Sau nhiều năm chờ đợi, quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 4.2022.
Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng
Sau nhiều năm chờ đợi, quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 4.2022.
Quy hoạch đô thị sông Hồng thuộc địa giới hành chính của 55 phường xã, thuộc 13 quận huyện, được trải dài 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
Phân khu quy hoạch có diện tích gần 11.000ha, trong đó sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông hơn 5.400ha (50%). Phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá… Ngoài ra, còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), công trình hạ tầng kỹ thuật…
Theo định hướng tại Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, các khu vực dân cư hiện có ngoài khu vực bãi sông được tồn tại, bảo vệ gồm: Khu dân cư Chu Phan - Tráng Việt (huyện Mê Linh); Tàm Xá - Xuân Canh (huyện Đông Anh); Nhật Tân - Tứ Liên (quận Tây Hồ); Hoàng Mai, Thanh Trì 1, Thanh Trì 2 (quận Hoàng Mai); Đông Dư - Bát Tràng và Kim Lan - Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ngoài ra, những khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng cũng sẽ được tồn tại, bảo vệ.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt không chỉ đáp ứng nguyện vọng của hàng chục vạn cư dân đang sinh sống tại vùng bãi sông Hồng mà còn là mong mỏi của toàn thể Nhân dân Thủ đô. Quy hoạch phân khu này hoàn thành sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình điều chỉnh chung xây dựng Thủ đô mà TP đang thực hiện nhằm sớm đưa Thủ đô phát triển đồng bộ, văn minh, hiện đại, bền vững. Nhất là trong bối cảnh nhiều quận trung tâm không còn quỹ đất để phát triển nhằm phục vụ an sinh xã hội.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống
Cuối tháng 3.2022, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 1046 phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6) (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng), tỷ lệ 1/5000.
Theo đó, Quy hoạch có phạm vi, ranh giới nghiên cứu phía Bắc và Đông Bắc giáp đê tả ngạn sông Đuống và phân khu đô thị N9 (thuộc các huyện: Đông Anh, Gia Lâm); phía Nam và Tây Nam giáp đê hữu ngạn sông Đuống (thuộc quận Long Biên); phía Tây giáp cầu Bắc Cầu và phân khu đô thị sông Hồng và phía Nam và Đông Nam giáp phân khu đô thị N10 và cầu Phù Đổng.
Quy mô nghiên cứu khoảng 1.152ha. Dân số tối đa đến năm 2030 khoảng 8.296 người.
Về tính chất và chức năng, đây sẽ là khu vực đặc thù, phải tuân thủ các yêu cầu của Luật Đê điều: Đoạn sông có hệ thống đê tiêu chuẩn cao để ổn định dòng chảy, chống ngập lụt; tăng khả năng phân lũ của sông Hồng kết hợp cải tạo giao thông đường thủy để liên kết với mạng lưới vùng.
Mạng lưới giao thông trong Quy hoạch phân khu sông Đuống được xác định như sau:
Về đường sắt, tuyến đường sắt quốc gia xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi và cầu Đuống hiện có sẽ dỡ bỏ, thay thế bằng đường sắt đô thị tuyến số 1 và cầu Đuống mới theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, cắt qua phạm vi quy hoạch có hai tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến số 1 qua cầu Đuống mới và tuyến số 4 qua cầu Đông Trù.
Về đường bộ gồm: Đường cao tốc đô thị vành đai 3 qua cầu Phù Đổng (quy mô cầu 36m, 6 làn xe); các tuyến đường trục đô thị: đường 5 kéo dài qua cầu Đông Trù (quy mô cầu 41,5m, 6 làn xe và dải dự trữ xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 4), đường Ngô Gia Tự - Hà Huy Tập qua cầu Đuống đường bộ mới (quy mô cầu 34m, 6 làn xe), đường Vĩnh Tuy - Ninh Hiệp qua cầu Dương Hà xây dựng mới (quy mô cầu 36m, 6 làn xe), đường trục dọc sông Hồng qua cầu Bắc Cầu xây dựng mới (quy mô cầu 36m, 6 làn xe), đường nối Thượng Thanh – Mai Lâm qua cầu Mai Lâm (quy mô cầu 24m, 4 làn xe); Đường liên khu vực bao gồm các tuyến đường đê tả, hữu Đuống, quy mô mặt cắt ngang 4-6 làn xe (bao gồm cả đường chân đê).
6 đồ án quy hoạch phân khu thuộc đô thị Phú Xuyên và Xuân Mai
Trong 31 đồ án QHPK tại các đô thị vệ tinh, hiện 6 đồ án gồm 3 QHPK đô thị Xuân Mai (khu 1, khu 2, khu 3) và 3 QHPK đô thị Phú Xuyên (khu 1, khu 2, khu 3) đã được Sở QH - KT thẩm định, trình UBND TP xem xét phê duyệt trong thời gian cuối năm 2022.
Đối với 14 đồ án QHPK trong khu vực đô thị vệ tinh Sơn Tây, trong đó 9 đồ án thuộc khu vực ST1, Sở QH -KT đã có báo cáo UBND TP xin ý kiến Ban Thường trực, Thường vụ Thành ủy, dự kiến hoàn chỉnh, trình UBND TP phê duyệt trong năm 2022.
Còn lại 5 QHPK đô thị tại các khu vực ST2, ST3, ST4; Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực phía Đông Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực hồ Xuân Khanh, UBND TP đã ủy quyền, giao UBND thị xã Sơn Tây và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng & công nghiệp TP là cơ quan tổ chức nghiên cứu lập. Hiện các đơn vị này đang tổ chức nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch; dự kiến, trình UBND TP xem xét, xin ý kiến Ban Thường trực, Thường vụ Thành ủy về nhiệm vụ quy hoạch trong năm 2022.
