Căn hộ mặt phố đang đua nhau hạ giá để hút khách trước khi nghỉ Tết
Chiều 27-12, Công ty CP đầu tư dầu khí toàn cầu (GP Invest) đã công bố chính sách giá bán chung cư Nam Đô Complex. Dù có vị trí khá đắc địa ngay mặt phố Trương Định (quận Hoàng Mai), giá mới công bố chỉ còn 20,6 triệu đồng/m2 (chưa có VAT và phí bảo trì 2%) đối với căn hộ hoàn thiện 100% và 20 triệu đồng/m2 đối với căn hoàn thiện từng phần. Mức giá mới giảm gần 10% so với giá cũ (22 triệu đồng/m2). Chủ đầu tư tuyên bố có 150 căn hộ đã được bán với giá nói trên trong đợt này. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng Giám đốc GP Invest, khách hàng đã mua nhà trước đó cũng được hưởng chính sách giá mới. Tùy từng đối tượng, mức giảm trừ sẽ từ 1,5 – 2,1 triệu đồng/m2. Khách còn được hỗ trợ vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Với 863 căn hộ, dự án tới nay đã bán được gần 60%. Cam kết tiến độ và chất lượng công trình không có bất cứ thay đổi nào dù giá đã giảm, ông Nguyễn Quốc Hiệp nói: “Nếu không đúng hẹn, chúng tôi sẵn sàng chịu phạt. Khách hàng rất nghiêm chỉnh và tất nhiên, chúng tôi cũng vậy...”.
Cách đó không xa, dự án Trung tâm thương mại chợ Mơ (mặt phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) cũng vừa giảm giá bán trên 10%. Cụ thể, giá bán mới chỉ còn 25 triệu đồng/m2 (giá bán trước đây là 28 triệu đồng/m2). Ông Vũ Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển thương mại Vinaconex – chủ đầu tư dự án - cho biết, các khách hàng đã mua căn hộ trong những đợt trước đều được điều chỉnh giá về mức 25 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư còn khuyến mại thêm cho khách hàng một chỗ đỗ xe vĩnh viễn tại tầng hầm.
Trước đó, vào giữa tháng 12-2012, Công ty CP Coma 18, chủ đầu tư dự án tòa nhà Westa, mặt phố Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông) cũng niêm yết giá bán mới chỉ còn 16,7 - 19,5 triệu đồng/m2. Giá này đã bao gồm thuế VAT và 2% phí bảo trì. Người mua nhà cũng được hỗ trợ cho vay tới 70% giá trị căn hộ.
Khác với giai đoạn kinh doanh thời “bùng nổ” trước đây, không chỉ giảm giá, khuyến mãi đặc biệt, các dự án căn hộ ngày nay đều đã ở giai đoạn sắp hoàn thiện. Đa số cam kết bàn giao nhà trong năm 2013. Như vậy, thay vì phải chờ đợi 36-42 tháng kể từ ngày “xuống” tiền (gần như 100% các dự án phát triển nhà ở trước đây đều huy động vốn từ lúc bắt đầu đào móng), lúc này, khách hàng chỉ mất từ 3-6 tháng là đã được “chìa khóa trao tay”, dọn về ở tại căn hộ mới. Với các dự án này, người mua không còn nỗi lo mua phải dự án “ma” hay dự án “treo” bởi căn hộ thực tế đã hiện hữu, chỉ còn chờ giai đoạn hoàn thiện.
Nên mua hay chưa?
Dự báo về tình hình thị trường lúc này, không chuyên gia nào đưa ra nhận định chắc chắn. Người thì nói giá đã giảm tới đáy, có tiền thì nên đầu tư ngay. Người khác lại bảo giá có thể sẽ giảm thêm chút nữa và đây chưa phải lúc thích hợp để mua nhà. Tuy nhiên, có một thực tế là Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, các ngân hàng đang khẩn trương vào cuộc để cứu bất động sản. Nhiều giải pháp về chính sách vĩ mô, mở rộng đối tượng mua nhà, ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục đầu tư và đặc biệt là gói tín dụng 20-40 nghìn tỷ đồng... có thể sẽ có hiệu lực trong ít ngày tới, khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Cũng không mấy tự tin khi dự báo xu hướng thị trường, song ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng Giám đốc GP Invest cho rằng, bất động sản giờ đã ở đáy nên Chính phủ mới phải ra tay cứu với những giải pháp ngắn hạn cũng như lâu dài. Cứu bất động sản lúc này cũng là vực dậy nền kinh tế bởi có tới hàng trăm ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất với hàng triệu nhân công đang gắn chặt với bất động sản. Ông tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan hữu quan, sẽ có lực đẩy mới đối với thị trường bất động sản.
Tuy vậy, các nhà quản lý và doanh nghiệp đều thống nhất với nhau rằng, lực cản lớn nhất của bất động sản hiện nay là khủng hoảng niềm tin. Nút thắt vốn tín dụng có thể thoáng hơn khi Ngân hàng Nhà nước “ấn nút”, tung ra các gói tín dụng lớn. Song, niềm tin không thể dễ dàng lấy lại chỉ bằng một văn bản hành chính. Nói như Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: “Vấn đề đầu tiên cần tháo gỡ là tâm lý. Nếu không tạo ra niềm tin thì người mua nhà sẽ tiếp tục chờ đợi...”.
UBND TP Hà Nội vừa có đề xuất chuyển 3.500 căn hộ chung cư và 2.000 căn thấp tầng diện tích từ 60 đến 90m2 cho quỹ nhà tái định cư (TĐC) của thành phố giai đoạn 2013-2015. Quỹ nhà đất này sẽ lấy từ quỹ nhà 30% và 50% của các dự án khu đô thị, khu nhà ở. Chi phí mua nhà TĐC được ứng từ kinh phí GPMB các dự án. Để cơ cấu căn hộ phù hợp hơn với nhu cầu khả năng tài chính của đối tượng TĐC, với các dự án đang xây dựng, thành phố cho phép rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu diện tích các căn hộ lớn hơn 90m2. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến năm 2015, nhu cầu nhà TĐC của Hà Nội ước 25.000 căn hộ. Trong khi đó, TP chỉ có khả năng cân đối 14.000 căn. Như vậy, sẽ thiếu khoảng 11.000 căn hộ. Riêng năm 2013, TP cần khoảng 6.600 căn, nhưng mới bố trí được 3.500 căn.