28/12/2012 8:39 AM
Chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm quyền lợi trực tiếp đến tay nông dân mất đất để họ có kế sinh nhai.

Ngày 27-12, Bộ TN&MT, Ủy ban Kinh tế của QH và Đoàn đại biểu (ĐB) QH TP.HCM đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia trên địa bàn TP về sửa đổi Luật Đất đai (LĐĐ). Tại hội thảo, Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang đồng tình với đề xuất thu hẹp thẩm quyền thu hồi đất theo hướng chỉ cấp tỉnh mới được ban hành quyết định thu hồi đất (thay vì cả cấp huyện như trong dự thảo). Đồng thời, phải quy định chặt chẽ việc cho người nước ngoài thuê đất ở những vùng đặc thù giáp biên giới.

Đề nghị trưng mua quyền sử dụng đất

Theo ĐBQH Lê Trọng Sang, nên quy định trưng mua quyền sử dụng đất (QSDĐ) để việc ban hành bảng giá đất đơn giản hơn, không lấn cấn vướng giá bồi thường cho dân khi thu hồi đất như hiện nay. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển giải trình, do Hiến pháp 1992 vẫn quy định cơ chế thu hồi đất nên sửa LĐĐ lần này cũng vẫn phải theo. Tuy nhiên, việc sửa đổi LĐĐ lần này cùng lúc với việc sửa đổi Hiến pháp nên sẽ có những xem xét, thay đổi phù hợp với Hiến pháp.

Một số ý kiến lo ngại không nên đặt ra vấn đề trưng mua vì điều này gắn liền với quyền sở hữu tài sản trong khi sửa đổi LĐĐ vẫn giữ quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Tuy nhiên, TS Phạm Văn Võ - ĐH Luật TP.HCM cho rằng không nhất thiết phải có quyền sở hữu tư nhân về đất đai thì mới áp dụng trưng mua được. “Chính QSDĐ đã là một loại tài sản đặc biệt có thể giao dịch nên vẫn có thể áp dụng cơ chế trưng mua bình thường như đối với các loại tài sản khác, không hề trái Hiến pháp. Ngay quy định về Nhà nước được ưu tiên nhận chuyển nhượng QSDĐ cũng chính là bản chất của quyền trưng mua QSDĐ” - ông Võ lý giải.

Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang (thứ hai từ trái qua) cùng các chuyên gia trao đổi về thu hồi đất và trưng mua quyền sử dụng đất. Ảnh: BM

“Ngay cả việc bồi thường tài sản trên đất cũng không ổn. Vì nhà ở có quyền sở hữu hợp pháp được Nhà nước công nhận thì khi thu hồi đất vẫn nên trưng mua nhà chứ không thể áp dụng thu hồi, bồi thường” - ông Võ nói thêm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, thực chất việc bồi thường tài sản trên đất cũng phải tính đúng giá trị nên nếu nói áp dụng cơ chế thu hồi, bồi thường hay trưng mua thì bản chất cũng không khác biệt. “Những ý kiến về trưng mua QSDĐ cũng rất xác đáng, cần nghiên cứu xem xét thêm” - ông Quang nói.

Chống đầu cơ đất nông nghiệp

TS Trần Du Lịch - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng do quản lý yếu kém, đầu cơ tràn lan đã đẩy giá đất lên quá cao rồi sa lầy trong việc đi tìm giá đất thị trường để bồi thường. Theo TS Lịch, để chống đầu cơ đất nông nghiệp, không nên bồi thường theo khái niệm “phù hợp với giá thị trường”, cũng không bồi thường kiểu “tiền trao, cháo múc” đứt đoạn mà phải bồi thường đảm bảo quyền lợi tương xứng, đi kèm các chính sách nhà ở, việc làm, học tập... cho người mất đất. Khoản tiền bồi thường có thể ước tính trị giá bằng vài chục năm huê lợi từ đất. Cũng có khi khoản tiền bồi thường nhận được chỉ là gói nhỏ trong tổng quyền lợi mà người bị thu hồi đất được hưởng tiếp theo về nhà ở, việc làm, nuôi con ăn học…

“Chính sách hỗ trợ phải bảo đảm quyền lợi trực tiếp đến tay nông dân sử dụng đất để họ an sinh. Như vậy sẽ dẹp được tình trạng mua gom đất nông nghiệp chờ bồi thường bởi khi đó, người đầu cơ nhận bồi thường huê lợi từ đất không nhiều mà cũng không hưởng được các chính sách hỗ trợ liên quan” - ông Lịch nói.

Từng nhiều năm làm công tác bồi thường, thu hồi đất tại hai quận “nóng” (quận 2 và quận 9), ĐB Lê Trọng Sang cho rằng luật quy định mọi nguyên tắc thu hồi đất cũng không qua nguyên tắc “phải đảm bảo sinh kế cho người bị thu hồi đất”. Bởi trên thực tế, không có người dân nào chống lại chuyện thu hồi đất, chống lại việc đầu tư, chống lại Nhà nước mà chủ yếu là bất đồng về quyền lợi của họ. “Có nhiều nơi tái định cư cho bà con tốt hơn nhưng thực tế chỉ có khoảng 30% dân tái định cư chính gốc cư ngụ, còn phần lớn đã ra đi vì thiếu sinh kế” - ông Sang cho hay.

Một số ý kiến cũng tán thành việc bổ sung quy định: Khi mở rộng công trình hạ tầng, chỉnh trang đô thị sẽ tổ chức thu hồi phần diện tích đất bên cạnh công trình, vùng phụ cận để đấu giá, tạo vốn xây dựng công trình và hỗ trợ người có đất bị thu hồi. Điều này sẽ khắc phục việc hưởng lợi bất ngờ từ dự án, phát sinh tiêu cực trong việc mở đường, xây dựng hạ tầng.

Năm vấn đề lớn được tiếp thu, sửa đổi

Ông Nguyễn Mạnh Hiển - Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết so với dự thảo LĐĐ đã trình QH tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11-2012) và sau phiên họp Thường vụ QH vừa qua, có năm vấn đề lớn đã được tiếp thu, dự kiến sửa đổi, bổ sung về: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai và giá đất; giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Trong đó có những điểm mới đáng chú ý:

Lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Đối với diện tích đất nằm trong kế hoạch thu hồi đất mà sau ba năm không thực hiện được thì phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi phần đất này. Nếu không công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đó sẽ bị xử lý theo pháp luật. Người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền đối với diện tích đất này.

Bỏ diện thu hồi đất để thực hiện dự án ODA. Cụ thể, những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội được thu hẹp lại theo hướng bỏ trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án ODA. Bổ sung quy định về các trường hợp cưỡng chế thu hồi đất, điều kiện cưỡng chế, thời điểm cưỡng chế và giao cho Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cưỡng chế để thực hiện thống nhất trên cả nước.

Trích 50% nguồn thu cho Quỹ phát triển quỹ đất. Theo đó, bổ sung quy định hằng năm, UBND cấp tỉnh trích từ 50% trở lên nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và huy động từ các nguồn vốn khác để bổ sung vào Quỹ phát triển quỹ đất nhằm chủ động nguồn vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất tạo quỹ đất sạch để đấu giá.

  • Thị trường bất động sản Hà Nội còn bất cập

    Thị trường bất động sản Hà Nội còn bất cập

    Thị trường bất động sản, xây dựng Hà Nội luôn nóng bỏng, kể cả ở giai đoạn trầm lắng hay sôi động. Lúc thị trường sôi động, giới đầu cơ thao túng, lũng đoạn tạo nên cơn sốt giả tạo.

  • Kiều hối sẽ là cứu cánh cho bất động sản?

    Kiều hối sẽ là cứu cánh cho bất động sản?

    Trong lúc chờ có những nguồn vốn giải cứu cụ thể từ Nhà nước, các chủ đầu tư đang quay sang nhắm đến lượng kiều hối đổ về cuối năm và xem như đó là giải pháp hiện hữu nhất trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

  • Giá nhà lại đua nhau giảm

    Giá nhà lại đua nhau giảm

    Giáp Tết, trong khi lương thực, thực phẩm rục rịch tăng giá, thị trường bất động sản lại diễn biến ngược lại. Hàng loạt chủ đầu tư công bố giảm giá căn hộ để thu hút những khách hàng tiềm năng cuối cùng trước khi bước vào mùa lễ hội 2013.

Theo Bình Minh (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.