Về 4 đồ án QHPK đô thị Hòa Lạc (HL3, HL4, HL5, HL6), tỷ lệ 1/2000, ngày 20/7/2022, Văn phòng UBND TP có Công văn số 7103/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiếp tục khẩn trương tổ chức lập các đồ án QHPK đô thị Hòa Lạc theo các nhiệm vụ quy hoạch đã được duyệt, đảm bảo tiến độ, báo cáo UBND TP trong tháng 12/2022.
Mới đây nhất (ngày 5.8), UBND TP Hà Nội đã có các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 5 phân khu đô thị Sóc Sơn khu 1, 2, 4, 5 và 6, tỷ lệ 1/2.000
Quy hoạch không gian ngầm và bến, bãi để xe…
Chiều ngày 12.4, Thành phố Hà Nội đã công bố công khai hai đồ án quy hoạch gồm: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000 và Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo nội dung đồ án, quy hoạch thuộc địa giới 20 quận huyện gồm: Khu vực nghiên cứu chính không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín. Khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối tại 5 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.
Quy hoạch đã phân vùng chức năng để xây dựng. Cụ thể, phân 3 vùng theo chiều ngang gồm: Khu vực nội đô có khu vực nội đô lịch sử, từ Vành đai 2 vào trung tâm sẽ đẩy mạnh phát triển không gian ngầm do cơ bản đã khai thác hết không gian trên mặt đất, mật độ đô thị cao. Còn tại khu vực nội đô mở rộng, từ Vành đai 2 đến Vành đai xanh sông Nhuệ sẽ tăng cường liên kết các không gian ngầm cục bộ tại các công trình đã và đang hình thành, tạo thành hệ thống liên hoàn.
Tại khu vực phát triển mới, từ khu đô thị Đông Vành đai 4 và Khu vực phát triển mới phía Bắc sông Hồng sẽ dự phòng quỹ đất cho phát triển đồng bộ giữa không gian ngầm và không gian nổi đồng bộ, hiện đại.
Cuối cùng là khu vực hành lang hai bên sông Hồng, sông Đuống sẽ hạn chế phát triển không gian ngầm, chỉ phát triển công trình hạ tầng ngầm.
Một trong những nội dung quan trọng của đồ án này là thành phố đã định hướng giao thông ngầm chủ yếu là hệ thống các tuyến đường sắt đô thị xây dựng ngầm, gồm 6 tuyến (2, 3, 4, 5, 7, 8) với tổng chiều dài khoảng 86,5km, sâu trung bình khoảng 20m. Dự kiến, có 81 ga ngầm (trong đó 7 ga tuyến số 2 và số 4 là ga kết hợp).
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng sẽ quy hoạch 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm với tổng diện tích sàn là hơn 104ha, chủ yếu bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ, công trình xây dựng từ 3 – 4 tầng hầm (tối đa đến 5 tầng hầm và bố trí kết hợp với các chức năng thương mại dịch vụ.
Về không gian công cộng ngầm, TP xác định 39 khu vực phát triển không gian công cộng ngầm tại khu vực nội đô (lịch sử và mở rộng) với tổng diện tích khoảng 954ha. Định hướng bố trí các chức năng: Dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí, ga ra ngầm gắn kết với các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga trên tuyến.
Ngoài ra, đề xuất 65 vị trí khuyến khích hình thành không gian ngầm tại các khu vực phát triển mới phía Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng với tổng diện tích khoảng 2.171ha.
Đối với Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các bến xe khách, xe tải liên tỉnh được bố trí trên các trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với Vành đai 4, theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Tại khu vực đô thị trung tâm, các bến xe hiện có (trong khu vực đường Vành đai 3) gồm: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của bến xe trên cơ sở quy mô hiện có.
Về lâu dài, các bến xe này sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch tại khu vực lân cận đường Vành đai 3 (bến Đông Anh, bến Cổ Bi) và Vành đai 4 (bến Nội Bài, bến Phùng, bến phía Nam...).
Quỹ đất các bến xe khách hiện có này sẽ được chuyển chức năng ưu tiên cho nhu cầu phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị (bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ...). Cụ thể sẽ được thực hiện theo các dự án riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Về quy hoạch các bến xe khách trung hạn, bến Yên Sở (diện tích khoảng 3,2ha) được xây dựng theo dự án đầu tư được duyệt. Thành phố không bố trí các bến Xuân Phương, Kim Chung (do đã hết thời hạn thực hiện).
Ngoài ra, nội dung quy hoạch gồm 7 bến xe dài hạn; 8 bến xe tải liên tỉnh và mạng lưới gồm 7 khu trung tâm tiếp vận.
-
Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế 140 tỷ USD
Theo kênh NHK, giới chức Nhật Bản đang cân nhắc tung ra gói hỗ trợ mới trị giá khoảng 21.900 tỷ Yen (hơn 140 tỷ USD) nhằm giảm nhẹ tác động của giá cả sinh hoạt tăng cao với người dân.
-
Nghệ thuật và Bất động sản: Sự song hành quyền lực
“Nghệ thuật đã trở thành vũ khí bí mật của những bất động sản hạng sang”, theo Forbes.
-
PGBank chuyển trụ sở về Thành Công Tower
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, mã: PGB) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc thuê địa điểm làm văn phòng.