Hoài ức phố
Phố cổ Bao Vinh nằm cách trung tâm thành phố Huế chỉ 5km về phía Đông Bắc thuộc địa phận xã Hương Vinh, huyện Hương Trà. Cảng thị Bao Vinh là nơi gặp gỡ giữa hai con sông đào Đông Ba và Bạch Yến, từng là một trong những phố cảng sầm uất và phồn hoa bậc nhất xứ đàng trong thời kỳ trị vị của các chúa Nguyễn.
Những ngôi nhà cổ hiếm hoi còn lại ở Bao Vinh |
Sau khi phố cảng Thanh Hà nằm gần đó dần lụi tàn thì đầu thế kỷ XIX, Bao Vinh nổi lên là nơi tập trung giao thương hết sức sôi động về đường thủy. Tàu lớn thuyền nhỏ từ khắp trong cả nước tấp nập cập bến Bao Vinh buôn bán, trao đổi hàng hóa sản vật. Bao Vinh từng chứng kiến có rất nhiều tàu buôn lớn đến từ Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc…đến buôn bán ở đây.
Đó là cả một quá khứ phát triển phồn vinh và rực rỡ của một trong những cảng thị lớn dưới triều Nguyễn. Mặc dù sau đó do những biến cố lịch sử nên phố cảng Bao Vinh cũng dần mất đi tầm quan trọng và đi vào quên lãng.
Tuy nhiên, quá khứ phát triển giàu có đã để lại một di sản vật chất và phi vật chất quý giá cho nơi này. Đó là dãy phố cổ kéo dài chừng 200m từ cầu Bao Vinh và di sản văn hóa vẫn còn lưu dấu khá đậm nét.
Những ngôi nhà rường cổ kiến trúc kiểu phố chợ rất độc đáo mặt hướng ra bờ sông tấp nập thuyền bè neo đậu từng là niềm tự hào của Bao Vinh. Nhưng giờ đây, trải qua nhiều biến cố lịch sử, thời gian, chiến tranh tàn phá, thiếu sự quan tâm tu sửa, bảo tồn của con người nên chỉ lại vài ngôi nhà cổ còn gìn giữ khá nguyên vẹn. Cùng với đó là quá trình đô thị hóa đã ghóp phần đẩy nhanh sự biến mất của những ngôi nhà cổ có tuổi thọ trên 100 năm.
Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của phố cổ, Ông Nguyễn Văn Bổn, chủ tịch xã Hương Vinh bức xúc cho biết: “Trước đây cả phố cổ Bao Vinh còn trên 40 ngôi nhà cổ nhưng hiện nay chỉ còn lại 5. Mặc dù chúng tôi đã có nhiều kiến nghị với tỉnh và tỉnh đã có quy hoạch cụ thể, nhưng đã nhiều năm nay vẫn không thấy biến chuyển gì, mặc dù các ngôi nhà cổ đã xuống cấp trầm trọng.”
Theo ông Bổn thì vào năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy phố cổ Bao Vinh. Nhưng cho đến tận bây giờ tất cả chỉ tồn tại trên giấy mặc cho số lượng nhà cổ liên tục biến mất một cách chóng mặt. Theo quan sát của chúng tôi hiện nay số lượng nhà cổ ở Bao Vinh còn lại đếm trên đầu ngón tay trước sự bất lực của chính quyền xã và những chủ nhân của các ngôi nhà.
Người dân không có lỗi
Cách đây 10 năm về trước, Bao Vinh từng được đánh giá là một trong những phố cổ có kiến trúc đẹp và còn khá nguyên vẹn không thua gì khi so sánh với phố cổ Hội An. Tuy nhiên, với sự “chậm chạp” và thờ ơ của tỉnh Thừa Thiên Huế thì hiện nay phố cổ Bao Vinh đã gần như hoàn toàn “biến mất”.
Ông Lê Quang Chất, chủ nhân của một ngôi nhà cổ “may mắn” vẫn còn đứng vững trước quá trình đô thị hóa nhanh chóng, ngậm ngùi: “Trước đây phố cổ đẹp lắm, còn rất nhiều ngôi nhà rường cổ kính nhưng bây giờ thì chẳng còn lại gì. Tôi đã nói thẳng với anh Hoa (nguyên giám đốc sở VH-TT-DL Thừa Thiên Huế) rằng bây giờ quan tâm bảo tồn phố cổ thì đã quá trễ, đáng lẽ ra nếu kịp thời làm việc đó cách đây 10 năm thì tình hình của phố cổ Bao Vinh không đến nỗi bi đát như hiện tại.”. Ngôi nhà cổ của ông Lê Quang Chất là công trình nhận được sự hỗ trợ tài chính xây dựng của Thượng viện Pháp.
Không được may mắn như nhà ông Lê Quang Chất, ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Tam đã phá bỏ vì chủ nhân của nó luôn nơm nớp lo sợ bị sụp đổ do đã quá xuống cấp. Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Tam nghẹn ngào cho biết, “Ai mà không đau khổ khi phải phá bỏ một ngôi nhà của tổ tiên để lại. Nhưng biết làm răng được chừ hả chú, nhà thì nghèo quá, không đủ tiền sửa sang, khi nào cũng sợ bị sập nên gia đình phải đành lòng làm rứa thôi.” Và đó cũng không phải lý do của riêng gia đình ông Tam.
Theo ông Nguyễn Văn Bổn, Chủ tịch xã Hương Vinh cho biết thì để sửa chữa, bảo tồn một ngôi nhà cổ tốn cả tỷ đồng, trong khi đó người dân không đủ kinh phí xây dựng nên phải phá dở vì chúng đã quá xuống cấp, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo quan sát của chúng tôi thì trong số những ngôi nhà “được xem” là cổ kính còn lại ở Bao Vinh thì một số đã bị “biến dạng” không còn giữ được nguyên vẹn do người dân đã sửa chữa lại một cách tùy tiện để thích hợp với cuộc sống hiện đại. Có một sự thật mà chúng ta phải chấp nhận là phố cổ Bao Vinh đã “chết”, chỉ còn lại một vài “dấu tích” còn lại của một thời xưa cũ đã qua. Trách nhiệm thuộc về ai?