Tại nhiều dự án, người dân đang từng ngày từng giờ mong chờ nhận được tiền bồi thường theo khung giá mới của nhà nước khoảng gần 300 triệu đồng/1 sào đất nông nghiệp. Trong khi đó, dư luận lại bị sốc bởi mức đền bù lên tới 1 tỷ đồng/1m2 đất ở khu vực quận Hoàn Kiếm! Điều gì đang xảy ra ở đây?
Theo ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội - đang tồn tại rất nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng và đó là nguyên nhân đang kéo lùi sự phát triển của không ít ngành nghề và doanh nghiệp.
Việc bồi thường theo giá thị trường cũng mỗi nơi vận dụng một khác. Ông Biền đơn cử: Nhà chung cư cũ đã sử dụng trên nửa thế kỷ vô cùng nhếch nhác và ô nhiễm, phần lấn chiếm cơi nới nhiều khi rộng hơn diện tích ghi trong sổ đỏ, kinh doanh buôn bán ở tầng 1 thu lợi hàng chục năm. Ấy vậy mà khi nhà đầu tư vào lập phương án xây dựng lại thì không ít người lại bất hợp tác, gửi đơn kiện, đòi được chọn chủ đầu tư!
Nghịch lý này bao năm nay nhiều người biết, nhiều cơ quan cùng thấy. Nhưng tại sao vẫn không thể giải quyết nổi? Đại diện một doanh nghiệp đầu tư cải tạo chung cư cũ cho hay, nhiều khi tưởng chừng như kiệt sức trước chặng đường giải phóng mặt bằng chưa biết khi nào về đích. Doanh nghiệp bỏ dở dự án, người dân thì còn lâu mới được cải thiện điều kiện nhà ở, thành phố thì cứ nhếch nhác, cũ nát.
Trở lại mức giá bồi thường lên tới 1 tỷ đồng/m2 tại khu vực Hoàn Kiếm cũng đang cho thấy những nghịch lý trong giải phóng mặt bằng dường như đang lên tới đỉnh điểm, đè thêm gánh nặng lên nhiều cơ quan khác nhau.
Nơi rất cần mặt bằng thì không được đáp ứng, nơi ôm đất lập dự án “ma” bỏ hoang nhiều năm thì vẫn chậm bị xử lý. Con số thu hồi dự án trong những năm qua thực tế nhỏ hơn rất nhiều so với những trường hợp bỏ hoang đất.
Khi nào những nghịch lý nêu trên được tháo gỡ? Vấn đề này, nếu không được giải quyết triệt để, sẽ trở thành môi trường màu mỡ tạo cơ hội làm giàu bất chính cho không ít người.