với 3 lõi trọng tâm, 6 khu trọng điểm trên tổng diện tích 211 km2 và hơn một triệu dân, thành phố Thủ Đức được kỳ vọng đóng góp lớn và dẫn dắt tăng trưởng GDP của đầu tàu kinh tế TP.HCM và cả nước.
Sau lễ khai trương thành phố Thủ Đức vô cùng hoành tráng, chất chứa kỳ vọng, chúng ta trở về trong lòng Thủ Đức với những lo âu ngổn ngang cùng thực tại.
Đó là sự ngổn ngang của các thách thức hạ tầng, đi đầu là hạ tầng giao thông. Tình trạng kẹt xe ô tô hàng tiếng đồng hồ nối dài tại Thủ Đức khi người dân từ TP.HCM đi Biên Hòa Đồng Nai hay Vũng Tàu đều phải đi qua tuyến đại huyết mạch duy nhất này những ngày Tết dương lịch vừa qua, đang và sẽ bài toán hóc búa nhất của câu chuyện kết nối.
Đó cũng là lời cam kết về “sát gần dân” trong mong mỏi rất đời thường: Thủ Đức phải trở thành TP không ngập nước nội thành. Theo lý thuyết và địa lý tự nhiên, vùng nằm ở cửa ngõ Đông Bắc dẫn dắt TP.HCM hướng ra phía biển là vùng cao không ngập nước. Nhưng ngập nước nội khu hiện đang là thực tại, là kết quả của quy hoạch manh mún, của tốc độ đô thị hóa quá mức, của tác động con người dẫn tới biến đổi khí hậu, môi sinh tại Thủ Đức nói riêng và TP.HCM hôm nay…
Một mai, khi Thủ Đức sẽ có nhiều hơn các đại dự án, quản không khéo thì càng chật chội hơn, dân cư đông đúc hơn, sông hồ biến mất nhanh hơn và rác thải nhiều hơn… tính thêm khu vực Thủ Thiêm quận 2 đang mỗi ngày đối mặt triều cường ven sông Sài Gòn, ước vọng đời thường này hy vọng sẽ không mãi chỉ là ước vọng.
Nếu hóa giải được các vấn đề cơ bản, đời thường mà sống còn trên, phép thử năng lực của chính quyền đô thị sẽ có thể đưa Thủ Đức lên tầm Thành phố đáng sống, lên tầm của phố Đông trong lòng phố, nơi bắt buộc phải còn lưu giữ được những giá trị lịch sử lịch sử cũ xưa của vùng đất này hàng trăm năm qua nhưng đồng thời phản chiếu được sự hài lòng, hạnh phúc của người dân – điều sẽ đặt Thủ Đức, hay cả TP.HCM trước áp lực mới của giải quyết quy hoạch sao cho thuận tình, thuận lý, không lặp lại những vết bánh xe hằn cứa vào lòng dân như câu chuyện Thủ Thiêm.
-
Nhà đầu tư “mách nước” khu vực đáng bỏ tiền ngay tại TP.HCM
CafeLand – Theo nhiều nhà đầu tư, huyện Củ Chi và Hóc Môn của TP.HCM với địa thế cao ráo, quỹ đất còn rất lớn và giá mềm hơn hẳn so với các khu vực còn lại sẽ là nơi đáng đầu tư trong năm 2021.
-
Giá vé tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM là bao nhiêu?
Người dân di chuyển trên tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ trả giá vé từ 6.000 – 20.000 đồng tùy theo quảng đường mỗi lượt.
-
Nhà thi đấu nằm trên khu “đất vàng” trung tâm TP.HCM khi nào sẽ khởi công?
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc trên khu đất đắc địa ngay trung tâm TP.HCM nhưng suốt nhiều năm chưa thể khởi công.
-
Con trai cố Chủ tịch DIG nhận hơn 11 triệu cổ phiếu thừa kế, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 12%
Ông Nguyễn Hùng Cường thông báo giao dịch cổ phiếu của Người nội bộ Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG).