“Trung Quốc sau mười ba năm soạn thảo và bàn cãi mới ban hành được Luật Xây dựng năm 1997, khiến họ mừng rỡ tự hào “mười ba năm rèn một lưỡi gươm”! Còn chúng ta soạn thảo nhanh thì sửa đổi cũng nhanh thôi!”

Soạn thảo nhanh thì sửa đổi nhanh


TS Phạm Sỹ Liêm - Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã thẳng thắn đưa ra ý kiến trên tại hội thảo “Hoàn thiện báo cáo rà soát luật xây dựng, luật đấu thầu” do VCCI tổ chức diễn ra sáng 29/9 tại Hà Nội.


Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Luật Xây dựng nước ta có phạm vi điều chỉnh quá rộng có lẽ vì đấy là luật ra sớm nhất, cùng lúc với Luật Đất đai (sửa đổi) vào năm 2003, rồi sau đó các luật khác có liên quan mới được ban hành như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở năm 2005, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2006 và Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Hiện nay Bộ Xây dựng đang chuẩn bị cho Luật Đô thi . “Nói chung là chẳng theo một trật tự lô gích nào cả. Nhẽ ra các nhà làm chính sách và các nhà lập pháp nên sớm đưa ra Chương trình xây dựng hệ thống luật kinh tế, đưa ra mục đích lập pháp và phạm vi điều chỉnh cụ thể cho từng luật, dự kiến lịch soạn thảo, phân công soạn thảo, và lập tủ sách luật kinh tế quốc tế để có tài liệu tham khảo” – Ông gay gắt nói.


Rồi ông Liêm cho rằng, chứng ta nên khởi động một chương trình như thế ngay từ bây giờ. “Làm như vậy, nước ta sẽ lợi dụng được lợi thế hậu phát, tránh được những khúc quanh co, những vêt xe đổ của nước khác để sớm trang bị cho mình một hệ thống luật kinh tế tiến bộ” – Ông Liêm khẳng định.


Đồng ý kiến với ông Liêm, nhiều đại biểu tại hội thảo cũng cho rằng, không chỉ dừng lại ở việc rà soát mà nên phá vỡ nó để đưa ra khung mới, tạo ra luật mới phù hợp với tình hình thực tiễn.


Q uy định rõ hơn về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực xây dựn g


Đi vào từng vấn đề cụ thể, nhóm chuyên gia rà soát khuyến nghị sửa đổi 20 vấn đề còn vướng mắc trong luật xây dựng. Với quy định về điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng công trình, nhóm chuyên gia rà soát khuyến nghị cần có hướng dẫn áp dụng rõ ràng đối với nội dung Điều 40 (đã sửa đổi) của Luật Xây dựng theo hướng các dự án đầu tư, bao gồm cả các dự án không sử dụng vốn nhà nước hoặc có sử dụng vốn nhà nước dưới 30% đều được điều chỉnh dự án. Đại diện nhóm chuyên gia diễn giải, Điều 40 Luật Xây dựng (đã sửa đổi theo Luật số 38/2009/QH12) qui định chưa rõ ràng và có thể được hiểu là chỉ các dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên mới được điều chỉnh dự án tức là các dự án còn lại không được điều chỉnh. Qui định như vậy chưa bảo đảm tính hợp lý và công bằng giữa các dự án có vốn nhà nước 30% trở lên và các dự án khác và không thống nhất với qui định tại Điều 51 Luật Đầu tư.


Nhóm chuyên gia rà soát cũng khuyến nghị nên quy định rõ hơn về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Theo nhóm chuyên gia, cần quy định cụ thể khái niệm “công trình khác” tại Điều 11 Nghị định 23/2009/NĐ-CP với các mức độ vi phạm và mức phạt tương ứng cho phù hợp. Bởi theo qui định tại Điều 11 Nghị định 23/2009/NĐ-CP, mức phạt cho vi phạm liên quan tới “ công trình khác” từ 30 đến 40 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên, “ công trình khác” có thể bao gồm rất nhiều loại công trình, bao gồm cả các công trình nhỏ như công trình xây dựng tường rào, ki ốt bán hàng hóa nhỏ lẻ,… nên qui định về mức phạt như trên khi không có hướng dẫn cụ thể về khái niệm “ công trình khác” có thể gây ra nhiều khó khăn, phức tạp dễ gây nên các vướng mắc hay tiêu cực trong việc thực thi qui định.


Luật sư Mai Lương Việt - Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt và Cộng sự cũng khuyến nghị, cần quy định cụ thể khái niệm “công trình khác” tại Điều 11 Nghị định 23/2009/NĐ-CP với các mức độ vi phạm và mức phạt tương ứng cho phù hợp

Theo Hồ Hường (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.