Một chương trình dạng như Second Home ở Việt Nam chưa triển khai được, vì cơ chế chưa mở cho cá nhân người nước ngoài sở hữu bất động sản.
Phát biểu như vậy vào tối 14/4 vừa qua, trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đồng thời nhấn mạnh, chủ trương cho người nước ngoài mua nhà được xem là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các loại căn hộ thuộc phân khúc cao cấp.
Ông cho biết, Bộ Xây dựng đang xây dựng và sau đó trình Chính phủ, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội, cố gắng trong năm 2013 sẽ trình Quốc hội.
Lâu nay, nhiều chuyên gia về bất động sản đã nhận xét, có một nguồn lực tài chính "cứu nguy" cho thị trường, không cần dùng đến gói cứu trợ của nhà nước, mà vẫn không bóp méo thị trường, đó là dòng tiền từ những người nước ngoài có nhu cầu thực về nhà ở lâu dài tại Việt Nam.
Chứng kiến tình hình nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng trong nước nói riêng và nghiên cứu thực tiễn các nước, ông Thân Thành Vũ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản du lịch - hơn một lần nêu quan điểm, giá mà Việt Nam học tập được các nước láng giềng về việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở, kích thích phát triển du lịch và bất động sản nội địa.
Vị này so sánh, nhìn sự thành công của Malaysia trong triển khai chương trình Second Home (căn nhà thứ hai) mà "thèm muốn". Theo đó, tòa căn hộ 30 tầng phục vụ chương trình này của Malaysia, chưa xây xong móng đã bán hết cho người Nhật. Lý do, người nước ngoài mua căn hộ này sẽ nhận được nhiều ưu đãi như được thẻ cư trú có thời hạn 10 năm, các thủ tục thường trú và đi lại dễ dàng.
Nếu như Malaysia cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản theo dạng thuê 50 năm, thì Thái Lan áp dụng 30 năm. Thủ tục sở hữu thuận lợi và chính sách quảng bá du lịch ưu việt, mỗi năm Thái Lan hay Malaysia đều thu hút trên dưới 20 triệu lượt khách du lịch, trong khi du lịch của Việt Nam tiềm năng ngang bằng thậm chí hơn, thì mỗi năm chỉ thu hút khoảng 5 triệu lượt khách - bằng 1/4 láng giềng.
Theo ông Vũ, đã thấy rõ thuận lợi, song một chương trình dạng như Second Home ở Việt Nam chưa triển khai được, vì cơ chế chưa mở cho cá nhân người nước ngoài sở hữu bất động sản.
“Nếu Nhà nước cải thiện cơ chế cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì chắc chắn ở lĩnh vực bất động sản cao cấp nói riêng, cả mấy chục ngàn căn hộ, biệt thự ứ hàng của mấy trăm doanh nghiệp không tiêu thụ nổi bởi thị trường trong nước, sẽ được giải phóng”, ông này nói.
Đại diện mảng đầu tư của Công ty Tư vấn tiếp thị bất động sản Colliers Việt Nam cũng nhận xét, trước và trong bối cảnh bế tắc, không có đầu ra của thị trường bất động sản, đơn vị này lại nhận được không ít nhu cầu của khách nước ngoài muốn sở hữu căn hộ tại Việt Nam.
Từ 4 năm trước, với việc ban hành Nghị quyết 19/2008/QH12, Quốc hội lần đầu tiên đã chính thức cho phép việc này, và sau đó không lâu, Chính phủ đã có Nghị định số 51/2009/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện, chủ trương cho phép tổ chức cá nhân Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam đã được chính thức thí điểm.
Tuy vậy, do những quy định rất chặt chẽ, những con số nhỏ bé (bình quân 85 trường hợp được mua nhà mỗi năm trên cả nước) qua 5 năm thực hiện thí điểm chủ trương này cho thấy, gần như không có tác động tới thị trường.
Theo một thống kê của Cục Đăng ký và thống kê (thuộc Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến tháng 2/2013, cả nước chỉ có 427 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam theo con đường “chính thức”, tập trung chủ yếu ở Tp.HCM với 342 trường hợp.
Tuy nhiên, tín hiệu mới nhất từ các cơ quan Chính phủ hồi cuối tháng 3/2013 đã cho thấy các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản bằng biện pháp phù hợp, trong đó có khả năng mở rộng hơn các quy định cho người nước ngoài mua nhà để ở.
-
Giảm giá một nửa, biệt thự vẫn ế 10 năm
Một số dự án từng là điểm “sốt” của thị trường đến nay giá thứ cấp giảm xuống còn khoảng từ 30-50% tùy vào từng khu vực, dự án. Nguy cơ ế ẩm có thể kéo dài 5-10 năm với biệt thự vùng ven.
-
Nhiều dự án “treo” ở Khu Nam TPHCM
Ngày 16-4, Tổ công tác xử lý dự án chậm triển khai của Sở TN-MT TPHCM đã làm việc với UBND huyện Bình Chánh. Báo cáo tại cuộc họp, UBND huyện Bình Chánh cho biết các dự án chậm triển khai đều nằm trong phạm vi Khu Nam.
-
TPHCM: Đề xuất linh hoạt giảm căn hộ tồn kho thực
Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều biện pháp cụ thể để giảm tồn kho căn hộ đã hoàn thiện; và chỉ xét, ưu tiên chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội đối với những dự án nhà ở thương mại đã xây xong căn hộ.