Theo mô hình Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp vừa trình Chính phủ, hộ nghèo có thể vay để mua, thuê mua nhà. Doanh nghiệp trong nước cũng được quyền vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Cá nhân, hộ gia đình tham gia phải đóng vào quỹ ít nhất khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua nhà ở xã với mức tối thiểu trong thời gian 5 năm. Mức tiền được vay thêm tối đa bằng 2 lần tổng số tiền đã đóng vào quỹ. Thời gian trả nợ trong vòng 15 năm với mức lãi suất cho vay trong khoảng 6,5-8,5%.
Mấu chốt vấn đề là phải đưa Quỹ tiết kiệm nhà ở minh bạch. Ảnh: Hoàng Lan.
Sau hai năm "thai nghén", chỉnh sửa, Bộ Xây dựng mới trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quỹ tiết kiệm Nhà ở. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại thực hiện đề án không đơn giản bởi những người thu nhập có hoàn cảnh khó khăn, chạy ăn từng bữa sẽ rất khó đủ tài chính để đóng góp. Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty tư vấn Navigat cho rằng người nghèo vẫn khó có cơ hội mua được nhà thu nhập thấp. Giả sử khoảng 10 triệu đồng mỗi m2 thì một căn hộ rộng 50 m2 sẽ lên tới 500 triệu đồng. Đóng 30% giá trị căn hộ tương đương với 150 triệu đồng trong vòng 5 năm. Như vậy, mỗi tháng, một hộ gia đình cần phải tiết kiệm được 2,5 triệu đồng. "Đối với người thu nhập thấp thì con số này không nhỏ", ông Quang lo ngại.
Người dân được vay 70% số tiền, tương đương với 350 triệu đồng với lãi suất 6,5-8,5% là một con số quá cao. Ông Quang tính toán nếu vay trong vòng 15 năm thì chỉ tính riêng tiền gốc, mỗi tháng người mua nhà phải trả 2 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng, người dân sẽ phải tiết kiệm tối thiểu 4,5 triệu đồng, một số tiền không nhỏ đối với người mua nhà thu nhập thấp. "Người dân sẽ phải nhịn ăn, nhịn mặc và không mua sắm thì mới đủ tiền mua nhà. Đó là chưa kể giá nhà sẽ còn bị đẩy cao hơn do trượt giá", ông Quang nói.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành thẳng thắn, giá nhà thu nhập thấp phải dưới mức 500 triệu đồng, người dân mới đủ tiền mua. Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Đực, Nhà nước nên ưu tiên căn hộ diện tích nhỏ, giá mềm để đại bộ phận dân nghèo tiếp cận được nhà thu nhập thấp và bài toán nhà ở cần phải dần dần theo thời gian. "Trước mắt, khi chưa có thu nhập cao, người dân có thể ở trong những căn hộ diện tích nhỏ khoảng 35-40 m2, sau đó, khi đời sống khấm khá, họ sẽ chuyển sang những chung cư lớn hơn", ông Đực bày tỏ.
Đối lập với quan điểm trên, một số chuyên gia cho rằng đề án mang ý nghĩa xã hội rất lớn và cần làm ngay.
Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường nhìn nhận, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở từ rất lâu dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong khi giá nhà đất đang leo thang như hiện nay thì mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở xã hội sẽ giúp người thu nhập thấp có thể sở hữu một ngôi nhà làm nơi ăn chốn ở. "Mô hình Quỹ tiết kiệm sẽ hiện thực hóa giấc mơ nhà ở của nhiều người. Đến nay mới trình Chính phủ và đề xuất áp dụng từ năm 2013 là còn hơi muộn", ông Võ nói.
Đề xuất những người có nhu cầu mua nhà phải đóng góp 30% tổng số tiền cần vay thay vì góp 1% mức lương hằng tháng như trước đây, theo ông Võ, là một cải tiến đáng kể, buộc những người thu nhập thấp phải có trách nhiệm với căn hộ của mình, tránh tình trạng bao cấp, chờ cơ chế phân phát của Nhà nước.
Tuy nhiên, vị chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, mấu chốt vấn đề là phải đưa ra cơ chế vận hành quỹ thật minh bạch. "Việc quản lý quỹ thế ra sao và những doanh nghiệp thuộc đối tượng nào được vay mua nhà thu nhập thấp cũng là câu hỏi cần suy ngẫm", ông Võ băn khoăn.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, sau khi tham khảo ý kiến các bộ ngành và các nước, đề án xây dựng Quỹ tiết kiệm đã được chỉnh sửa lại theo hướng người dân đóng góp tự nguyện thay vì bắt buộc. Theo vị lãnh đạo này, Nhà nước đã gánh bớt áp lực tài chính cho người dân bằng việc hỗ trợ lãi suất ưu đãi để người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nhà ở. Vị lãnh đạo cũng cho biết ông không muốn bình luận nhiều bởi nếu được thông qua, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể sau.