Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ là một trong các nội dung chính được bàn thảo tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ diễn ra trong hai ngày 25 và 26/9/2013. Đây được coi là bước đệm quan trọng để có thể thông qua Dự án Luật tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội dự kiến sẽ bắt đầu từ 21/10 tới đây. Bởi vì ở kỳ họp Quối hội thứ 5 diễn ra hồi giữa năm nay, chỉ trước giờ biểu quyết khoảng hai ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu về phương án lùi thời điểm nhấn nút đến kỳ họp sau và nhận được sự đồng thuận của đa số.
Vậy xung quanh Dự án Luật này còn những điểm gì cần phải bàn luận thêm? Phóng viên VOV online có cuộc phỏng vấn ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
PV: Thưa ông, Dự án Luật Đất đai sửa đổi lần này đang không chỉ được Quốc hội đặc biệt quan tâm mà dư luận rộng rãi cũng bàn thảo nhiều. Theo ông, Luật Đất đai sửa đổi này cần nhằm vào những nội dung cơ bản nào để giải quyết những bất cập về đất đai hiện nay?
Ông Vũ Mão |
Ông Vũ Mão: Đúng là vấn đề về đất đai đang là vấn đề vô cùng quan trọng. Thực tế, cách quản lý về đất đai của chúng ta cũng chưa ổn và nội dung của Luất Đất đai hiện có nhiều điểm chưa ổn. Nó đang không đáp ứng được cuộc sống, thậm chí “chọi” lại cuộc sống, đó là vấn đề rất nghiêm trọng. Vì Luật Đất đai sát thực với cuộc sống nhân dân, nên mọi người vừa kỳ vọng, vừa đòi hỏi ở nó. Với thực tiễn hiện nay, Luật Đất đai có nhiều vấn đề cần phải sửa cho phù hợp.
Tôi rất mừng vì kỳ họp vừa qua của Quốc hội, theo chương trình đã thông qua Luật Đất đai nhưng vì chuẩn bị chưa kỹ nên đã hoãn chưa thông qua, để nghiên cứu và thảo luận thêm cho chắc chắn. Quan điểm đó, cách làm đó, tôi hoàn toàn đồng tình.
Giờ theo tôi, chúng ta phải kiểm điểm nghiêm túc về những bất cập của Luật Đất đai hiện nay cả về quan điểm thế nào, chính sách pháp luật thế nào, tổ chức thực hiện luật thế nào?
Về những bất cập, theo tôi thấy cơ bản nhất là quan điểm về đất đai. Hiến pháp của nước ta quy định đất đai là sở hữu của toàn dân. Nhưng khi cụ thể hóa vào Luật Đất đai, tinh thần này lại khác đi. Tức là quan điểm, nhận thức về đất đai còn khác nhau. Giữa mong muốn, quan điểm, những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống và lòng dân chưa hòa quyện, đáp ứng với nhau.
Thứ hai, bất cập về nội dung trong Luật Đất đai, còn nhiều điểm chưa ổn. Cách tổ chức quản lý Nhà nước về đất đai cũng chưa ổn. Rồi đạo đức của những người làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai có vấn đề, họ lợi dụng kẽ hở pháp luật để khai thác kiếm lợi cho mình. Nó thể hiện lòng tham mà thực chất là tham nhũng. Có Luật nhưng công tác giám sát rất yếu, chưa đúng tầm nên đã làm cho dân bức xúc, dẫn đến việc dân khiếu kiện nhiều. Đến mức, khiếu kiện về đất đai chiếm tới 70% các vụ khiếu kiện. Từ đó có vô vàn hành động sai trái nảy sinh.
PV: Theo ông, trong Luật Đất đai sửa đổi lần này cần phải làm gì để khắc phục tình trạng đó?
Ông Vũ Mão: Chúng ta phải thống nhất về quan điểm và nội dung là đưa Luật Đất đai vào phục vụ cho công tác quản lý. Nếu Hiến pháp sửa đổi tới đây vẫn giữ quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân và trong Luật cũng quy định quyền như vậy. Theo tôi, phải thảo luận thật kỹ để thống nhất về quan điểm để có nhận thức chung và sự đồng tình, đồng thuận của nhân dân.
Thêm nữa, khâu tổ chức bộ máy để quản lý đất đai hiện nay chưa ổn. Trước đây, toàn bộ đất đai do Tổng cục Địa chính phụ trách, cách này tương đối chấp nhận được. Nhưng sau đó, thành lập Bộ Tài nguyên - Môi trường để quản lý. Bộ này quản lý tất cả tài nguyên thì làm sao mà quản lý được. Theo tôi, về mặt tổ chức hiện nay không hợp lý. Tôi kiến nghị nên tách bộ phận về đất đai từ Bộ Tài nguyên – Môi trường ra thành Bộ Địa chính (hoặc Bộ Đất đai). Nếu Bộ này làm tốt thì rất tốt cho dân tộc.
Còn nếu sửa Luật tốt, nhưng bộ máy thực thi không chuyên sâu, không chuyên nghiệp thì cũng không tốt.
Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng, tình trạng thực thi luật pháp về đất đai còn rất lộn xộn. Ví dụ, các nước về cơ bản họ công nhận đất đai là đa sở hữu, có sở hữu của nhà nước và tư nhân. Nhưng họ quản lý rất rõ, khi Nhà nước cần thu hồi, đã có chính sách rõ ràng cứ thế mà thực thi. Còn ở Việt Nam nói đất đai là sở hữu của toàn dân, nhưng thực chất đã giao cho người dân sử dụng. Khi thu hồi thì đền bù theo sở hữu tư nhân, nhưng nhận thức lại vẫn là sở hữu của nhà nước. Tức là nó không nhất quán.
PV: Trong thực tiễn cuộc sống, nhiều tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến công tác thu hồi đất và đền bù rất phổ biến. Nguyên nhân một phần được cho là do giá đền bù chưa hợp lý, nhưng cũng phần vì sự công bằng trong thu hồi và đền bù chưa đảm bảo. Theo ông, làm sao để làm tốt công tác thu hồi đất và đền bù?
Ông Vũ Mão: Đúng là còn có sự chưa hợp lý như thế. Theo tôi, nguyên nhân vì chính sách về đền bù chưa nhất quán. Ví dụ, cùng loại đất nhưng ở địa phương này đền bù khác địa phương kia, nên tạo ra cho họ sự so bì. Thậm chí, cùng khu đất nhưng vì chỉ giới hành chính phân cách hai bên mà bên này đền bù rất cao, bên kia lại rất thấp.
Quan trọng hơn nữa, khi đất đai bị thu hồi, người dân được đền bù một khoản tiền vài trăm triệu. Họ nghĩ nó lớn, sẵn tiền nên họ đã xây nhà, mua xe hết. Nhưng lỗi là do chính sách của chúng ta chưa tốt. Đáng ra, khi thu hồi đất đai, chúng ta phải tạo công ăn việc làm cho người dân. Đền bù hợp lý, ngoài tiền thì cần có hướng nghiệp, tạo công ăn việc làm cho họ. Hướng dẫn họ sản xuất thì phải tiêu thụ sản phẩm cho họ. Điều này cần một chính sách đồng bộ chứ không phải cứ đền bù một khoản tiền rồi để người dân muốn làm gì thì làm. Đó không phải là cách làm có hiệu quả lâu dài.
Thực trạng này chính là hệ quả của quản lý nhà nước còn mỏng, chưa nhất quán. Chính điều này cũng là sự gây khó dễ cho chính công tác quản lý, dẫn đến lộn xộn. Cho nên, việc xây dựng để thông qua Luật Đất đai sửa đổi là phải lập lại trật tự trong quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng lại nhận thức, quan điểm và ứng xử với đất đai của nhân dân.
Tuy nhiên, cũng phải nói thẳng là con người lòng tham vô đáy nên khi có đất bị thu hồi, họ cố đòi đền bù được càng nhiều càng tốt, mà Nhà nước thì tiền của có hạn.
PV: Vẫn biết là khó phủ nhận cái “lòng tham” như ông nói. Nhưng vẫn có không ít người dân sẵn sàng hiến đất, kể cả “đất vàng”. Ông nghĩ vì sao?
Ông Vũ Mão: Người dân vẫn có tấm lòng rất cao cả. Trong chiến tranh, nhân dân hết lòng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời bình, có nhiều nơi, người dân vẫn có tấm lòng như vậy và báo chí cũng biểu dương nhiều, điều đó rất tốt. Nhưng nếu chỉ biểu dương trên báo chí không người ta cảm thấy thiệt.
Theo tôi, pháp luật phải công bằng, tạo điều kiện cho người dân thực thi pháp luật và vì một xã hội công bằng. Nhưng thực tế trong thu hồi đất và đền bù chưa công bằng.
Khi có Luật Đất đai rồi, cái quan trọng là vai trò quản lý của Nhà nước. Đó là phải nâng tầm đạo đức, trách nhiệm, năng lực của cán bộ, mặt khác cán bộ cũng phải tổ chức thực hiện đúng chức năng và sâu sát vào công việc. Đồng thời, phải chú ý đến vai trò của Quốc hội trong giám sát thực thi Luật. Vì hiện nay vai trò giám sát của Quốc hội còn yếu.
Rõ ràng, từ đây nhìn lại, tầm vĩ mô của chúng ta là yếu. Cho nên tôi thấy tầm quản lý vĩ mô của chúng ta là yếu. Chúng ta phải kiểm điểm một cách toàn diện.
PV: Quốc hội lại sắp bàn về Luật Đất đai sửa đổi, và có thể sẽ thông qua lần này. Theo ông, chúng ta kỳ vọng gì ở Luật Đất đai sửa đổi này?
Ông Vũ Mão: Chúng ta nên lắng nghe nhân dân nhiều hơn. Theo tôi, chúng ta chưa vội thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp Quốc hội kỳ tới mà hãy rà soát lại một lần nữa và lắng nghe nhân dân, lấy ý kiến của nhân dân nhiều hơn. Nhân dân sẽ cho chúng ta những ý kiến sát thực tiễn hơn.
Tôi mong muốn các cấp chính quyền hãy lắng nghe nhân dân. Nên có một cuộc trưng cầu ý dân về một số ý kiến quan trọng của Luật Đất đai sửa đổi. Tôi kỳ vọng về cách thức làm như thế.